Tiêu đề của website

Loay hoay tìm thầy cho đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam

Từ khi tham dự SEA Games vào năm 1989, những người làm bóng chuyền Việt Nam vẫn luôn khắc khoải với giấc mơ đoạt huy chương vàng SEA Games. Không thiếu cơ hội, không thiếu những lần đứng trước ngưỡng cửa vô địch. Nhưng rồi chức vô địch đều rời xa bóng chuyền Việt Nam, để lại những dư vị tiếc nuối, cay đắng...


Trong cuộc gặp gỡ báo chí mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn kiêm Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Trần Đức Phấn đã cho biết đang cố gắng hiện thực hóa giấc mơ đoạt ngôi vô địch SEA Games bằng việc mời một HLV làm việc dài hạn cho đội tuyển bóng chuyền nam quốc gia. Quỹ lương đã có và bảo đảm để một HLV nội yên tâm làm nghề nhưng tìm được người chấp nhận thách thức lại không đơn giản.

Chấp chới đường lên“ngôi vương”

Từ khi tham dự SEA Games vào năm 1989, những người làm bóng chuyền Việt Nam vẫn luôn khắc khoải với giấc mơ đoạt huy chương vàng SEA Games. Không thiếu cơ hội, không thiếu những lần đứng trước ngưỡng cửa vô địch. Nhưng rồi chức vô địch đều rời xa bóng chuyền Việt Nam, để lại những dư vị tiếc nuối, cay đắng.

Có nhiều người đã nói rằng, các đội tuyển bóng chuyền Việt Nam không may mắn khi phải tranh tài ở khu vực Đông Nam Á với một Thái Lan mạnh toàn diện cả nam và nữ. Nếu đội tuyển nữ thường thất thế trước Thái Lan tại đấu trường SEA Games thì đội tuyển nam từng có cơ hội rõ hơn để lần đầu trở thành tân vương của SEA Games. Bởi đã có lúc, bóng chuyền nam Việt Nam đả bại Thái Lan ngay tại SEA Games và chỉ cách ngôi vô địch đúng một trận chung kết.

Thế nhưng, lại có một Indonesia chắn lối lên ngôi vô địch của đội tuyển Việt Nam. Câu chuyện của 11 năm trước đến giờ vẫn được nhắc lại trong tiếc nuối. Tại SEA Games 24 năm 2007 ở Thái Lan, đội tuyển nam Việt Nam đã gây sững sờ bằng chiến thắng trước Thái Lan ở bán kết. Lúc ấy, Ngô Văn Kiều nổi lên như một chủ công sáng giá nhất Đại hội và tưởng như không thể cản phá.

Nhưng rồi đội tuyển lại thất bại trước Indonesia ở trận chung kết, nơi các tuyển thủ Việt Nam đều không vượt qua được áp lực tâm lý. Đấy là kỳ SEA Games mà đội tuyển nam Việt Nam có nhiều cơ hội lên ngôi vô địch nhất. Sau này, dù đã có lần vào chung kết SEA Games nhưng các tuyển thủ nam Việt Nam không thể làm nên chuyện do thất thế ngay từ trước trận chung kết.

Đội tuyển bóng chuyền nam quốc gia vẫn “đợi” HLV trưởng.

Gần nhất, ở SEA Games 29, đội tuyển Việt Nam lại để thua Thái Lan 2-3 ở bán kết và ngậm ngùi nhận huy chương đồng. Trước giải này, thầy trò đội tuyển đã rất tự tin khi đề cập đến việc thắng Thái Lan bởi đội từng vượt qua Thái Lan với tỷ số 3-0 ở Giải bóng chuyền nam châu Á 2017.

Cuộc tái ngộ ở SEA Games lại mang màu sắc khác trong đó, như thường lệ, đội tuyển Việt Nam lại nhận thất bại. Nguyên nhân được chỉ ra là đội tuyển không thiếu VĐV giỏi dù nền tảng chung của bóng chuyền nam có thể không bằng Thái Lan hay Indonesia, nhưng lại thiếu những quyết định sắc sảo từ băng ghế huấn luyện và phần nào là sự may mắn.

Sốt ruột tìm thầy

Sau khi đội tuyển nam chứng tỏ được rằng có thể thắng Thái Lan ngay tại đấu trường SEA Games, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã lên một kế hoạch mang tính dài hạn để phục vụ cho mục tiêu chinh phục ngôi vô địch SEA Games 31 năm 2021, dự kiến diễn ra tại Việt Nam.

Ngay từ lúc này, danh sách đội tuyển nam tham dự ASIAD 2018 đã được xây dựng với nhiều cầu thủ trẻ. Họ có thể còn non kinh nghiệm ở đấu trường châu lục nhưng sẽ có nhiều trải nghiệm để làm hành trang khi tranh tài ở SEA Games 2021. Thành phần VĐV đã tạm ổn và giờ lại chờ một HLV chấp nhận đi cùng đội tuyển đến SEA Games năm 2021 với mục tiêu giành huy chương vàng.

Những kỳ giải quốc tế gần đây, vị trí HLV trưởng đội tuyển nam thường được trao cho HLV Phùng Công Hưng (Thể Công). Ông Hưng đã chứng tỏ được năng lực khi từng cùng đội tuyển giành chiến thắng trước Thái Lan ở Giải vô địch châu Á 2017. Tuy vậy, ông cũng chưa thể mang về tấm huy chương vàng trong mơ cho bóng chuyền nam Việt Nam tại SEA Games. Cho nên, vị trí HLV trưởng đội tuyển bóng chuyền nam quốc gia trong thời gian tới cũng chưa thể xác định ngay.

Ông Trần Đức Phấn chia sẻ rằng: “Đến lúc này, chúng tôi vẫn trong quá trình thương thảo với một số HLV để họ chấp nhận làm việc dài hạn cho đội tuyển đến SEA Games 2021. Đây không phải là việc dễ bởi chỉ tiêu của đội tuyển là giành huy chương vàng tại SEA Games ngay trên sân nhà. Tuy vậy, chúng tôi vẫn hy vọng sẽ tìm được người dám chấp nhận thách thức”.

Như người trong cuộc tiết lộ thì Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam sẵn sàng trả tối đa 60 triệu đồng/tháng cho HLV trưởng đội tuyển bóng chuyền nam quốc gia. Đấy là mức lương cao trong làng bóng chuyền Việt Nam nhưng thách thức cũng nhiều.

Như thế, nếu có HLV chấp nhận thách thức và cho thấy đủ khả năng hiện thực hóa mục tiêu giành ngôi vô địch cho bóng chuyền nam Việt Nam tại SEA Games năm 2021 thì Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam sẽ phải chi trên 2 tỷ đồng trong hơn 3 năm tới. Mức kinh phí này cũng là lớn với một Liên đoàn đang gặp khó khăn về nguồn tài trợ, đến nỗi gần chục năm nay, mức thưởng cho đội vô địch tại Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia vẫn chỉ ở mức 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, đã đặt ra được mức lương cho HLV đội tuyển quốc gia cũng đồng nghĩa Liên đoàn Bóng chuyên Việt Nam đã tìm được nguồn kinh phí cho riêng khoản này.

Cho đến lúc này, chỉ còn hơn 3 năm là đến ngày khai mạc SEA Games 2021. Công cuộc tìm kiếm HLV của đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam cũng phải sớm kết thúc để kế hoạch giành “vàng” ở SEA Games này theo đúng lộ trình.


Tác giả:MINH NHẬTNguồn: CAND
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều