Tiêu đề của website

Giải bóng chuyền VÐQG 2018: Phú quý giật lùi

Tiếng là môn thể thao có tầm ảnh hưởng chỉ đứng sau bóng đá, nhưng bóng chuyền Việt Nam lại đang gặp vô vàn khó khăn về chuyện kinh phí. Nếu như đội vô địch ở Giải vô địch bóng đá quốc gia (V-League) nhận ba tỷ đồng, thì phần thưởng cho đội đăng quang Giải vô địch bóng chuyền quốc gia chỉ là 100 triệu đồng, tức là thấp hơn tới 30 lần…


Bóng chuyền đang trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn về kinh phí.

Ði trước về sau

Bóng chuyền là môn thể thao được áp dụng mô hình xã hội hóa trước cả bóng đá, từ những năm 1990. Giải vô địch quốc gia (VÐQG) khi đó (còn gọi là Giải các đội mạnh toàn quốc) có sức hút rất lớn với các nhà tài trợ, thậm chí những địa phương đăng cai luôn sẵn sàng chi toàn bộ kinh phí để tổ chức giải. Bóng chuyền còn vượt trước “môn thể thao vua” khi đăng cai một số giải tầm châu lục và thế giới, với sự nhập cuộc chung tay mạnh mẽ của truyền hình.

Ði tiên phong về xã hội hóa thể thao, nhưng “phú quý giật lùi”, bóng chuyền dần đánh mất vị thế. Ðiều này thể hiện rất rõ ở cơ cấu giải thưởng. Suốt một thời gian dài, đội vô địch quốc gia chỉ nhận… 20 triệu đồng. Kể từ năm 2009, với sự đột phá là bán được bản quyền truyền hình, giải thưởng được nâng lên mức 100 triệu đồng, và “giậm chân tại chỗ” suốt từ đó đến nay.

Buồn và nghịch lý ở chỗ: các khán đài bóng chuyền luôn đầy ắp khán giả. Có những trận đấu đỉnh cao trước đây như Bộ Tư lệnh Thông tin gặp Bình Ðiền Long An, hay Quân đội gặp Khánh Hòa… người xem tràn cả xuống sân. Hấp dẫn và sôi động là thế, nhưng việc mời nhà tài trợ, bán quảng cáo hay bản quyền truyền hình vẫn “chẳng khác nào đánh đố”.

Bao năm qua, Giải bóng chuyền VÐQG vẫn chỉ có một nhà tài trợ duy nhất, và đương nhiên mọi khoản chi cho giải đều ở mức rất thấp, thậm chí chỉ là cho có, mang tính khích lệ tinh thần là chính. Ðơn cử, giải năm ngoái, phụ công Kim Huệ giành danh hiệu VÐV xuất sắc toàn diện mà chỉ được nhận hai triệu đồng tiền thưởng, còn “không đủ khao đồng đội một bữa”.

Những VÐV như Kim Huệ hiển nhiên càng chạnh lòng hơn khi nhìn sang bóng chuyền Thái-lan. Giải VÐQG của họ có giải thưởng cho đội vô địch tương đương một tỷ đồng ở thời điểm ba năm trước, còn giờ đã cao hơn nhiều. Ðó là chưa kể rất nhiều khoản thu khác từ bản quyền truyền hình, khai thác hình ảnh, bán vé, tiền hỗ trợ của Ban tổ chức giải…, những nguồn thu dồi dào dành cho các CLB.

Vẫn còn cảnh xin - cho

Năm 2009, lần đầu bóng chuyền Việt Nam bán được bản quyền truyền hình, nhưng rồi nguồn thu này cũng èo ọt dần, và biến mất lúc nào không hay, khi “bán chẳng ai mua”. Rồi lại thêm một nghịch lý nữa: Cứ mỗi lần giải VÐQG diễn ra, những nhà tổ chức lại phải đi xin được truyền hình trực tiếp. Tất nhiên, không phải đài nào cũng sẵn sàng giúp đỡ, nếu không được bảo đảm tối thiểu về quyền lợi.

Thực tế, hiện trạng bi đát này cũng một phần là do bóng chuyền không còn hấp dẫn như xưa, chỉ một vài đội mạnh cạnh tranh còn lại thi đấu cho vui, thậm chí là có tình trạng cho điểm, nhường điểm. Thêm một vấn đề nữa là nếu như bóng đá thường diễn ra vào cuối tuần, và thi đấu vào buổi tối, thì bóng chuyền lại đấu vào giữa trưa và ngày thường, nên những người hâm mộ dù rất yêu bóng chuyền cũng không có điều kiện đến sân.

Các đội bóng chịu nhiều thiệt thòi nhất khi thương hiệu, hình ảnh của doanh nghiệp không được quảng bá một cách hiệu quả, mạnh mẽ. Có những đội như Ngân hàng Công thương đầu tư đến cả chục tỷ đồng mỗi năm, nhưng đổi lại chẳng được là bao.

Khi các đội có thắc mắc vì sao giải thưởng bao năm qua thấp như vậy, phía Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam chỉ có thể mong tất cả có sự thông cảm. Như Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường chia sẻ: “Ở thời điểm hiện tại, bóng chuyền Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi biết là giải thưởng như vậy quá khiêm tốn, nhất là khi nhiều đội phải đầu tư biết bao nhiêu tỷ đồng mỗi năm. Ðó thật sự là một nỗi trăn trở. Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề của Liên đoàn, mà là sự chung tay của xã hội, trong đó giới truyền thông cũng có vai trò rất quan trọng”.

Ðó là một lời kêu gọi thống thiết. Có điều, chính Liên đoàn trong vai trò đầu tàu lại đang tỏ ra trì trệ, bế tắc trong chuyện tìm hướng đột phá, nhằm thích nghi với bối cảnh mới. Nói cách khác, chuyện tạo nguồn kinh phí, kiếm tiền vẫn là một khâu rất yếu hiện nay của bóng chuyền Việt Nam. Hàng loạt các mảng hoàn toàn có thể “hái ra tiền” giống bóng chuyền Thái-lan đang làm, như tiếp thị tài trợ, thương quyền… đang bị bỏ không một cách lãng phí. Và như vậy, thật khó để các đội bóng “thông cảm”, đồng thời ép mình tiếp tục bằng lòng với sự “lay lắt” của cơ cấu giải thưởng.

Tiềm năng xã hội hóa của bóng chuyền Việt Nam là rất lớn. Nhưng tận dụng được cơ hội hay không, tận dụng được đến đâu lại là chuyện của nhà quản lý. Nói đâu xa, môn thể thao chỉ mới được chú ý gần đây như bóng rổ đang thành công rực rỡ, trên nhiều phương diện. Phải chăng, đã đến lúc bóng chuyền quay lại học hỏi cách tổ chức của một “kẻ đến sau”?

Tiền thưởng giải VÐQG thua cả “giải làng”

Tại Giải VÐQG 2018 diễn ra vào tháng 4 tới, tổng trị giá giải thưởng cho giải đấu là 432 triệu đồng, trong đó, giải nhất sẽ được nhận cúp, cờ, huy chương, 100 triệu đồng; giải nhì: 70 triệu đồng; giải ba: 30 triệu đồng; giải khuyến khích: 10 triệu đồng và một số giải thưởng cá nhân 2 triệu đồng. Như vậy, đánh cả mùa giải, một đội có giải thưởng thậm chí còn không cao bằng… thù lao một ngày ở các giải “hội làng” được tổ chức sau Tết Nguyên đán vừa qua.


Tác giả:MAI HƯƠNGNguồn: NHÂN DÂN
Bài viết cùng chuyên mục
Nội dung đang được cập nhật.
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều