Tiêu đề của website

Bóng chuyền Việt Nam mở cửa đón ngoại binh: Liệu VĐV chất lượng nào đến Việt Nam ?

Như vậy sau 9 năm kể từ mùa bóng 2013 cấm cầu thủ ngoại thi đấu ở giải vô địch quốc gia, cuối cùng bóng chuyền Việt Nam cũng đã cho ngoại binh xuất hiện trở lại kể từ mùa giải 2022. Trong đó, VFV cho phép mỗi CLB được quyền đăng ký 2 cầu thủ ngoại trong đội hình và 1 được thi đấu trên sân. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất là liệu có VĐV chất lượng nào dám tới Việt Nam bởi theo quy định của Liên đoàn Bóng chuyền thế giới (FIVB), mỗi VĐV trong 1 năm chỉ được phép thi đấu tại giải VĐQG của một nước.


Trần Thị Thanh Thuý khoác áo CLB PFU Blue Cats của Nhật Bản.

Thể thức thi đấu tại giải VĐQG của Việt Nam chưa chuyên nghiệp khi số trận đấu quá ít lại diễn ra trong 2 vòng cách xa nhau. Điều kiện cơ sở vật chất còn lạc hậu, thu nhập của VĐV chưa đồng đều chính là rào cản để một VĐV chuyên nghiệp chất lượng dám đánh đổi khi về thi đấu tại một CLB của Việt Nam thay vì ở các nước bóng chuyền phát triển. Nếu như cách đây 5-10 năm trước, khi mà quy định của FIVB chưa rõ ràng thì cũng có một số VĐV của Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia… đã đến Việt Nam thi đấu thời vụ. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây khi mà quy định mới ban hành thì các VĐV trong 1 mùa giải chỉ có thể thi đấu tại một giải VĐQG.  Điển hình như Thanh Thuý thi đấu tại Nhật Bản sẽ không được thi đấu cho VTV Bình Điền Long An hay trên thế giới là các VĐV nổi tiếng như: Kim Yeon-koung, Zhu Ting, Ishikawa… đều không thi đấu tại giải đấu trong nước mà chọn các CLB nước ngoài là điểm đến.  

Một số ý kiến trong giới chuyên môn cho rằng: “Trước đây, khi bóng chuyền Việt Nam thất bại tại SEA Games, VFV bị sức ép khi có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta thiếu lực lượng kế cận vì các đội chạy theo ngoại binh. Nhưng đó không phải là điều mấu chốt. Chúng ta hụt hẫng lực lượng là vì đào tạo trẻ không đồng bộ, thiếu chiều sâu, mạnh ai nấy làm, chưa có một quy hoạch chung nên chỉ có một vài đội đứng được, còn lại thì tồn tại một cách phập phù. Nhân tố ngoại chỉ làm cho giải vô địch trong nước hay hơn, cầu thủ Việt Nam có tấm gương để cố gắng hơn, nên việc bỏ ngoại binh thời gian qua chính là kéo lùi giải VĐQG”.

Và thực tế cũng đã chứng minh, dù không có ngoại binh thì cuối cùng cũng chỉ có vài ba CLB làm tốt ở khâu đào tạo trẻ là: Thông tin LienVietPostBank, VTV Bình Điền Long An, Biên Phòng… Những CLB khác cũng chỉ làm hời hợt chống đối hoặc tìm cách đi đêm, chèo kéo cướp quân từ các đội bóng yếu thế. Một số đội bóng khác cũng cố gắng xây dựng tuyến trẻ nhưng cho đến nay chưa chứng minh được nhiều.

Dẫu biết việc tăng cường ngoại binh sẽ giúp giải VĐQG trở nên hấp dẫn hơn. Thế nhưng, với thể thức thi đấu còn kém hấp dẫn, cung cách tổ chức vẫn còn thiếu chuyên nghiệp thì sẽ có bao nhiêu CLB dám chi tiền để thuê về một VĐV quốc tế thi đấu vài trận nhưng trả lương cả năm. Và ngược lại có bao nhiêu VĐV đẳng cấp đánh đổi tới Việt Nam hay đó chỉ là các cầu thủ sinh viên hoặc tay đập không còn được trọng dụng tại đất nước họ. Tất nhiên, trong thể thao chuyên nghiệp thì ngoại binh là một yếu tố cần thiết, nhưng muốn thu hút khán giả thì nội tại mỗi CLB phải được nâng tầm và việc thay đổi thể thức thi đấu cũng là điều mà các nhà quản lý nên tính toán.


Tác giả:ANH TUẤNNguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều