Mới đây, ở buổi công bố Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia năm 2018, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường nói rằng, tiền thưởng là vấn đề khiến Liên đoàn trăn trở trong nhiều mùa giải đã qua, và đến giờ vẫn vậy. Biết thế, nhưng làm thế nào để vơi bớt nỗi niềm trước mỗi mùa giải là điều không đơn giản.
Không để trăn trở kéo dài
Tiềm năng xã hội hóa của bóng chuyền Việt Nam là rất lớn. Ảnh: Quốc Khánh
Theo công bố của Ban Tổ chức Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia 2018, đội vô địch sẽ nhận 100 triệu đồng, đội xếp thứ nhì nhận 70 triệu đồng, đội hạng ba nhận 40 triệu đồng. Mức thưởng này áp dụng cho cả giải nam và nữ, so với trước thì không có sự tăng đột biến - đồng nghĩa với công tác vận động tài trợ, tạo nguồn kinh phí của một trong những liên đoàn thể thao được chú ý nhất chưa được cải thiện là bao. Trong khi đó, sự hâm mộ môn bóng chuyền ở Việt Nam chỉ xếp sau bóng đá. Đó là nghịch lý!
Trong khi đó, ở các hội làng đầu xuân 2018 này, các tuyển thủ bóng chuyền Việt Nam thuộc thành phần hầu hết các đội mạnh phía Bắc và cả miền Trung lại góp mặt đầy đủ. Mặc dù đánh giải hội làng chỉ mang tính biểu diễn chứ không đặt nặng chất lượng chuyên môn và người xem ở các hội làng cũng chỉ cần có vậy. Ở đó, các vận động viên luôn nhận được sự cổ vũ của hàng nghìn khán giả - con số trong mơ đối với nhà tổ chức trận đấu ở Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia.
Chưa kể, các khoản tiền thưởng ở hội làng nhiều khi còn “khủng” hơn cả giải vô địch quốc gia. Như ở hội làng Ninh Hiệp (Gia Lâm) xuân 2018, đội Thể Công vô địch giải đấu, nhận được tổng cộng gần 200 triệu đồng, bao gồm khoản thưởng "cứng" của Ban Tổ chức (khoảng 150 triệu đồng) và những lần trao thưởng đầy ngẫu hứng của người xem sau mỗi pha bóng đẹp của vận động viên.
Kể chuyện hội làng để thấy tiềm năng xã hội hóa trong làng bóng chuyền Việt Nam là rất lớn. Nhưng tận dụng được cơ hội hay không, tận dụng được đến đâu lại là câu chuyện khác của nhà quản lý. Một thời, bóng chuyền Việt Nam luôn tự hào vì có giải vô địch quốc gia chỉ kém bóng đá về độ hấp dẫn. Lúc ấy, nhiều doanh nghiệp vẫn đồng hành cùng bóng chuyền Việt Nam.
Vậy nhưng đến lúc này, số doanh nghiệp gắn bó với Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia không còn đông đảo như trước đây. Điều đó buộc Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam phải căn cứ vào nguồn kinh phí của mình để đặt ra mức thưởng phù hợp. Mức thưởng 100 triệu đồng cho ngôi vô địch đối với một đội bóng có khoảng 15 thành viên trở lên không đáng kể so với nhiều môn thể thao khác vốn có vị thế thấp hơn so với bóng chuyền.
Theo ông Lê Trí Trường, tiền thưởng chỉ là một trong những yếu tố làm nên thành công của giải đấu quốc nội cũng như không bõ bèn gì so với khoản đầu tư từ đơn vị chủ quản của đội bóng. Nhưng thực tế đây là thứ dễ thấy nhất, qua đó có thể đánh giá được khả năng kiếm tiền của Liên đoàn thể thao ấy. Rõ ràng, không có giới hạn trong việc tìm nguồn kinh phí để có một giải bóng chuyền quốc gia gây chú ý hơn, hấp dẫn hơn.
Quan trọng là bóng chuyền vẫn là môn thu hút nhà tài trợ, đặc biệt là khi chúng ta có sự cải tiến về cách thức tổ chức, truyền thông. Thực tế diễn ra gần đây ở Giải Bóng rổ chuyên nghiệp quốc gia (VBA) cho thấy, những khán đài đông nghịt, những trận đấu được khán giả chờ đợi dù chỉ có 6 đội bóng tham dự, đó là mô hình tổ chức xứng đáng được nhà quản lý bóng chuyền Việt Nam tham khảo.
Thế nên, khi Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia được “làm mới”, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng nhà tài trợ sẽ không quay lưng, tiền thưởng sẽ nhiều hơn và lãnh đạo Liên đoàn bớt trăn trở về vấn đề này trước mỗi kỳ giải.