Tiêu đề của website

Lựa chọn con đường của bóng chuyền Nhật Bản là đúng đắn

Vẫn thời gian ăn tập như ở Việt Nam, thậm chí tuổi như Trần Thị Thanh Thúy ở Việt Nam còn bị xếp vào diện khó sửa động tác, ấy vậy chỉ sang khoác áo CLB Denso của Nhật Bản trong một khoảng thời gian ngắn kỹ thuật cá nhân của VĐV sinh năm 1997 đã có sự thay đổi rõ rệt rất khác so với khi tập luyện ở Việt Nam. Một minh chứng khác dễ nhìn thấy đó là sự thành công của bóng chuyền nam Philippines khi có chiến thắng trước Thái Lan tại SEA Games 30. Trong đó, sự tỏa sáng của Bagunas người đang chơi cho CLB Oita Miyoshi của Nhật Bản cũng là một ví dụ điển hình.


Thanh Thúy có nhiều tiến bộ khi khoác áo CLB Denso Airy Bees của Nhật Bản.

Gần 20 năm trước, trình độ của bóng chuyền nữ Thái Lan chỉ ngang ngửa Việt Nam. Nhưng càng về sau này, Thái Lan phát triển cực mạnh và vượt ra khỏi “biên giới” Đông Nam Á để đạt đẳng cấp châu Á, đến gần đấu trường thế giới. Chiến lược phát triển bài bản và khôn ngoan được duy trì suốt gần 2 thập kỷ qua chính là mấu chốt cho thành công của người Thái… Tuy nhiên, ở khu vực châu Á từ cấp độ trẻ cho tới đội tuyển, dù có thể hình tương đồng với bóng chuyền Nhật Bản nhưng lâu nay Thái Lan vẫn bị đánh giá thấp hơn về đẳng cấp và chuyên môn.

Sau sự thành công của bóng chuyền Thái Lan, nhiều người nói Việt Nam có hay không nên đi theo con đường của họ. Cũng nhiều nhà chuyên môn cho rằng, Thái Lan rất tốt nhưng nếu đi theo họ thì Việt Nam vẫn mãi là những kẻ lót đường, và cũng đừng mong họ sẽ dốc hết lòng, hết sức chỉ cho chúng ta những thứ tinh túy nhất mà họ đã chắt lọc được. Thế nhưng, chính sự tiến bộ của Thanh Thúy hay sự thành công của Philippines chúng ta thấy rõ một điều, muốn vượt qua Thái Lan hãy học hỏi và đi theo con đường của Nhật Bản.

Các VĐV của Nhật Bản tập luyện từ rất sớm với các bài tập mang tính mềm dẻo, linh hoạt. Các VĐV tập luyện chăm chỉ dưới sự chỉ dạy tận tình của các HLV, động tác được tập đi, tập lại nhiều lần để hoàn thiện từ kỹ năng cho tới kỹ xảo. Người Nhật tỉ mỉ, khi VĐV còn nhỏ họ chú trọng vào chuyên môn nhiều hơn, bên cạnh đó là tinh thần thi đấu máu lửa, đem lại nhiều sự phấn khích.

Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, thời hoàng kim của bóng chuyền nữ Nhật Bản diễn ra những năm 70-80 của thế kỷ trước, khi họ hai lần đoạt HCV ở Olympic (1964, 1976) và ba lần khác đăng quang tại giải VĐTG (1962, 1967, 1974). Nhật Bản được xem là quốc gia khai sinh ra miếng đánh nhanh, mà sau này Trung Quốc và Sô-viết (cũ) đã học hỏi rất thành công. Lấy lối chơi, tốc độ và sự cơ động để bù đắp lại bất lợi về thể hình, bóng chuyền Nhật Bản thực hiện cuộc tái thiết trong 10 năm trở lại đây và thu được những thành tích đáng kể. Thành công nhất là tấm HCĐ giải VĐTG năm 2010 khi đánh bại Mỹ, rồi HCĐ Olympic Luân Đôn 2012. Hai tấm HCĐ nói trên của bóng chuyền Nhật Bản đều có hình bóng của những VĐV nhỏ bé. Họ là Yoshie Takeshita và Yuko Sano - một chơi ở vị trí chuyền hai, người còn lại chơi ở vị trí libero, đều cao 1m59 và đã được xếp vào hàng ngũ của những huyền thoại. Với hai ngôi sao này, chiều cao chưa bao giờ là thứ khiến họ mặc cảm.

Với chủ công Trần Thị Thanh Thúy đang khoác áo CLB Denso Airy Bees, một trong những đội bóng mạnh nhất của Nhật Bản hiện nay. Nhiều người kỳ vọng rằng, khi được nước bạn thuê về mặc định tay đập cao 1m92 sẽ giành được một suất đánh chính. Thế nhưng, thể thao là cuộc cạnh tranh công bằng, khi mà kỹ thuật cá nhân chưa tốt, đặc biệt chuyền một vẫn là điểm yếu có thể bị đối phương khai thác thì Thanh Thúy mặc nhiên chỉ đóng vai trò dự bị hoặc làm quân xanh trong những buổi đấu tập hàng ngày. Tuy nhiên, được tập luyện và trả lương tại một CLB lớn ở nước ngoài, đã là một điều kiện rất thuận lợi với một VĐV Việt Nam có thể phát triển tốt hơn về chuyên môn.

Bóng chuyền Việt Nam kể từ thập niên 1990 của thế kỷ trước dựa nhiều vào quan hệ đối ngoại của một vài cá nhân là chính. Nhiều HLV và VĐV Việt Nam được cho là giỏi, trình độ chuyên môn không hề thua sút các nước trong khu vực, nhưng chỉ vì thiếu thi đấu cọ sát và chưa có cơ hội tiếp cận sự phát triển của bóng chuyền hiện đại, nên thành tích không cao. Thêm nữa, bộ máy Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam còn thiếu chiến lược phát triển rõ ràng, lại không mạnh về tài chính, dễ bị phân tán. Đó cũng là lý do mà lâu nay bóng chuyền Việt Nam chưa thể đủ sức bứt lên.


Tác giả:HUY QUANGNguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều