Cần nói ngay, môn bóng chuyền nữ phát triển rất sớm ở miền Bắc, ngay trong nhứng tháng năm kháng chiến đã có. Sau 1954, môn bóng chuyền được song hành cùng bóng đá và lập tức hình thành những địa chỉ đỏ, ban đầu là đội tuyển nữ Trường Huấn luyện và Thái Bình, Nông trường Rạng Đông, sau đó là ngót chục đội hạng A ở miền Bắc như Bộ Tư lệnh thông tin, Bưu điện Hà Nội, Bưu điện Quảng Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Hải Phòng, Phòng không Không quân, Dệt Nam Định, Hoàng Liên Sơn, Dược phẩm 2 và mãi sau này là Giấy Bãi Bằng, Vietsov Petro, Cao su Phú Riềng, VLXD Thái Bình Dương và mới đây là Hóa chất Đức Giang và Kinh Bắc. Bạn trẻ ít người biết Hải Dương từng có chủ công Thanh Thúy, 3 lần nhận danh hiệu mũi tấn công hay nhất giải VĐQG, còn Thanh Hóa xa xôi là thế những đã từng một thời hào hùng với những tên tuổi Lường Thị Hiểu, Hồ Thị Chinh, Lê Thị Bình cùng các đàn em lứa sau như Tống Thị Hồng, Vũ Thị Thụy, Đinh Hồng Hằng…, Dệt Nam Định có chủ công Lê Hương Giang lần đầu giành giải chủ công hay nhất Đông Nam Á.
Tấm bản đồ của bóng chuyền nữ Việt Nam
Từ sau ngày 30-4, giải hạng A cho đến giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc, các đội Bộ tư lệnh Thông tin, Bưu điện Hà Nội, Thái Bình và Than Quảng Ninh thay nhau chiếm lĩnh những vị trí cao nhất cho đến khi xuất hiện các cô gái Nam Bộ trong màu áo đội Dệt Long An.
VTV Bình Điền Long An vẫn là đội bóng nữ số 1 Việt Nam.
Nói đúng, bóng chuyền nữ của miền Nam phát triển chậm. Sau năm 1975, mình trực tiếp chứng kiến việc xây dựng đội bóng chuyền nữ của nhà máy đường Quảng Ngãi song chỉ được ít bữa là giải thể. Cuối thập kỉ 70, chủ công Nguyễn Thị Gái của Thái Bình là linh hồn của đội bóng chuyền nữ Phú Khánh (chưa tách tỉnh) song cũng chỉ 3x7=21, và phải chờ vài năm sau. Đó là lúc ông giám đốc TDTT Long An Lê Văn Nô xắn tay vào cuộc. Anh Bảy Nô có ngay một số những cộng sự vừa tâm huyết lại vừa có nghề, trong đó công lớn là HLV Lương Khương Thượng. Hạt giống đỏ gieo vào đất tốt, hai năm sau, Dệt Long An xuất hiện một đội bóng chuyền với những cái tên đáng nhớ là cặp chủ công Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thị Hộ, cặp phụ công Ngô Thị Vàng và Huỳnh Kim Anh Thư với cặp chuyền hai Nguyễn Thị Thúy và Lê Thị Bích Liên. Ê kíp này là niềm tự hào của bóng chuyền miền Tây, họ đã lấy ngôi VĐQG từ tay nhà vô địch Bộ tư lệnh Thông tin và trong một bài tổng kết mùa giải ấy, mình đã hào hứng viết “chỉ còn lại một vùng sáng Long An”.
HLV Lương Nguyễn Ngọc Hiền và Ngô Thị Vàng đào tạo nên rất nhiều tên tuổi cho bóng chuyền Long An.
Những năm gần đây, bóng chuyền nữ VTV Bình Điền Long An rất đáng tự hào khi thống trị ở sân chơi giải VĐQG. Để có được thành tích ấy, công đầu phải kể đến các HLV Lương Nguyễn Ngọc Hiền hay Ngô Thị Vàng, những người rất tâm huyết với công tác đào tạo trẻ biến nơi này là trung tâm hàng đầu của cả nước.
Long An là thế, nhưng xây dựng bóng chuyền nữ ở phía Nam vẫn vất vả. Trung tâm lớn nhất nước là TP. Hồ Chí Minh cũng rất chật vật với CLB Tân Bình, chưa một lần làm nóng sân bãi, rồi những đội Dầu khí Thái Bình Dương hay Bến Tre, Trà Vinh… cũng không gây nổi một tiếng vang nào. Rất may là lại có mảnh đất Vĩnh Long. Vĩnh Long tựa như Hà Nam của đàng ngoài, nếu HN có 2 anh em Ngô Văn Kiều, chị em Phạm Thị Yến, Đỗ Thị Minh, Đinh Thị Thúy thì Vĩnh Long từng VĐQG môn bóng chuyền nam với Trần Văn Sơn (biệt danh Sơn bắp), gần đây có Nguyễn Hoàng Thương và Từ Thanh Thuận và nhất là cặp chủ công Hà Ngọc Diễm, Nguyễn Bích Tuyền.
Bây giờ, lại có người bảo một trong những đặc điểm của bóng chuyền Việt Nam là miền Bắc đi trước về sau. Giải năm rồi, kể cả 2-3 giải mời, nam TP.HCM và Sanest Khánh Hòa đăng quang thay cho sa sút của Tràng An Ninh Bình và nhất là Thể Công còn nữ VTV Bình Điền Long An hiện đang là một địa chỉ đáng tin cậy của môn bóng chuyền dành cho phái đẹp. Vẫn biết, mọi cái chỉ là tạm thời mà sự phát triển căn cơ và bền vững mới là cần thiết và là đích đến của mọi nền thể thao, trong đó có bóng chuyền. Về cung cách đào tạo trẻ và điều hành, về lối chơi và hệ thống thi đấu sẽ là nội dung của các bài viết tiếp theo.