Tâng bốc nhau khi giành chiến thắng tại các giải mời trước những đối thủ yếu kém như Đại học Hokaido hay Từ Châu Trung Quốc… Thế nhưng khi để thua toàn diện trước những đối thủ vẫn bị đánh giá thấp hơn lâu nay ở khu vực Đông Nam Á là Indonesia hay Philippines. Bóng chuyền nữ Việt Nam mới chợt nhận ra nhiều điều rằng chính họ cũng đang bị ảo tưởng sức mạnh khi không biết mình đang ở đâu và là ai.
Bóng chuyền nữ Việt Nam ảo tưởng từ các giải mời
Bóng chuyền nữ Việt Nam đang ảo tưởng thành tích tại các giải mời.
Nhiều các nhà chuyên môn cho rằng việc thi đấu với các đối thủ yếu thì khó có thể học được gì. “Việc mời ai và trình độ thế nào vốn là việc khó khăn với những nhà tổ chức. Thi đấu với những đội yếu thì ta khó mà học hỏi được gì. Nếu muốn học hỏi, nâng cao trình độ thì phải học từ những đội bóng ngang hàng và hơn hẳn chúng ta”.
Đành rằng tổ chức một giải đấu quốc tế là khó khăn, thế nhưng biết là chất lượng chuyên môn thấp mà vẫn bất chấp tổ chức tràn lan, thêm vào đó là bỏ giải chính thống tính điểm của châu Á để tổ chức giải mời lại là điều rất đáng trách. Khi đó, rõ ràng chúng ta đang bưng bê, tâng bốc nhau lên khi vùi dập những đội bóng học sinh, đại học ở trình độ thấp mà quên đi rằng ngoài kia U23 Nhật Bản đã vô địch châu Á, những Indonesia, Thái Lan hay Philippines đang lớn mạnh từng ngày.
Nhìn đội tuyển U23 Việt Nam có thể thấy rõ một điều, hệ thống đào tạo VĐV của Việt Nam từ cơ bản tới nâng cao đang có vấn đề. Các kỹ thuật của các VĐV trẻ Việt Nam không chuẩn xác, quá nhiều động tác dư thừa, tư thế chuyền một, tấn công, chuyền bóng, chắn bóng… sai cơ bản. Chính việc không tập trung trau chuốt các kỹ thuật nhỏ thì làm sao có thể thực hiện, phối hợp được các kỹ thuật lớn. Ngay cả với các VĐV trẻ của Thái Lan khi được tập trung ĐTQG, hẳn nhiều khán giả Việt Nam không lạ với những bức ảnh, hay những đoạn video các HLV nước này tận tình thị phạm, sửa chữa từng kỹ thuật cơ bản. Chính sự quan tâm của các nhà quản lý, sự tỉ mỉ trong công tác huấn luyện cùng nhiệt huyết của các VĐV đã tạo nên được sự thành công.
Ngoài sự thua kém về kỹ thuật, thì một điều dễ nhận thấy là các VĐV Việt Nam dù có chiều cao tốt hơn nhưng lại lép vế hoàn toàn về thể hình, thể lực và sức mạnh. Đa phần các VĐV Việt Nam có chiều cao tốt nhưng thể hình lại quá mỏng cơm, không cân đối và chắc chắn. Sức mạnh cùng sự phối hợp toàn thân gần như không tốt trong đó mấu chốt nằm ở vấn đề dinh dưỡng cùng thiếu phương pháp trong việc cải thiện thể lực, bên cạnh đó là các trang thiết bị bổ trợ trong tập luyện.
Có lẽ, bóng chuyền nữ Việt Nam nên tự nhìn nhận lại cách làm, bởi nếu không có sự thay đổi và tập trung đầu tư, thất bại tại SEA Games 30 là điều đang được dự báo.