Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đưa ra hẳn quy định chung về vấn đề đào tạo trẻ mang tính chất bắt buộc với các đội bóng tham dự giải VĐQG. Thế nhưng, nói về đào tạo trẻ mang tính hệ thống có sản phẩm thì đếm ra chỉ trên đầu ngón tay như: VTV Bình Điền Long An, Ngân hàng Công thương, Thông tin LienVietPostBank, Sanest Khánh Hòa… giờ là Hóa chất Đức Giang Hà Nội. Công tác đào trẻ tưởng dễ nhưng thực tế là vô cùng gian nan, bởi các CLB đôi khi phải bỏ ra cả chục tỉ đồng trong 4-5 năm nhưng thành quả chỉ là 1, 2 VĐV thậm chí là không có gì.
Tôn trọng VĐV nhưng cũng phải tôn trọng CLB có công tác đào tạo trẻ
Chủ công Đinh Thị Thúy quyết định rời bỏ Ngân hàng Công thương.
Để có Trần Thị Thanh Thúy, chủ công số 1 của bóng chuyền nữ Việt Nam hiện nay thì VTV Bình Điền Long An vị chi mất cả chục tỷ đồng. Còn nhớ cách đây 9 năm, VTV Bình Điền Long An tuyển sinh rầm rộ và lựa chọn được 15 VĐV năng khiếu tập luyện tại Thủ Đức dưới sự dẫn dắt của chuyên gia Thái Lan, nhưng để tồn tại bước chân lên được đội 1 giờ chỉ còn Thanh Thúy và Ánh Ngọc.
Kinh phí cho đội năng khiếu của VTV Bình Điền Long An rơi vào cỡ 1,3 -2 tỷ/năm, chưa kể thi đấu. Sau 5 năm đào tạo trẻ, số tiền đó xấp xỉ là 10 tỷ đồng. Nhiều người nói rằng, Kinh Bắc mua một ngôi sao như Trà Giang 1 tỷ thi đấu trong vòng 3 năm nhưng so với một CLB đào tạo trẻ bỏ ra đến 10 tỷ để tạo nên một Thanh Thúy thực tế là chẳng thấm tháp vào đâu.
Chuyển nhượng VĐV sẽ có hai khía cạnh, thực tế là khá mâu thuẫn về quyền lợi, phía CLB chủ quản để đào tạo nên một VĐV là rất khó khăn nên sẽ có cơ chế ràng buộc quy định về quyền lợi và nghĩa vụ. Phía VĐV, cũng có hai trường phái một là tận tâm cống hiến cho đơn vị chủ quản đến hết cuộc đời như Ngọc Hoa, Nguyễn Thị Xuân…, hai là mong muốn thoát ly được tự do để kiếm tiền lót tay trước mắt. Cơ chế, chuyển nhượng không chặt thì không CLB nào dám đào tạo trẻ, mà như vậy sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi giữa các CLB có đào tạo trẻ và CLB ăn xổi, xa hơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề chuyên môn của các ĐTQG.
Đồng ý về phía cầu thủ, tuổi nghề là ngắn ngủi, ai cũng cần chuẩn bị một tương lai, tài chính cho mình khi không còn khả năng thi đấu, nhưng mọi quyết định đi ở là phải tuân theo quy chế chuyển nhượng của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam, Tổng cục TDTT quy định.
Theo điều 6, quy chế chuyển nhượng VĐV bóng chuyền, ban hành kèm theo Quyết định số 14/QĐ-LĐBCVN ngày 26 tháng 6 năm 2010 có quy định rõ: “Trong thời gian vận động viên có hợp đồng đào tạo với câu lạc bộ thì không được chuyển nhượng. Vận động viên sau khi ký hợp đồng lao động chính thức với câu lạc bộ đã đào tạo và phải thi đấu cho câu lạc bộ đó trong thời gian là 05 năm thì mới được quyền chuyển nhượng.” Thậm chí trong cuộc họp gần nhất của ban chấp hành Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam, nhiều CLB ý kiến cho rằng phải nâng 5 năm thành 7 năm giống như bóng đá.