Tiêu đề của website

Lăng kính SEA Games 29: XƠ XÁC BÓNG CHUYỀN!

Cả hai đội tuyển bóng chuyền nam lẫn nữ chỉ giành được HCĐ, kém hẳn so với cách đây 2 năm. Thế nhưng, thất bại của đội tuyển nam trong nỗ lực bảo vệ tấm HCB và thậm chí là tranh chấp HCV được lý giải bởi sự thiếu vắng của tay đập số 1 Từ Thanh Thuận (dính chấn thương cổ chân khá nặng), mất đi cả một nửa sức mạnh tấn công. Xong, thất bại của đội tuyển nữ cần được làm rõ trách nhiệm, không chỉ của vị chuyên gia “thời tiết” đến từ Nhật Bản, mà còn từ nhà điều hành Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV).


Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam gục ngã sau trận thua trước Indonesia. Ảnh: Song Ngư

Lần đầu tiên sau gần 2 thập kỷ, bóng chuyền nữ vuột tấm HCB và để thua đối thủ Indonesia từng bị cho là kém xa nữ Việt Nam về mọi mặt. Đấy là trái đắng và cũng là bài học dành cho những người làm công tác chuyên môn bóng chuyền trong nước. Có điều, ngay cả khi đã dự cảm xấu về chuyện này, kể từ sự chệch choạc trong lối chơi và bất ổn nội bộ nảy sinh ở VTV Cup 2017, không có giải pháp nào khả dĩ được đưa ra nhằm cải thiện tình thế, ngoại trừ những lời động viên chân tình từ ông Tổng thư ký VFV Lê Trí Trường và giới hâm mộ.

Ai quyết định chọn vị chuyên gia người Nhật Bản, dù ông này từng 2 lần bỏ về nước mà không báo gì với nhà quản lý bóng chuyền? Nhiều người ở VFV thề rằng họ không chọn, ngay kể cả ông TTK cũng thiên về phương án tạo điều kiện cho HLV trong nước dẫn dắt ĐTQG tại SEA Games 29, điều chuyển vị chuyên gia không thực sự giỏi giang này sang nắm giữ công tác huấn luyện cho đội tuyển trẻ. Tức là VFV không có quyền chọn chuyên gia, mà quyết định này thuộc về Tổng cục TDTT và Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 29, người kiêm cả vai trò Phó Chủ tịch VFV.

Người trong giới nói rằng VFV chịu sự chi phối của Tổng cục TDTT vì đấy là nơi chốt danh sách đội tuyển, cấp kinh phí cho chuyến đi thi đấu ở Malaysia. Thế nhưng, chưa chắc người ký quyết định thành lập Ban huấn luyện cũng như thành phần đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã phải chịu trách nhiệm về sự thất bại ở đấu trường khu vực, mà có thể VFV sẽ hứng chịu cho bằng hết.

Bởi vậy, người ta thấy thương cho sự hy sinh và cống hiến không biết mệt mỏi của những VĐV kỳ cựu Phạm Thị Kim Huệ, Nguyễn Thị Ngọc Hoa trong suốt hơn 1 thập kỷ qua. Và cũng bởi vậy, người ta thấy tiếc cho VFV vì đã không thể chủ động, không được thể hiện vai trò gì đáng kể trong cuộc hành trình ở SEA Games 29, khi quyết định nhân sự vẫn chỉ thuộc về một vài cá nhân tiếp tục thao túng hoạt động của VFV.

Nhiều vị trong VFV vẫn đang ở tình cảnh “ngồi chơi xơi nước”, tương tự như chuyện từng xảy ra ở nhiệm kỳ trước. Chính vì chẳng đóng góp được gì (hoặc nếu muốn cũng không được giao việc), họ đành thờ ơ ngắm nhìn cuộc chơi bóng chuyền ngày càng trở nên nghiệp dư và đang đi tụt lại phía sau bạn bè Đông Nam Á…


Tác giả:THANH LÂMNguồn: SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
Bài viết cùng chuyên mục
Nội dung đang được cập nhật.
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều