Tiêu đề của website

"Ngọc thô" không mài lấy gì để sáng

Mang đến VTV Cup lần thứ 11 một đội hình đa phần đều là những gương mặt mới, song các chân dài của bóng chuyền nước nhà đã phần nào làm nức lòng người hâm mộ khi lên ngôi vô địch xứng đáng. 


Mang đến VTV Cup lần thứ 11 một đội hình đa phần đều là những gương mặt mới, song các chân dài của bóng chuyền nước nhà đã phần nào làm nức lòng người hâm mộ khi lên ngôi vô địch xứng đáng. Ngoài thành công của cá nhân Ngọc Hoa, nhưng cũng phải thừa nhận  việc các VĐV trẻ đã chơi tròn vai tại trận chung kết là nhân tố quyết định đi đến thắng lợi.

Chúng ta đã chiến thắng bằng nỗ lực và sự bùng nổ của một vài cá nhân. Nhưng nói một cách công bằng, tuyển trẻ Thái dù thua nhưng vẫn thắng ta ở lối chơi sắc nét và sự tổ chức hợp lí. Với đội hình tham dự VTV cup 2014, nếu để nói thay thế đàn chị thì chúng ta có thể làm được, nhưng nếu để bước ra đấu trường châu lục thì quả thật sẽ còn rất nhiều việc phải làm.

Sự phát triển của lứa VĐV sau VTV Cup 2014 này đang là một dấu hỏi.

Với nhiều VĐV đang được coi là "ngọc thô"  như  Linh Chi thực tế không còn quá trẻ, cô gái này đã ở tuổi 24. Ở độ tuổi này, các VĐV đã bắt đầu độ chín và có sự chững lại về chuyên môn. Tại VTV cup 2014 người ta vẫn thấy Linh Chi xử lí các tình huống còn ẩu. Nhưng phải khẳng định, Chi có tố chất, nhiệt huyết, nhưng cái thiếu của em chính là kinh nghiệm và các tình huống tổ chức bài bản. Nếu muốn sử dụng Linh Chi trong thời gian dài thì phải có sự đầu tư thỏa đáng ngay lúc này, bởi thời gian không chờ Linh Chi hay Trần Thị Thảo.

Ngoài cô gái trẻ 17 tuổi Trần Thanh Thúy có thể tính đường dài. Thì hầu hết các VĐV còn lại như Bùi Thị Ngà, Ngọc Diễm, Lê Thị Dung, Kim Liên, Lê Thanh Thúy...cũng đã ở ngưỡng tuổi 20. Độ tuổi không còn phát triển nhanh về chuyên môn mà họ cần lúc này là các phương pháp tập luyện nâng cao chuyên biệt cả về kỹ thuật lẫn thể lực, tăng cường kỹ năng, kỹ xảo.

Liệu có phải dùng tạm ?

Sau nhiều năm nay người ta đã chia tay với lứa cầu thủ Hà Thị Hoa, Phạm Kim Huệ, Phạm Thị Yến hay Nguyễn Thị Xuân, thay vào đó là lứa cầu thủ đang sắp bước vào độ chín. Tuy nhiên, sau VTV cup 2014, đội tuyển bóng chuyền nữ sẽ giải tán và cũng chưa có kế hoạch tập trung trở lại. Các VĐV này hầu hết đã quá tuổi thi đấu các giải trẻ, việc đầu tư cho lứa cầu thủ này thực tế cũng chưa được lên phương án.

Với cách làm thời vụ này, thì nhiều người e ngại rằng, các VĐV này cũng chỉ là phương án dùng tạm của Liên đoàn BCVN cho một vài năm tới. Bởi thực tế, bao lâu nay VFV vẫn đang dùng phương án "cây không trồng nhưng lại đòi hái quả", các VĐV thì phó mặc cho phía CLB huấn luyện và đào tạo, nhưng khi cần thì dùng mọi cách để bắt các VĐV lên tuyển tập trung, khiến BCVN làng nhàng nửa nạc, nửa mỡ bao năm qua không có gì khá hơn, dù không hề thiếu về nhân tố con người.

Trẻ hóa nửa vời

VFV hết gây sóng gió với người hâm mộ khi tuyên bố mời kiến trúc sư hàng đầu của bóng chuyền châu Á là Kiattipong về dẫn dắt ĐTVN. Và mới đây, ông Trần Đức Phấn lại tuyên bố mời chuyên gia người Trung Quốc về dẫn dắt đội tuyển trẻ.

Thú thật, người ta dễ dàng nhận thấy VFV là một tổ chức yếu kém về  quản lí và tầm nhìn. Tổ chức này chưa bao giờ đưa ra được một kế hoạch dài hơi cho một đội tuyển, chứ chưa nói đến việc thực hiện. Từ cách làm ăn xổi, chạy theo thành tích ngắn hạn ở mọi cấp độ. Thì không chỉ chuyên gia Trung Quốc, mà bất cứ chuyên gia nào, cùng không thể tồn tại được lâu với cách làm nửa vời này.

Không phải bây giờ BCVN mới có những nhân tố tốt, bóng chuyền Việt Nam từng sở hữu thế hệ vàng như Đặng Thị Hồng, Ngọc Hoa, Kim Huệ, Phạm Thị Yến, Diệu Châu, Bùi Thị Huệ... nhưng rồi vẫn chưa thể vươn xa ở đấu trường quốc tế bởi không được đầu tư đúng mức. Với cách làm thiếu minh bạch, đối phó với dư luận như hiện nay, người hâm mộ đang lo rằng những viên ngọc thô của BCVN hiện tại rồi cũng thui chột tài năng.

 

HƯNG HÀ


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin
Trần Thị Thảo

Trần Thị Thảo

Ngày sinh: 24/11/1991
Quê quán: Hà Nội
CLB: Thông Tin Liên Việt Postbank
Vị trí: Đối chuyền hai, chủ công
Số áo: 1
Tiêu điểm
Xem nhiều