Tiêu đề của website

Bóng chuyền VN cần thay đổi thế nào?

Ông Trần Văn Nghĩa - một chuyên gia nhiều năm gắn bó với bóng chuyền VN - đã gửi đến bài viết đóng góp cho sự phát triển của bóng chuyền VN sau khi Tuổi Trẻ đăng bài “Bóng chuyền nữ VN: 20 năm giậm chân tại chỗ” (Tuổi Trẻ 25-4).


Ông Trần Văn Nghĩa - một chuyên gia nhiều năm gắn bó với bóng chuyền VN - đã gửi đến bài viết đóng góp cho sự phát triển của bóng chuyền VN sau khi Tuổi Trẻ đăng bài “Bóng chuyền nữ VN: 20 năm giậm chân tại chỗ” (Tuổi Trẻ 25-4).

Vì sao “Bóng chuyền nữ VN: 20 năm giậm chân tại chỗ”? Một câu hỏi khó song theo tôi không phải không có lời giải đáp.

1 Càng ngày bóng chuyền nữ VN càng có nhiều giải quốc tế thi đấu quanh năm như Giải bóng chuyền nữ quốc tế Cúp VTV, Cúp Bình Điền Long An, Cúp Hùng Vương, Cúp Liên Việt PostBank, Cúp PV Đạm Cà Mau... Tuy nhiên, các đội bóng nước ngoài được mời sang tham dự các giải bóng chuyền quốc tế tại VN đa số là các đội bóng học sinh, đội trẻ hoặc CLB ở các tỉnh nhỏ. Cách làm dễ dãi này đồng nghĩa với việc chấp nhận trình độ làng nhàng của các đội quốc tế, giúp cho các đội bóng chuyền nữ VN dự giải đấu giành được một trong bốn hạng đầu là xong chuyện.

Ngược lại cách đây 20 năm, Thái Lan đã vạch một con đường tiếp cận trình độ cao bằng cách chấp nhận thua tan tác trước các cường quốc bóng chuyền nữ như Cuba, Nhật, Hàn Quốc, Ý, Mỹ... để các tuyển thủ của họ quen với cách phòng thủ “lì đòn” trước những đối thủ đánh trên tay chắn của họ, khuyến khích cầu thủ phát triển nhanh cái mới trước các đội mạnh hơn. Chẳng hạn bóng chuyền nữ Thái Lan học tập rất tốt chiến thuật tấn công ngay từ quả nhảy đập phát bóng, hay họ biết rút tỉa từ kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc chọn lọc và chuyên môn hóa từng vị trí tấn công để thoát khỏi hàng chắn bóng cao lêu nghêu của đối phương.

2 HLV của Thái cách đây 20 năm có thể không bằng HLV VN nhưng họ làm việc rất thầm lặng, khoa học và cần mẫn. Họ đặt máy quay phim, ghi lại tất cả hoạt động tập luyện, khởi động trước trận đấu của các đội khách. Chưa hết, HLV Thái Lan buộc VĐV nhà phải xem đội khách thi đấu, sau đó yêu cầu VĐV đánh giá những mặt mạnh và yếu của đội khách. Cách làm này giúp cả thầy và trò đều nhập tâm, cùng nghiên cứu để học hỏi và tiến bộ. Điều này chứng minh thể thao hiện đại không phải chỉ tập luyện gian khổ trên sân là đủ, mà còn phải biết cách kết hợp các phương tiện hiện đại để bổ trợ kiến thức chuyên môn còn hạn chế.

3 Hệ thống thi đấu quốc gia còn nghèo nàn, cũ kỹ. Giải bóng chuyền hạng A1 và A2 được xem là “bậc thang” bước lên hàng ngũ các đội mạnh nhưng ngày càng có ít đội tham dự, thậm chí có đội chưa đánh trận vòng loại nào cả nhưng đã đủ tư cách lọt vào bán kết! Theo tôi, ngay từ giải hạng A, Liên đoàn Bóng chuyền VN nên bắt buộc các đội tham dự phải có 50% cầu thủ trẻ trong đội hình chính. Nơi nào thấy có điều kiện sẽ cố gắng đầu tư mạnh hơn, nơi nào chủ yếu góp vui phong trào sẽ rút lui, từ đó giải sẽ tránh được sự dàn trải, rút gọn số đội tham dự đồng thời tăng số vòng đấu nhiều lên. Đó là điều kiện cơ bản nhất giúp các cầu thủ trẻ va chạm liên tục, phát huy năng lực và không hụt hơi khi tham gia hàng ngũ các đội mạnh.

Với các đội mạnh, có một nghịch lý kéo dài nhiều năm nay là các đội trong top 4 thì thi đấu “không kịp thở”, trong khi các đội ở tốp dưới thì đến hẹn lại lên, cầu thủ tập luyện quanh năm nhưng chỉ thi đấu hai vòng lượt đi, lượt về rồi tan hàng.

Tồn tại kinh niên này khiến trình độ các HLV lẫn cầu thủ ngày càng có sự cách biệt lớn, nên giải đấu lớn nhất quốc gia không có nhiều chuyển biến hấp dẫn bất ngờ. Nếu như tăng lượt đấu giải quốc gia lên bốn vòng (mỗi quý một vòng đấu), sau đó xen kẽ các giải mời quốc tế vào những thời gian trống sẽ giúp các đội mạnh có số trận đấu cơ bản trong một năm nhiều hơn.

Các đội trong top 4 phải chứng tỏ được đẳng cấp hơn hẳn mới đảm bảo mật độ thi đấu dày đặc quanh năm. Có như vậy mới hi vọng theo kịp Thái Lan vì một năm các cầu thủ của họ thi đấu không dưới 40 trận.

***

VFV quá đông nhân sự

Một trong những vấn đề lớn của Liên đoàn Bóng chuyền VN (VFV) là tổ chức này có quá nhiều thành viên “ăn không ngồi rồi”, mắc bệnh “công thần”, chỉ tìm sự nhàn nhã thông qua vai trò đi làm giám sát các trận đấu, dù không biết ngoại ngữ vẫn thích ngồi ghế giám sát các giải quốc tế, trong khi có rất ít người lo việc tìm kinh phí hoạt động cho liên đoàn.

Cách đây gần hai thập niên, tôi đã học tập được cách làm của người Thái, đó là liên đoàn bóng chuyền của họ chỉ tận dụng năm hay sáu người làm việc nòng cốt. Họ rải đều nhân sự ở các vị trí quan trọng như giám sát, trọng tài, ban chuyên môn, tiếp thị... Tất cả đều có thể nói tiếng Anh, nên hoạt động của họ thống nhất một cách chặt chẽ từ việc quan hệ với các đội, với trọng tài cho đến việc chia bảng thi đấu tương đối thuận lợi cho đội chủ nhà để đội của họ có nhiều cơ hội lọt sâu vào giải đấu.

Cách làm của họ khiến ai cũng hài lòng.

TRẦN VĂN NGHĨA (nguyên tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền TP.HCM) - Tuổi Trẻ


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều