Tiêu đề của website

Bóng chuyền nữ Việt Nam với những gương mặt trẻ triển vọng

Giải Vô địch bóng chuyền trẻ toàn quốc đang diễn ra tại Quảng Trị nếu không kể những cái tên quen thuộc như Lưu Thị Huệ, Đặng Thị Kim Thanh, Trương Thụy Anh Phương, Nguyễn Thị Uyên… thì giải đấu cũng xuất hiện một số một số gương mặt trẻ và nhiều triển vọng cho tuyển trẻ Việt Nam hướng tới một số giải đấu cấp châu lục và khu vực trong năm 2018 tới đây.


Gương mặt ấn tượng đầu tiên đến từ Thông tin Liên Việt Bank (TTLVB) là Đặng Thu Huyền. Sở hữu chiều cao 1m76, sinh năm 2002, chơi ở vị trí chuyền hai, cô gái với khuôn mặt nét như Sony này đang thể hiện sau Nguyễn Thu Hoài thì em chính là cây chuyền hai triển vọng hàng đầu của bóng chuyền nữ Việt Nam.

Thu Huyền làm quen với bóng chuyền từ rất sớm năm em mới 11 tuổi. Sau hơn 3 năm ăn tập dưới sự dìu dắt của HLV Bùi Huy Sơn và Nguyễn Tâm Anh, Thu Huyền đã có sự tiến bộ rất nhanh về chuyên môn cũng như tư duy chơi bóng hiện đại. Nếu không có gì thay đổi, thì Đặng Thu Huyền sẽ chính là cây chuyền hai số 1 của đội tuyển U19 Việt Nam trong những năm tới đây.

Khánh Vy (số 14) bên cạnh chuyền hai Quý Uyên.

Trong đội VTV Bình Điền Long An, cô bé người TP. Hồ Chí Minh là Phan Khánh Vy (sinh năm 2002, cao 1m77) cũng cho thấy những tố chất nổi bật. Dưới sự dìu dắt của HLV Lương Nguyễn Ngọc Hiền được hơn 2 năm, Khánh Vy tiến bộ rất nhanh cả về chiều cao cũng như sức bật trong chuyên môn. Điểm mạnh của Khánh Vy là lối chơi máu lửa, khả năng di chuyển chiến thuật, phòng thủ nhanh nhẹn bên cạnh những bước đo đà chuẩn xác. Ở thời điểm hiện tại, Khánh Vy mới chỉ chú trọng vào các bài tập cơ bản cũng như sức bền nên các pha tấn công của em vẫn còn thiếu đi sức mạnh. Thế nhưng, với sự bứt tốc về chuyên môn rất nhanh như hiện tại, Khánh Vy được dự đoán sẽ là mũi tấn công sáng giá của của VTV Bình Điền Long An cũng như tuyển trẻ Việt Nam trong tương lai.

Bên cạnh Nguyễn Khánh Vy, lứa VĐV sinh năm 2000 trở về sau của VTV Bình Điền Long An còn một số gương mặt trẻ có chuyên môn khá tốt như phụ công Phạm Thị Cẩm Linh (2000, 1m77), đối chuyền Nguyễn Thị Mỹ Tiên (2000, 1m77), chuyền hai Trần Quý Uyên (2001, 1m72) và đặc biệt là libero Nguyễn Khánh Đang (2000, 1m58).

Một chân dài đầy triển vọng khác là Võ Vân Anh của Ngân hàng Công thương. Mới 16 tuổi và sở hữu chiều cao 1m78, dù tham dự Giải Vô địch bóng chuyền trẻ toàn quốc lần đầu tiên nhưng Vân Anh là một trong những gương mặt trẻ có tâm lý thi đấu rất ổn định, khả năng phát bóng khó, cùng những pha tấn công uy lực.

Vân Anh là con nhà nòi, có mẹ là cựu tuyển thủ quốc gia Nguyễn Thị Nhâm, một mũi tấn công chủ lực của đội bóng chuyền nữ Bộ tư lệnh Thông tin của 2 thập kỷ trước. Ngoài tố chất thì Vân Anh còn có đam mê và yêu thích bóng chuyền, chính vì vậy mà dù gia đình ngăn cấm nhưng cô bé vẫn cương quyết trở thành một VĐV chuyên nghiệp giống như mẹ của mình.

Ngoài Vân Anh thì Ngân hàng Công thương vẫn còn đó chủ công Hoàng Phương Anh. Chủ công thuận tay trái dù sinh năm 2000 nhưng đã có thâm niên 3 năm ăn cơm tuyển trẻ và chính cô gái quê Thái Bình là tay đập chủ lực giúp tuyển U19 Việt Nam lần đầu tiên lọt vào top 4 châu Á sau khi hạ gục Hàn Quốc ở tứ kết với tỉ số 3-1.

Trong các phụ công của Giải Vô địch Bóng chuyền trẻ Toàn quốc, nổi bật còn có Trần Bích Thủy. Tay đập sinh năm 2000, nhưng sở hữu chiều cao nổi bật lên tới 1m83, cùng sức bật đà trên 3m. Trong các trận đấu vừa qua, Bích Thủy luôn là “con bài” chiến thuật rất quan trọng của Hà Nội. Em di chuyển nhanh nhẹn, khéo léo và thường xuyên tung ra những cú đập lao “sấm sét”.

Ngoài khả năng đánh nhanh ở vị trí số 3 thì Bích Thủy cũng tỏ ra rất hiệu quả với những pha di chuyển rồi bật nhảy một chân để đập bóng.

Ngoài các VĐV kể trên, thì gương mặt được chú ý nhiều nhất có lẽ chính là Nguyễn Bích Tuyền của đội bóng chuyền nữ Vĩnh Long. Bích Tuyền sinh năm 2000, sở hữu chiều cao lên tới 1m85 với sức mạnh bộc phát khủng khiếp như một VĐV nam.

Điểm mạnh của Bích Tuyền là chiều cao, sức bật và sức mạnh nhưng em vẫn còn nhiều hạn chế ở khả năng chuyền một, phòng thủ cũng như khả năng mềm dẻo trong các pha xử lý bóng.

Theo Huấn luyện viên Nguyễn Tuấn Kiệt, số lượng VĐV trẻ của Việt Nam hiện tại khá đông, nhưng để chọn ra các tay đập nổi trội thì không nhiều. Tuy nhiên, với các VĐV có tố chất nếu được Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam quan tâm, đầu tư một cách căn cơ, có chiến lược dài hơi. Sau một thời gian kiểm nghiệm, những gương mặt xuất sắc nhất của đội sẽ được đưa vào diện quy hoạch, đưa đi tập huấn, thi đấu nước ngoài nhằm phát triển tài năng, chắc chắn các em sẽ sớm thay thế các bậc đàn chị ở Đội tuyển nữ Quốc gia.


Tác giả:HÀ HƯNGNguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều