Tiêu đề của website

Bao giờ đến lượt bóng chuyền?

Hôm qua, Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã chọn xong minh chủ cùng nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng khác, chính thức bước vào một cuộc cách tân sau Đại hội nhiệm kỳ 7. Trong khi đó, đáng buồn là dù chọn thời điểm này để chuẩn bị cho đại hội nhiệm kỳ mới, nhưng vẫn chưa thấy “người anh em” Liên đoàn bóng chuyền rục rịch gì...


Hôm qua, Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã chọn xong minh chủ cùng nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng khác, chính thức bước vào một cuộc cách tân sau Đại hội nhiệm kỳ 7. Trong khi đó, đáng buồn là dù chọn thời điểm này để chuẩn bị cho đại hội nhiệm kỳ mới, nhưng vẫn chưa thấy “người anh em” Liên đoàn bóng chuyền rục rịch gì...

Người trong giới vẫn thường tự hào rằng bóng chuyền so ra không thua quá xa bóng đá về số lượng fans hâm mộ, về tính hấp dẫn cũng như sức lan tỏa lớn trong xã hội Việt Nam mà đa phần là yêu quý thể thao. Song, cũng chính họ lại tỏ ra thất vọng vì bóng chuyền chưa làm được những điều mà “người anh em” bóng đá từng và đang làm, tức là cách tân và chuyển mình theo hướng chuyên nghiệp thực sự.

Chưa thể xem bóng đá Việt Nam đã chuyên nghiệp, nhưng ít nhất VFF có hoạt động theo hình thức dân chủ, có góp ý, có biểu quyết và chốt lại vấn đề trên tinh thần tập thể trong một cuộc họp BCH, ở một kỳ đại hội...

Bóng chuyền thì không làm được điều đó, hoặc hiếm hoi lắm mới xuất hiện. Quyền lực trong bóng chuyền thì ai cũng biết, tập trung chủ yếu ở vị trí Tổng thư ký và một vài người thân cận với mình, chủ yếu được quy hoạch ở Văn phòng của VFV đặt tại Hà Nội.

VFV là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, tức là không chỉ có mỗi ông TTK và vài vị phụ trách văn phòng cho liên đoàn làm việc, mà còn rất nhiều vị ủy viên Ban chấp hành nhiệm kỳ 5 nằm rải rác khắp đất nước.

Có điều, số lượng ủy viên thì đông, nhưng đa phần đều bị cô lập, không giao nhiệm vụ, dẫn đến chính những con người tâm huyết này tỏ ra chán ngán bóng chuyền, bỏ bê họp hành và coi như cho VFV mượn cái tên để điền vào danh sách UV BCH nhiệm kỳ 5 cho... “xôm tụ”!

VFV chưa làm tốt vai trò định hướng đối với bóng chuyền Việt Nam. Ảnh: Dũng Phương

Đấy là một trong những lý do buộc người ta phải khẳng định rằng VFV nhiệm kỳ 5 đã thất bại trên nhiều phương diện, từ quản lý đến điều hành làng bóng chuyền nước nhà. Rất khó để tìm ra được ai đó dám đặt niềm tin trọn vẹn vào tương lai của VFV nếu tổ chức này tiếp tục vận động theo cách riêng và đi ngược lại lợi ích của cả tập thể, bấy lâu nay dựa quá nhiều vào những người quản lý gần như lệch lạc về tư duy.

Trễ đến vài năm so với kế hoạch tổ chức đại hội để bầu chọn đội ngũ lãnh đạo mới (hoặc cũ), đến hiện tại người trong giới bóng chuyền vẫn băn khoăn chưa biết rốt cuộc mọi chuyện có trôi đi theo dự tính hay không, hay vẫn chỉ là lời hứa suông, không cơ sở của những nhà quản lý liên đoàn.

Phán xét sự thành bại của VFV nhiệm kỳ cũ ngoài các ủy viên trong BCH, còn có các thành viên tham gia hoạt động bóng chuyền (liên đoàn địa phương, các CLB...) dư luận, giới truyền thông và đặc biệt là người hâm mộ.

Tuy nhiên, rất ít khi VFV để người khác đánh giá về mình, chỉ thích được tâng bốc bằng những lời có cánh, trong khi những góp ý sát với thực tiễn bị gạt bỏ sang một bên và bị coi là phá hoạt động của bóng chuyền. Nếu như điều hành tốt, nếu vai trò trọng tài của VFV được thể hiện rõ nét trong các vụ rắc rối, tranh cãi về chuyển nhượng các VĐV Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Hữu Hà, thì đâu để xảy ra mối mâu thuẫn kéo dài giữa đơn vị chủ quản cũ với VĐV.

VFV nếu uy tín, thì có lẽ đã giữ chân được nhiều nhà đầu tư (Bưu điện Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Vietsov Petro, XLDK Thái Bình Dương, Dược Bảo Long, Tập đoàn Hoàng Long...) ở lại tiếp tục gắn bó vì sự phát triển của bóng chuyền, chứ không đến mức “tan đàn, xẻ nghé” như hiện nay.

VFV tồn tại nhờ vào các hoạt động bóng chuyền, nhưng khi bộ máy điều hành hoạt động lại bất ổn, không tạo được niềm tin và không được chỉnh sửa kịp thời, trở về đúng với quỹ đạo của mình, thì nên xem xét có cần thiết phải duy trì tổ chức như VFV nữa hay không.

LÊ QUANG – SÀI GÒN GIẢI PHÓNG


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều