Chỉ còn vài ngày trước khi lên đường tham dự giải Vô địch U23 và vòng 2 giải VĐQG 2020 nhưng chủ công Trần Tú Linh bất ngờ chia tay Ngân hàng Công thương khiến mọi kế hoạch của đội bóng này đổ bể. Tuy nhiên, dù khoác áo Hóa chất Đức Giang Hà Nội nhưng theo quy định Tú Linh không được thi đấu vòng 2 tới đây và điều này chỉ góp phần làm đội bóng bóng cũ của VĐV này suy yếu mà thôi.
Trần Tú Linh không được thi đấu vòng 2 giải VĐQG 2020
Trần Tú Linh đang là nòng cốt của CLB Ngân hàng Công thương.
Trần Tú Linh thực tế ban đầu không nằm trong kế hoạch xây dựng bộ khung chính của Ngân hàng Công thương. Đội bóng này khi đó, đầu tư cho những cái tên là: Đinh Thị Thúy, Nguyễn Thu Hoài, Lưu Thị Huệ, Đoàn Thị Xuân, Đồng Thị Thơm… Thế nhưng, sau sự chia tay của một số VĐV thì Trần Tú Linh đã được BHL đầu tư trọng điểm với sự nổi trội ở khả năng chuyền một, phòng thủ, dù bị hạn chế ở khả năng tấn công với sức bật thấp và lực bóng không thực sự tốt.
Tú Linh được đào tạo và phát triển từ tuyến VĐV năng khiếu.
Sinh năm 1999, từng có thời gian được tập trung trong màu áo các đội tuyển trẻ quốc gia, nhưng chủ yếu với vai trò dự bị hoặc đưa vào với vị trí phòng thủ, chuyền một. Trong hơn 1 năm trở lại đây, cũng từng có ý định giải nghệ, sau đó được BHL Ngân hàng Công thương tập trung đầu tư đã cho thấy được sự tiến bộ.
Thực tế, sự chia tay của Trần Tú Linh là khá bất ngờ bởi trước đó VĐV này vẫn khẳng định sẽ gắn bó cùng Ngân hàng Công thương, hoặc chí ít san sẻ gánh nặng với các đồng đội hết năm 2020 khi vòng 2 giải VĐQG đang cận kề. Nếu thi đấu tốt, tất nhiên giá trị của cô gái người Hà Tĩnh phải cao hơn rất nhiều chứ không chỉ dừng lại con số vài trăm triệu như hiện tại và như vậy sự ra đi của Tú Linh còn cho thấy sự trọn vẹn hơn rất nhiều.
Chủ công sinh năm 1999 đầu quân cho Hóa chất Đức Giang với chiếc áo số 7.
Ngân hàng Công thương không giữ người, nhưng đây cũng là yếu điểm của đội bóng này bởi việc đào tạo ra một VĐV lên tuyến 1 là vô cùng khó khăn và vất vả. Chế độ của đội bóng này không thấp, nhưng cơ chế vận hành và quản lý, giữ chân các tài năng đang cho thấy nhiều vấn đề. Thực tế, ngân hàng hiện tại không còn là miền đất màu mỡ, với công việc ổn định hay mức lương cao như nhiều năm về trước. Do đó nếu áp dụng việc ký hợp đồng và quản lý giống như các nhân viên ngân hàng bình thường lên đội bóng chuyền chuyên nghiệp sẽ phát sinh nhiều bất cập.
Ngược lại về phía Hóa chất Đức Giang Hà Nội, ông Đào Hữu Huyền đang cho thấy sẵn sàng mở rộng cánh cửa với rất nhiều VĐV tài năng. Cơ chế thoáng, quyết đoán, nên việc thu hút được các VĐV tốt như Nguyễn Thị Xuân, Trần Tú Linh … cũng không lấy gì là bất ngờ.