16 năm trước, tại SEA Games 21 trên đất Malaysia, bóng chuyền nữ Việt Nam đi vào lịch sử với tấm HCB đầu tiên sau khi đánh bại Philippines tại bán kết trong một trận đấu giàu cảm xúc.
Lê Hiền, Kim Huệ: Duyên phận 16 năm từ tấm HCB đầu tiên tại SEA Games 21
Buổi sáng ngày 9/9/2001, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam bước vào trận bán kết gặp đối thủ Philippines. Đội bóng được đánh giá trên cơ so với các cô gái Việt Nam ở thời điểm đó. Đó cũng là một 1 trận đấu trong mơ, nếu thắng Philippines Kim Huệ và các đồng đội sẽ vào chơi chung kết với đội tuyển Thái Lan hùng mạnh.
Thành phần đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam khi ấy gồm Huấn luyện viên: Nguyễn Mạnh Hùng (BĐHN), Vũ Đình Chiến (Quảng Ninh), Nguyễn Kim Thanh (Bộ Tư lệnh Thông tin). Vận động viên: Trần Thị Hiền (21 tuổi - BĐQN), Lê Thị Hiền (21 tuổi - BĐQN), Bùi Thị Hương (20 tuổi - BĐQN), Nguyễn Thanh Hoa (22 tuổi - BĐHN), Lê Hương Lan (22 tuổi - BĐHN), Đặng Thị Hồng (21 tuổi - BĐHN), Lương Thị Thanh (20 tuổi - BĐHN), Nguyễn Thị Kiều Chinh (24 tuổi - Giấy Bãi Bằng), Nguyễn Thị Thanh Tuyền (23 tuổi - Giấy Bãi Bằng), Dương Thị Hải Hà (23 tuổi - Giấy Bãi Bằng), Trần Thị Thanh Tuyền (23 tuổi - Giấy Bãi Bằng), Phạm Thị Kim Huệ (18 tuổi - Bộ Tư lệnh Thông tin), Bùi Thị Huệ (16 tuổi - Thái Bình), Đỗ Thị Vĩnh Linh (21 tuổi - Hải Phòng).
Những gương mặt nổi trội của đội tuyển Việt Nam khi ấy được đánh chính là chủ công Nguyễn Thị Thanh Hoa (C), Lê Hương Giang, Trần Thị Hiền, phụ công Phạm Thị Kim Huệ, Lê Thị Hiền, chuyền hai Thanh Tuyền và libero Hương Lan.
Kịch bản như những lần đối đầu trước đó, Việt Nam bị đánh giá thấp hơn khi để đối thủ dẫn trước 2-1 và hiệp 4 đang thua với tỉ số 24-17. Ở trận đấu đó Đặng Thị Hồng đã tạo nên một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp khi được tung vào sân ở tình thế vào cho có nhưng đã giúp ĐTVN lội ngược ở tỉ số 26/24, để rồi có được chiến thắng 3-2 chung cuộc đầy nước mắt và cảm xúc. Đó cũng là dấu mốc để Kim Huệ sau này trở thành tượng đài của bóng chuyền Việt Nam với chiếc băng đội trưởng ở tuổi 19.
Bộ đôi phụ công Lê Hiền và Kim Huệ tiếp tục tái hợp sau 16 năm.
Sau 16 năm, lứa VĐV ngày nào hầu hết đã giải nghệ, có những người chuyển sang một ngã rẽ mới, nhưng có những người vẫn gắn bó với bóng chuyền. Trong đó, một sự tình cờ của những người mang chiếc HCB đầu tiên cho bóng chuyền Việt Nam lại cùng nhau lên tuyển. Có điều với sức khỏe không cho phép, cô chị Lê Thị Hiền đã trở thành một HLV còn với Kim Huệ, dù ở tuổi 35 nhưng chị vẫn là một trong những phụ công hay nhất nước chưa có người thay thế.
Sau một khoảng thời gian dài xa cách và hơn hết mỗi người đều có công việc của riêng mình. Thế nhưng, khi gặp lại cả Lê Hiền và Kim Huệ vẫn như giữ nguyên vẹn được tình cảm chị em, tình đồng đội như thời tuổi trẻ cách đây gần 20 năm về trước. Với Lê Hiền, Kim Huệ vẫn là cô em gái xinh đẹp của đội tuyển ngày nào, vẫn bộc trực, thẳng tính và dám đứng lên đấu tranh vì quyền lợi cho những người khác. Còn với Kim Huệ, hình ảnh của người đàn chị mộc mạc, giản dị và có phần dân dã vẫn như còn vẹn nguyên dù giờ đây chị đã là HLV trưởng của một đội bóng đang chơi ở hạng đội mạnh.
Thời gian rảnh, hai chị em lại tíu tít ôn lại kỷ niệm, chỉ có điều cả Kim Huệ và Lê Hiều đều công nhận chị em mình so với 16 năm trước giờ đã già mất rồi. Tâm sự về cái nghiệp thể thao, cả Lê Hiền và Kim Huệ đều cho rằng: Nghiệp thể thao thành tích cao đòi hỏi người ta phải tận tâm tận lực, chuyên tâm tập luyện mới có thể nâng cao thành tích. Đối với nam VĐV, có thể sẽ ít khó khăn hơn chị em chúng tôi. Bởi phụ nữ ngoài công tác chuyên môn còn phải lo sinh hoạt hàng ngày cho gia đình. Để vừa "giỏi việc nước, đảm việc nhà" đòi hỏi các phụ nữ như chúng tôi phải hy sinh nhiều hơn, đó là chưa kể những đợt tập huấn, thi đấu hài hạn. Nhưng trên tất cả những khó khăn, vất vả, chị em chúng tôi luôn tự nhủ lòng đó là "cái nghiệp" không cho phép mình nản lòng, chùn bước.”
Ở tuổi 35, HLV Lê Hiền vẫn đánh giá người đàn em Kim Huệ có cái "chất" rất riêng mà nhiều năm nữa, không biết đến bao giờ bóng chuyền Việt Nam mới có người thứ 2. Cá tính, sự mạnh mẽ, tố chất thủ lĩnh toát lên từ vẻ bề ngoài đến phong cách thi đấu trên sân luôn máu lửa, Kim Huệ là tấm gương về tinh thần cho những lứa VĐV trẻ “đàn em” sau này. 8 kì SEA Games liên tiếp qua đi, bóng chuyền nữ Việt Nam chưa một lần hạ nổi Thái Lan nên chỉ giành huy chương bạc. Bởi vậy với Kim Huệ, chỉ có một giấc mơ dù sắp hết đời VĐV chị vẫn chưa thể thực hiện được, đó là cùng các đồng đội của mình có thể một lần đánh bại được người Thái chạm tay vào tấm HCV SEA Games.