Đó là thực trạng của các đội bóng chuyền nữ tại Việt Nam lúc này. Rất nhiều cầu thủ thi đấu ở vị trí mũi nhọn này, thế nhưng, người có năng lực bật hẳn lên để gánh vai trò chính trong một đội hình thì hiện tại không nhiều. Vì thế, những gương mặt tạo được dấu ấn trở thành của hiếm rất được các đội bóng săn đón...
Bóng chuyền nữ Việt Nam: “Khát” chủ công
Hà Ngọc Diễm đắt sô
Chủ công người Vĩnh Long này đã gật đầu về đấu thời vụ cho CLB nữ Thông tin lienvietpostbank tại Cúp quốc tế LVPB 2017 sẽ tranh tài cuối tuần này ở Bắc Ninh. Lứa cầu thủ như Phạm Thị Yến, Đỗ Thị Minh nổi bật chuyên môn và giúp đội bóng nữ áo lính giành nhiều thành tích thì ai cũng biết. Tuy nhiên, họ đã lớn tuổi thì lứa đàn em (vị trí chủ công) không nhiều gương mặt bật hẳn lên. Đội bóng này từng có Trần Thị Thảo và Âu Hồng Nhung chơi khá tốt vai trò chủ công.
Chủ công Hà Ngọc Diễm. Ảnh: Nhật Anh
Thật tiếc, sau một giai đoạn thăng hoa, Âu Hồng Nhung gặp chấn thương và cô giờ quen dần vai trò libero. Trần Thị Thảo lập gia đình nên HLV Phạm Văn Long không thể trông vào mũi nhọn này. Đó là lý do, đàn chị Phạm Thị Yến, Đỗ Thị Minh dù nhiều lần ngỏ ý muốn nghỉ ngơi nhưng vẫn tiếp tục ra sân thi đấu. Lần này tại Bắc Ninh, đội bóng của HLV Phạm Văn Long là chủ giải nên không thể sơ xuất. Việc họ chấp nhận mời Hà Ngọc Diễm và được cái gật đầu từ chủ công này là thành công bước đầu. Diễm đang là mũi nhọn số 1 của đội nữ quốc gia nên có cô, gánh nặng ghi điểm của Phạm Thị Yến, Đỗ Thị Minh cho đội nữ Thông tin lienvietpostbank chắc chắn được san sẻ đáng kể.
Năm 2015, Hà Ngọc Diễm là cầu thủ thi đấu với mật độ dầy đặc nhất trong các cầu thủ quốc nội. Năm đó, Diễm về khoác áo VTV Bình điền Long An. Tuy vậy, cô vẫn đủ thi đấu nhóm tuổi trẻ nên còn ra sân oanh tạc trên khắp các mặt trận. Năm 2016, Diễm trở lại đội bóng quê nhà Vĩnh Long. Thật mừng khi chủ công này cùng đội quê hương hoàn thành mục tiêu trụ hạng. Nhưng đó cũng là “nỗi buồn” với các đội. Bởi vì, nếu CLB nữ Vĩnh Long còn ở giải VĐQG thì việc mời Diễm về thi đấu (dù chỉ thời vụ) là không thể. Trước khi giải VĐQG 2017 khởi tranh, Hà Ngọc Diễm từng lắc đầu với lời mời tiền tỷ từ CLB Hóa chất Đức Giang Hà Nội.
Tình cảnh chung
4 CLB mạnh nhất bóng chuyền nữ Việt Nam hiện tại là NH Công thương, Thông tin lienvietpostbank, VTV Bình điền Long An, Tiến nông Thanh Hóa. Từng đội, nhân sự vị trí chủ công có người mạnh, người yếu khác nhau. Tựu chung lại, các HLV đều muốn đội bóng của mình phải có 1 đầu tầu ưng ý nhất. HLV Lê Văn Dũng (NH Công thương) đang may mắn nhất vì dàn chủ công trẻ như Đoàn Thị Xuân, Đinh Thị Thúy, Lưu Thị Huệ có chuyên môn khá tốt và là mũi nhọn làm nhiều hàng chắn e ngại.
Dù vậy, chính Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) – ông Trần Đức Phấn khẳng định “cầu thủ trẻ nữ Việt Nam hiện tại ở cấp đội tuyển nhiều người chuyên môn tốt, nhưng kinh nghiệm còn thiếu nên vẫn cần bồi đắp”. Xuân, Thúy, Huệ đang cần nhiều hơn kinh nghiệm trận mạc.
Đinh Thị Thúy, Đoàn Thị Xuân là gương mặt được kỳ vọng.Ảnh: Thiên Hoàng
Thông tin LVPB không thể trông mãi vào Phạm Thị Yến, Đỗ Thị Minh, Trần Thu Trang. “Chúng tôi đã gọi lại cầu thủ trẻ Phạm Hồng Nhung (chiều cao 1m78) đăng ký thi đấu giải quốc tế LVPB 2017 ở Bắc Ninh. Cháu có thể chơi tấn công và đối chuyền tốt nên tin tưởng tạo được dấu ấn”, HLV Phạm Văn Long tiết lộ. Chủ công này từng nằm trong danh sách tuyến một không sử dụng chuẩn bị đi đơn vị nhưng được cho một số CLB nữ như Cao su Phú Riềng, Vĩnh Phúc,Hòa phát Hưng Yên... đánh thuê nên ít nhiều có kinh nghiệm.
Thậm chí, nếu không có gì bất ngờ, Hồng Nhung sẽ là một mũi thi đấu được đội nữ áo lính đăng ký giải VĐQG 2017. Trong khi đó, VTV Bình điền Long An luôn trăn trở rằng ai san sẻ gánh nặng được cho đội trưởng phụ công Ngọc Hoa. Trần Thanh Thúy là chủ công mạnh mẽ, có tầm cao chơi khá hiệu quả. Nhưng một mình cô chưa đủ làm nên sức mạnh. Chính vì mũi chủ công còn thiếu nên một số mùa giải VĐQG gần đây, nữ VTV Bình điền Long An thường phải dừng bước ngay ở lượt trận bán kết.