Sau bóng đá, bóng chuyền là môn thể thao chứng kiến nhiều vụ bỏ cuộc giữa chừng của các nhà tài trợ, ông bầu câu lạc bộ (CLB), không phải vì lý do thiếu thốn kinh phí thì cũng là chuyện xích mích với cấp quản lý ngành. Đấy là lý do, mỗi khi có ông bầu nào đó nhảy vào đầu tư cho một đội bóng chuyền, người trong giới chỉ hào hứng vừa phải và luôn nảy sinh câu cửa miệng: “Cứ chờ đi!”.
Bóng chuyền Việt Nam - Chuyên nghiệp từ cách nghĩ
Vì đã nhiều lần nuối tiếc khi nhìn các phiên hiệu Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Hoàng Long, Dệt Thành Công, Giấy Bãi Bằng, Đức Long, Vietsovpetro, Cao su Phú Riềng… dừng cuộc chơi chỉ sau ít mùa bóng làm thương hiệu, nên giờ đây khi nhắc đến những tân binh khoác trên mình bộ áo in tên nhà tài trợ mới, tâm lý của cả giới làm nghề lẫn HLV và VĐV cũng khá ưu tư, đôi khi là… không vui.
Sau Bảo Long Hà Tây, Hà Nội, Vietsovpetro thì Ngân hàng Công thương là CLB thứ 4 của Lê Thanh Thúy.
Nếu tính ra, ở làng bóng chuyền hiện nay, chỉ còn vài CLB gắn kết bền vững với nhà đầu tư như Bình Điền Long An, Ngân hàng Công thương, Thông tin LVPB, Tiến Nông Thanh Hóa, PVD Thái Bình (nữ), Tràng An Ninh Bình, Sanest Khánh Hòa (nam). Còn lại, hoặc nhận tài trợ với gói tiền nhỏ, hoặc một số doanh nghiệp không muốn dính quá sâu vào thể thao nên chỉ hỗ trợ phần nào đó kinh phí để cùng với địa phương nuôi đội bóng, chẳng hạn như ngành công an, xổ số kiến thiết, hóa chất…
Làm thể thao thời kim tiền quả nhiên khó. Giữ được tính bền vững trong đầu tư hay kể cả về chuyên môn cũng gian nan không kém. Nhà tài trợ rất cân nhắc khi chi ra 1 đồng cho thể thao, dù thừa hiểu đấy là một trong những cách gây dựng thương hiệu nhanh và hiệu quả nhất cho doanh nhân, doanh nghiệp.
Có một dạo, làng bóng chuyền sốc với cách vung tiền mua sắm VĐV, đi tập hay thi đấu đều được chi tiền ở mức chuyên gia của đội bóng nữ Vietsov Petro. Thậm chí, chính những người làm bóng chuyền ở Vũng Tàu còn nói rằng, đội tuyển quốc gia chưa chắc sướng bằng VĐV của họ trong một thời gian dài. Tuy nhiên, Vietsov Petro bất ngờ rút lui, xóa tên khỏi làng bóng chuyền khiến tất cả cùng ngỡ ngàng. Cho đến bây giờ, nghĩa là vài năm sau khi đội bóng giàu bậc nhất làng bóng chuyền nữ “tự vẫn”, chẳng một ai đưa ra được lý do chính xác về cuộc trốn chạy đó, chỉ đồn đoán rằng do bê bối tiền bạc của người điều hành CLB và do cả kế hoạch rút lui khỏi thể thao của ngành dầu khí.
Nhà quản lý bóng chuyền tính đến phương án cắt giảm bớt số đội dự giải VĐQG xuống còn 8 thay vì 12 như hiện nay, cốt cũng nhằm giúp nâng cao chất lượng cho các trận đấu, bắt buộc các đội bóng phải xây dựng lực lượng có chiều sâu, chuyên nghiệp hóa theo hướng xã hội hóa bóng chuyền, tức là xây dựng mô hình CLB được một công ty TNHH hoặc cổ phần quản lý (giống như cách mà CLB Bình Điền Long An đang thực hiện), để vừa tranh thủ được nguồn tài chính từ doanh nghiệp, vừa có thể vận động tài trợ, lôi kéo càng nhiều doanh nhân mê môn thể thao này cùng nhập cuộc đầu tư càng tốt. Một cá nhân có thể nản lòng nếu đội bóng xảy ra biến cố, nhưng cả một tập thể cùng tham gia đầu tư thì lại khác, chắc chắn sẽ bền vững hơn hẳn.