Thực tế, ngay sau khi khép lại vòng 2 giải VĐQG 2016 hồi tháng 12, nhiều đội bóng đã rục rịch tính chuyện tuyển quân hoặc chuyển nhượng VĐV với hy vọng có được đội hình ưng ý nhất trước khi bước vào mùa giải mới 2017. Tuy nhiên, vì số lượng VĐV giỏi quá hiếm, hoặc đã chọn cho mình nơi chốn ổn định, nên chỉ có vài trường hợp nổi bật và trở thành tâm điểm của những cuộc theo đuổi.
Bóng chuyền Việt Nam: Nhộn nhịp mùa chuyển nhượng
Chủ công Hà Ngọc Diễm - vị trí quan trọng nhất trong đội hình của nữ Truyền hình Vĩnh Long, đã nhận được lời mời từ Thông tin LVPB theo hợp đồng ngắn hạn. Rõ ràng, đội bóng Quân đội trong bối cảnh thiếu hụt nhân sự, rất muốn có thêm sự trợ giúp của Ngọc Diễm ở Cúp Lienvietbank sẽ khởi tranh vào tháng 2 tới. Trước đó, Ngọc Diễm thậm chí còn được đội nữ Hóa chất Đức Giang Hà Nội đặt vấn đề chuyển nhượng với khoản lót tay lên đến 1,5 tỷ đồng, kèm theo mức lương 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc thiệt hơn, Ngọc Diễm đã từ chối, đồng thời ký gia hạn hợp đồng 1 năm nữa với Vĩnh Long.
Nhiều cái tên ở nội dung nữ đang gây được sự chú ý.
Sau khi Hà Ngọc Diễm quyết định tái ký hợp đồng 1 năm với Truyền hình Vĩnh Long thì Đinh Thị Trà Giang cũng tiếp tục gia hạn hợp đồng với Tiến Nông Thanh Hóa. Như vậy, ở mùa giải 2017, đội bóng của HLV Lê Thị Bình vẫn giữ nguyên được bộ khung từng giúp họ 3 năm liên tiếp lọt vào top 4. Hóa chất Đức Giang Hà Nội sau khi không lấy được Hà Ngọc Diễm, Đinh Thị Trà Giang cũng nhanh chóng chiêu mộ được hai gương mặt mới là chuyền hai Phạm Thu Hà và libero Lê Thị Thanh Liên. Rõ ràng, ngoài những gương mặt trẻ như Trịnh Thị Huyền, Trịnh Thị Khánh, Trần Thị Bích Thủy, Lý Thị Luyến… thì sự góp mặt của hai vị trí kể trên là vô cùng cần thiết với đội bóng của ông bầu Đào Hữu Huyền vào lúc này.
Với Quảng Ninh, đội bóng từng tham vọng có thể lật đổ VTV Bình Điền Long An mùa vừa rồi đã mất đi đối chuyền Mỹ Hoa do cô trở về với Hóa chất Đức Giang Hà Nội. Tuy nhiên, đội bóng của HLV Lê Thị Hiền vẫn giữ được chuyền hai Minh Nhâm cùng dàn cầu thủ nội như Đào Thị Bảy, Triệu Thanh Huyền hay Phạm Hải Yến…
Ở nội dung của nam, thị trường chuyển nhượng có phần kín tiếng hơn nhưng cũng không kém phần sôi động. Đáng đáng chú ý là phụ công Nguyễn Hoàng Thương, người vừa mới tuyên bố chia tay đội bóng chuyền nam Maseco TPHCM. Thương hiện được đánh giá là phụ công số 1 Việt Nam, là 1 trong những trụ cột của đội tuyển trước mỗi lần xuất ngoại. Thế nên, khi hay tin Hoàng Thương trở thành VĐV tự do, rất nhiều CLB đang chơi ở giải VĐQG đã đề nghị ký hợp đồng. Trong số đó, “máu me” nhất chính là Sanest Khánh Hòa - đội bóng vừa lần thứ nhì liên tiếp để vuột ngôi vô địch giải nam, sẵn sàng chi ra 1,5 tỷ đồng cho 3 năm chơi bóng của Hoàng Thương, kèm với mức lương cao thuộc diện nhất, nhì tại đây. Những tên tuổi khác của làng bóng chuyền nam như Becamex Quân đoàn 4, Tràng An Ninh Bình, Công an TPHCM… cũng đều đánh tiếng với phụ công này.
Ngoài Hoàng Thương, thì một số cái tên khác cũng đang trở thành tâm điểm trước cuộc chơi của mùa giải mới như Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Trường Giang hay Lê Thành Hạc.