- “Mốt” bây giờ không phải đầu tư vào bóng đá mà tập trung bóng chuyền. Nhờ có những đại gia rót tiền vào môn này nên vài năm gần đây giải VĐQG luôn hấp dẫn.
Nhà giàu cũng khóc
- Tui đoán ông đang nói đến các đội bóng chuyền nữ, với những cô gái chân dài tít tắp?
- Chẳng riêng gì phái đẹp mà cánh mày râu cũng sôi nổi. Như mới rồi tại giải VĐQG 2016, chức vô địch đã thuộc về Thể Công (nam) và Ngân hàng Công Thương (nữ) đầy kịch tính.
- Theo tui nghĩ, hai đội bóng vừa nêu giành cúp hẳn là bất ngờ?
- Đúng là không nằm trong dự đoán. Vì trước đó đa phần tập trung vào những đội “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” nhưng tiếc là họ thua trắng bụng. Ví dụ Sanest Khánh Hòa khi lọt vào chung kết nam gặp Thể Công phần đông khán giả phố biển nghĩ rằng cúp vô địch khó lọt khỏi tay chủ nhà. Tuy nhiên, họ lại để thua Thể Công 1 - 3, đành chịu về nhì.
- Sanest Khánh Hòa đã chi tiền không tiếc tay. Với thất bại kiểu đó thật khó nuốt trôi.
- Đội bóng miền Trung cay cú sau thất bại hồi trận chung kết năm ngoái nên đã chi 2,1 tỷ đồng chiêu mộ chủ công nổi tiếng Từ Thanh Thuận (Vĩnh Long) về để hợp với đội trưởng Ngô Văn Kiều tạo thành “cặp đôi hoàn hảo”, nhưng cuối cùng S.Khánh Hòa vẫn gục ngã. Tràng An Ninh Bình là trường hợp khác. CLB này đã nhập tịch chủ công người Thái Lan Kitsada Somkane (tên Việt Nam là Nguyễn Văn Đa) ngay trước vòng 2 giải VĐQG, với mức thu nhập 7.000USD/tháng. Song, đội bóng cố đô Hoa Lư vẫn không thể vào tốp 4.
- Phía chị em chắc là ngoại lệ so với phái mạnh, ông bạn hả?
- Chẳng khác nhiều. VTV Bình Điền Long An của ngôi sao Nguyễn Ngọc Hoa cũng chơi không thành công, chỉ giành hạng 3 chung cuộc và đó bị xem như thất bại. Một đội bóng khác là nữ Thông tin LV Postbank với mức đầu tư nhiều nhất làng bóng chuyền nữ hiện nay, lại đi tập huấn Đông Tây không có kết quả như ý, dù vào chung kết nhưng thua tiếc nuối 2 - 3 trước Ngân hàng Công Thương.
- Sau những gì ông bạn nói, mới thấy câu “nhà giàu cũng khóc” thật thấm thía.