Người hâm mộ luôn dành tình cảm riêng cho các đội bóng chuyền của thể thao Quân đội mỗi khi các CLB này thi đấu giải VĐQG. Năm nay, tại vòng 2, bóng chuyền Quân đội có Thông tin Lienvietpostbank (nữ); Thể Công, Biên phòng, Becamex Quân đoàn 4 (nam) thi đấu...
Hay không có nghĩa là đủ
Thực tế, khi các đội bóng chuyền của Quân đội không còn được hưởng “bao cấp” (trừ 2 đội Thông tin LVPB, Thể Công) mà do đơn vị của mình trực tiếp quản lý, nhiều CLB gặp khó khăn tìm kinh phí duy trì. Thể thao Quân đội nói chung và các CLB bóng chuyền thuộc Quân đội nói riêng ưu thế hơn các đội bóng khác ở tính kỷ luật quân ngũ và một tập thể chấp nhận chịu đựng khó khăn trong mọi hoàn cảnh nào. Nhưng thời buổi hiện tại, thể thao phải có đầu tư và nguồn lực xã hội hóa, các đội bóng chuyền Quân đội không thể đứng yên một chỗ chờ “bầu sữa” trong ngân sách “bao cấp” từ phía trên để. Họ đang tìm mọi nỗ lực giải quyết khó khăn.
Thông tin LVPB (tấn công) ngoài kinh phí từ nhà tài trợ thì vẫn đang hoạt động dựa vào đầu tư từ Binh chủng Thông tin Liên lạc. Ảnh: Thiên Hoàng
Đơn cử tại giải VĐQG 2016, nhiều đội bóng phải lo tồn tại trước áp lực kinh phí tồn tại. Là phiên hiệu bách chiến bách thắng trong tất cả các giải quốc nội nhiều năm đã qua, năm nay vị trí của CLB Thông tin LVPB bị lung lay dữ đội. Điều đó tới từ cái khó ở thực tế chuyên môn. Đội bóng nữ quân đội này gặp cạnh tranh quyết liệt từ CLB Ngân hàng Công Thương.
Từ đầu năm tới nay (trước khi thi đấu vòng 2 giải VĐQG 2016), trong tất cả các giải quốc nội, Thông tin đều lép vé trước đối thủ. Vòng 2 giải VĐQG 2016 là cơ hội cuối cùng để HLV Phạm Văn Long phải đảm bảo được kết quả chuyên môn. Nếu không bảo vệ được chức vô địch quốc gia, chắc chắn HLV Phạm Văn Long khó ăn nói với nhà tài trợ là ngân hàng Bưu điện Lienviet. Dù nhà tài trợ không tạo áp lực quá lớn nhưng đội này được tài trợ rất lớn nên phải đạt được thành tích tương xứng thì mới dễ báo cáo kết quả. CLB nam Quân đoàn 4 suýt chút nữa giải thể do tài chính duy trì gặp khó. Đội bóng được “cứu” nhờ mạnh thường quân Becamex đồng hành. Cuộc sống cho VĐV, HLV của đội được đảm bảo hơn từ năm 2016. Tuy thế vào lúc này, Becamex Quân đoàn 4 được đầu tư mạnh, thuê nhiều cầu thủ tốt lại chơi phập phù.
Từ được xem là một ứng viên vô địch giải VĐQG 2016, giới chuyên môn khẳng định đội bóng của HLV Phạm Chiến Thắng sẽ chỉ có kết quả trụ hạng an toàn khi kết thúc giải. CLB Thể Công giờ đã trở lại chính tên của mình và không gắn với nhà tài trợ. Theo tìm hiểu, Binh đoàn 15 (nhà tài trợ trước đó) của Thể Công đã kết thúc tài trợ. Vì vậy, đội bóng của HLV Phùng Công Hưng hưởng duy nhất một chế độ lương, thưởng do Trung tâm TDTT Quân đội trả đúng quy định và không thêm thu nhập nào khác. Ông Hưng nhiều lần chia sẻ, cầu thủ Thể Công biết khó nên phải nỗ lực duy trì ở tốp 3 của giải VĐQG, hy vọng được thêm nguồn xã hội hóa tài trợ. Bóng chuyền nam Biên phòng tương tự như Thể Công.
Hiện giờ, Đoàn TDTT Biên phòng là đơn vị quản lý đội bóng trên. Bộ tư lệnh Biên phòng duyệt kinh phí hoạt động qua từng năm cho Đoàn thể thao này rồi từ đó đội bóng chuyền sẽ được nhận phân bổ tài chính để hoạt động, thi đấu trong năm. Lãnh đạo thể thao Biên phòng muốn có nhà tài trợ đồng hành với đội bóng để đời sống HLV, VĐV cải thiện hơn. Đáng tiếc, họ vẫn đang mò kim đáy bể. Thêm một điều khó, cầu thủ thi đấu trong các đội bóng quân đội đều hướng tới cơ hội sẽ được tuyển dụng là quân nhân chuyên nghiệp. Tuy nhiên, hàng năm, mỗi đơn vị chỉ được rất ít suất tuyển dụng vào biên chế. Chưa hẳn VĐV cứ thi đấu nhiều hoặc chơi hay sẽ được đảm bảo suất vào “biên chế” đeo quân hàm quân đội. Điều này ít nhiều ảnh hưởng tới tâm lý VĐV.
Vòng 2 giải bóng chuyền VĐQG 2016 sắp tới hồi kết vòng bảng. Bóng chuyền Quân đội đã có 2 CLB góp mặt ở vòng chung kết của nam và nữ (Thông tin Lienvietpostbank và Biên phòng). Chiến thắng sẽ tạo động lực tinh thần rất lớn cho tập thể. Các đội đều mong rằng, sau những chiến thắng và có danh hiệu, thì cơ hội được đầu tư thêm hoặc nguồn xã hội hóa hiện thực hơn thì đó mới là đích cần thực hiện.