Tiêu đề của website

Có một tình yêu bóng chuyền

“Bóng chuyền, bóng đá sáng nay cũng kết thúc rồi, vào lúc 14:00 chiều nay sẽ diễn ra trận bóng chuyền hấp dẫn giữa hai đội bóng PVD Thái Bình và Hóa chất Đức Giang Hà Nội. Giờ cũng trưa rồi, công đoàn nhanh tay phát cho mỗi bà con Tằng Loỏng 200 nghìn ăn trưa, ăn xong bà con còn lấy sức để chiều cổ vũ bóng chuyền.” Tiếng ông Đào Hữu Huyền – chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Bột Giặt và Hóa Chất Đức Giang vừa ngừng, lập tức hàng nghìn người dân địa phương vô tay hưởng ứng.


Ông Đào Hữu Huyền (đeo kính) là người có lối sống giản dị và hòa đồng.

Đi xem bóng chuyền tất nhiên là phải mất tiền mua vé là chuyện bình thường. Nếu lịch sự lắm thì CĐV chắc được thêm chai nước hay cái bánh mỳ. Thế nhưng, bà con đi xem bóng chuyền không mất vé lại được phát tiền tươi thì chắc chỉ có ông Đào Hữu Huyền là một. 200 nghìn đồng với người dân Hà Nội có thể không lớn, nhưng với bà con vùng cao, 200 nghìn là cả một vấn đề. Với số tiền đó, họ có thể lo cho cả gia đình được một bữa ăn tươi.

Xếp thứ 25 trong danh sách những đại gia giàu nhất Việt Nam (2015), ông Đào Hữu Huyền đến với bóng chuyền khiến nhiều người vô cùng bất ngờ. Thực tế, số tiền bỏ ra đầu tư cho bóng chuyền so với khối tài sản nghìn tỷ của ông là không lớn. Thế nhưng, người ta khâm phục ông bởi, dù có bận trăm công nghìn việc thì ông vẫn dành rất nhiều thời gian, tâm huyết với bóng chuyền.

VĐV Vũ Thị Nga được ông Đào Hữu Huyền tự hào giới thiệu với bà con Tằng Loỏng.

Không phải giải chính mà ngay cả hội làng ông Huyền cũng có mặt, cũng chính từ cái sân xi măng ấy, ông mới thấu hiểu rằng ở ngoài kia, còn đó rất nhiều bà con yêu thích và cuồng nhiệt với bóng chuyền.

Là Chủ tịch HĐQT của một đơn vị sản xuất có doanh thu 5.000 tỷ đồng/năm nhưng bản thân ông Huyền và cả gia đình ông luôn giữ nếp sống giản dị, hòa đồng với cách nói chuyện rất bình dân. Ông Huyền là người cởi mở, thân mật nhưng thích sự thẳng thắn. Những người tiếp xúc với ông nên đi thẳng vào vấn đề hơn là cách nói thảo mai, vòng vo. Nhiều người nói rằng tính cách ông do công việc gắn bó trực tiếp với công nhân lao động thành thử không quan cách nhưng cũng nhiều người cho rằng bản chất con người thì khó thay đổi.

“Tôi không thích lên báo, mà đúng hơn là ngại lên. Đời tôi duy nhất 2 lần phải đi mời người, trong đó lần thứ 2 là đích thân phải đi mời cô Trà Giang và Ngọc Diễm về thi đấu cho Hóa chất Đức Giang Hà Nội thì lại thất bại.” Ông Huyền chia sẻ.

Trên thực tế Hóa chất Đức Giang Hà Nội không thiếu tiền, thậm chí sẵn sàng trải thảm đỏ để mời các VĐV giỏi, nhưng tài năng bóng chuyền Việt Nam hiếm quá nên muốn đầu tư một CLB chuyên nghiệp như nước ngoài thực sự không dễ dàng. Tham vọng của ông Đào Hữu Huyền vẫn là xây dựng một học viện bóng chuyền, nơi các cầu thủ của ông phải có chỗ ăn, chỗ ngủ riêng… thậm chí phải có riêng một NTĐ để tập luyện cùng với đó phải có các chuyên gia giỏi từ nước ngoài giúp sức. Các CLB bóng chuyền có mạnh, thì ĐTQG mới mạnh.


Tác giả:HÀ HƯNGNguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều