6 năm trước, khi chủ công Bùi Thị Huệ 2 lần xin rút lui khỏi đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam vì chấn thương, một cảm giác hụt hẫng trào dâng trong lòng giới làm nghề và người hâm mộ. Tưởng chừng Huệ sẽ lui về hậu trường để lo cho gia đình, nhưng cô đã trở lại, đầy phấn khích và nhiệt tình trong màu áo của đội bóng Thái Bình…
Chủ công Bùi Thị Huệ giảm hơn 30kg để trở lại chơi bóng đỉnh cao
Bùi Thị Huệ trở lại gánh vác bóng chuyền PVD Thái Bình. Ảnh: Quốc Khánh
Thái Bình vừa “hạ đẹp” Thông tin LVPB với tỷ số 3-2 ở trận chung kết giải Bông lúa vàng tranh cúp Mikado 2017 để lên ngôi ngoạn mục. Đội bóng của HLV Thái Thanh Tùng không còn sự phục vụ của 2 chủ công Lê Thị Mười và Nguyễn Thị Ngoan, chỉ có vỏn vẹn 11 VĐV, được cho là thiếu trước hụt sau. Thế nhưng, may cho Thái Bình vì trong đội hình còn những trái tim nhiệt huyết như chủ công Bùi Thị Huệ, người từng góp phần tạo dựng tên tuổi cho bóng chuyền nữ quê lúa cả chục năm trước.
Ở tuổi 32, thật đáng nể với tinh thần và quyết tâm thi đấu của bà mẹ 2 con Bùi Thị Huệ. Trong bối cảnh thiếu thốn nhân sự, việc Bùi Huệ trở lại từng bị cho là giải pháp tình thế, nhưng đến giờ thì đã rất khác, vì cô là 1 trong những vị trí quan trọng mang lại sự tươi mới cho đội bóng Thái Bình, dù cô là cái tên khá cũ của bóng chuyền nữ Việt Nam.
Sau khi sinh Bùi Thị Huệ nặng xấp xỉ 100 kg, để trở lại thi đấu đỉnh cao chủ công sinh năm 1985 đã phải nỗ lực rất nhiều trên hành trình giảm cân của mình. Tại vòng 1, dù cân nặng đã giảm được khá nhiều nhưng để đảm bảo thể lực cày ải thi đấu liên tục thì chị phải tiếp tục giảm cân với nhiều bài tập liên quan đến sức bền và sức mạnh. Tới cúp Bông Lúa Vàng mới đây, nhiều khán giả đã vô cùng bất ngờ vì Bùi Thị Huệ giờ trông thon gọn quá. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau tấm huy chương kia là cả sự khổ luyện vất vả, ướt đẫm mồ hôi, nỗ lực đến kiệt quệ giảm tới hơn 30kg trên đường pitch của sân vận động.
Ông Thái Thanh Tùng khảng khái nói rằng đội bóng Thái Bình không hề đi vay mượn VĐV ngay cả khi thiếu hụt, chấp nhận dùng toàn người nhà và được đào tạo từ các tuyến trẻ đưa lên. Thậm chí, nhiều đội bóng khác rủng rỉnh kinh phí đã đến và “rút ruột” tài năng của họ khá nhiều, nhưng Thái Bình vẫn nhẫn nại xây dựng phong cách chơi của riêng mình.
Lấy thủ bù công, lấy lòng nhiệt tình và hăng hái của mọi vị trí trên sân làm nên nguồn sức mạnh tổng hợp, Thái Bình cứ thế bước đi và phần thưởng xứng đáng cho họ là chiếc Cúp vô địch giải Bông lúa vàng 2017, đồng thời là 1 vị trí trong tốp 4 CLB hàng đầu ở vòng 1 giải Vô địch quốc gia 2017.
Trong bức tranh của bóng chuyền nữ Thái Bình, quả nhiên không thể không nhắc đến dấu ấn của chủ công Bùi Thị Huệ - người mà giới trong nghề vẫn thường gọi là “búa máy”, là “chủ công toàn diện nhất Việt Nam” trước đây.
Không còn những pha nhảy phát bóng tấn công uy lực của dạo trước, cũng không còn được linh hoạt như cô gái ở độ tuổi 18 đôi mươi, nhưng vẫn còn đó những cú đập sấm sét nhưng đi cùng là sự tinh tế hơn trong những pha bỏ nhỏ. Vẫn là Bùi Thị Huệ với tinh thần chiến đấu kiên cường, bản năng thủ lĩnh vẫn thể hiện trong phong cách chơi của thủ quân mang áo số 14, vì dường như điều đó đã ngấm vào máu của cô mất rồi.
Bùi Huệ dẫn dắt Thái Bình chơi hăng say ở giải Vô địch quốc gia, bất chấp phải đeo đai, phải chịu bầm giập toàn thân sau những pha lăn lộn cứu bóng, phòng thủ… càng chứng tỏ tình yêu với bóng chuyền của cô mãi không bao giờ tắt và sự trở lại để phụ giúp HLV Thái Thanh Tùng về chuyên môn kể từ vòng 1 giải Vô địch quốc gia 2017 đã thể hiện lòng trung thành của cô với đội bóng quê hương. Ở tuổi 32, Bùi Thị Huệ vẫn chơi bóng máu lửa chẳng khác gì 10 năm về trước, nhưng giờ đây cô nỗ lực không chỉ vì giữ hình ảnh và tên tuổi của bản thân mình, Bùi Huệ nỗ lực vì cô còn trách nhiệm của người mẹ, là niềm tự hào của hai con.