Tiêu đề của website

Khi kép phụ trở thành kép chính

Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam kết thúc một giải đấu có phần tệ hại và rời rạc, nhưng trong những mảng tối đó vẫn le lói một vài cái tên biết đứng dậy khẳng định mình từ vai trò dự bị để trở thành những vị trí chủ chốt như chuyền hai Nguyễn Thị Hồng Đào và phụ công Lê Thanh Thúy.


Pha chuyền bóng chính xác của cây chuyền hai Hồng Đào.

Lên ĐTQG từ năm 2015, trước đó là thành viên của đội tuyển trẻ từ năm 2010, Hồng Đào đã sớm khẳng định được vai trò của mình trong màu áo CLB nhưng với ĐTQG dường như cô vẫn chưa có nhiều đất diễn. Điểm mạnh của cô gái người Long An là khả năng kết hợp ăn ý với các đồng đội, tức là Đào biết tiết chế cái tôi cá nhân, lắng nghe đồng đội muốn gì.

Nhiều người bảo, nếu không có sự thay đổi vai trò chuyền hai của Hồng Đào trong trận đấu gặp Iran thì có lẽ Việt Nam đã thua 3 sét trắng. Nói như vậy để đủ hiểu, muốn các tay đập như Trần Thị Thanh Thúy, Lê Thanh Thúy, Nguyễn Thị Ngọc Hoa… phát huy được sức mạnh và sở trường thì điều quan trọng là họ phải nhận được những đường chuyền thuận lợi hợp với sở trường từ vị trí chuyền hai.

Khác với người đồng đội ở đội tuyển khi bóng đến tay là đẩy, và chủ yếu nhồi bóng ra biên cho chủ công thì Hồng Đào lại có khả năng chuyền bóng chiến thuật, biết cách “hãm xung”, tức là khi bóng xấu cô chủ động chuyền chậm, nâng cao tầm bóng để người tấn công kịp vào đà, nhưng khi ở tư thế thuận lợi Hồng Đào lại chủ động tung ra các đường chuyền với tốc độ cao cho các phụ công hay các bài phối hợp chiến thuật lao len hay chồng lao... Các đường chuyền của Hồng Đào thiếu một chút sức mạnh nhưng lại có được tính mềm dẻo và ổn định.

Di chứng sau nhiều chấn thương ở cổ chân hay gối đã làm tốc độ di chuyển của Hồng Đào chậm đi khá nhiều, nhưng khả năng chiếm vị trí và kinh nghiệm của cây chuyền hai sinh năm 1994 đã được cải thiện thấy rõ. Hồng Đào cho biết: “Được lên tuyển thì em cố gắng hết sức thôi, tính em không thích cạnh tranh, nên nếu được BHL cho vào sân chắc chắn em sẽ cố gắng hết mình.”

Phụ công Lê Thanh Thúy (số 17) có sự thể hiện ấn tượng.

Sinh năm 1995, Lê Thanh Thúy từ rất sớm đã được nhiều người kỳ vọng là phụ công hàng đầu của bóng chuyền Việt Nam trong tương lai. Thế nhưng với việc nay đội này, mai đội khác chỉ trong vòng vài năm mà trải qua 4-5 CLB đã khiến phụ công sinh năm 1995 không thể toàn tâm, toàn ý tập luyện.

Thậm chí, với ngoại hình xinh đẹp nhưng vẫn chưa có sự tiến bộ vượt bậc về chuyên môn nhiều khán giả còn ví Lê Thanh Thúy như bình hoa di động. Thế nhưng, ở thời điểm khó khăn khi hai đàn chị Ngọc Hoa, Kim Huệ nói lời chia tay ĐTQG, phụ công Bùi Thị Ngà sau chấn thương trở nên nặng nề, chậm chạp và rơi rớt phong độ thấy rõ thì lúc này Lê Thanh Thúy đã lên tiếng.

Từ vai kép phụ khi liên tục phải dự bị, nhưng khi được tung vào sân Lê Thanh Thúy rất chịu khó di chuyển, bám chắn, ra tay quyết liệt với những pha tấn công cắm sàn, Lê Thanh Thúy đã khiến giới mộ điệu đi hết từ bất ngờ này, cho đến bất ngờ khác. “Hôm nay mình làm tròn vai mọi người có thể khen mình, nhưng ngày mai mình không làm được khán giả sẽ sẵn sàng quay lưng, đây là động lực nhưng cũng là áp lực để em luôn tự nhắc nhở, cố gắng hoàn thiện bản thân mình hơn nữa.” phụ công Lê Thanh Thúy cho biết.

Trong thể thao, không có ai trị vì mãi mãi ở đỉnh cao, nên nếu bạn không cố gắng và nỗ lực thì chắc chắn sẽ bị đào thải để nhường chỗ cho những người khác thay thế. Một thực tế đã chứng minh, suất đánh chính của ĐTQG không phụ thuộc vào bạn lên sớm hay lên muộn mà nó phụ thuộc vào năng lực và sự cố gắng của VĐV ở thời điểm hiện tại. Ai hay, ai dở tất cả đều được thể hiện rõ nét qua chuyên môn.


Tác giả:HUY QUANGNguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều