Dù là đội bóng tỉnh lẻ, đời sống VĐV cũng còn nhiều khó khăn nhưng trong nhiều năm trở lại đây, Hải Dương luôn cho thấy quyết tâm rất lớn của mình trong cuộc đua giành tấm vé trụ hạng, nhất là tại giải bóng chuyền VĐQG 2018.
Bóng chuyền nữ Hải Dương dồn toàn lực cho tấm vé trụ hạng
Nữ Hải Dương quyết tâm trụ hạng.
Nếu để ý, Hải Dương trong 3 năm trở lại đây được xem lại đội bóng “chịu chơi” nhất ở giải VĐQG khi liên tiếp thuê các HLV ngoại về huấn luyện chứ không dùng HLV nội. Còn nhớ, trong 12 đội nam, 12 đội nữ đấu từ vòng 1 tới vòng 2 giải bóng chuyền VĐQG 2017, nữ Hải Dương là CLB duy nhất có HLV trưởng là người nước ngoài. Vòng 1 giải VĐQG 2017, nữ Hải Dương được HLV người Nhật Bản Shuto Koichi dẫn dắt. Cựu HLV đội bóng chuyền nữ U19 Việt Nam này từng tới với nữ Hải Dương vào năm 2016 và chỉ đạo đội này thi đấu giải VĐQG năm ngoái trong một giai đoạn. Tiếc là kết thúc giai đoạn 1 giải VĐQG 2017, ông Shuto Koichi đã không còn ở lại với Hải Dương.
Đến vòng 2 giải VĐQG 2017, đội nữ Hải Dương đăng ký HLV Parkan Kumsadug. Đây là chuyên gia từng có một thời gian tham gia công tác đào tạo trẻ tại Thông tin LienVietPostBank nhưng tiếc rằng kết quả không được như mong muốn. Còn nhớ năm 2015, đội này từng thuê chuyên gia người Nga là ông Yuri (từng có thời gian huấn luyện đội Vietsovpetro (cũ)) nhằm thi đấu tranh vé trụ hạng. Tuy nhiên, sau quá trình làm việc không được như ý muốn, Hải Dương đã quyết định chia tay chuyên gia người Thái Lan và vòng 1 giải VĐQG 2018 họ đã để thua liên tiếp 4 trận đấu, xếp cuối bảng sau lượt trận vòng tròn.
Ông Đinh Văn Lẫm nhận lời làm HLV trưởng đội bóng nữ Hải Dương.
Bị dồn vào thế chân tường, lực lượng còn lại cũng rất mỏng nhất là sau sự chia tay của chủ công Lê Thị Hồng. Hải Dương đã phải cầu viện đến sự giúp đỡ của chuyên gia Đinh Văn Lẫm, người nhiều năm tham gia công tác giám sát các giải đấu của VFV, đồng thời là trưởng bộ môn bóng chuyền của Đại học TDTT Từ Sơn.
Dưới sự dẫn dắt của ông Lẫm, đội bóng Hải Dương cũng có nhiều nét mới trong lối chơi, đặc biệt là khả năng yểm hộ, chuyền một và phòng thủ dù hàng tấn công khá mỏng chưa có các mũi cắt điểm ở những thời khắc quan trọng. Tuy nhiên trước vòng chung kết ngược khởi tranh, Hải Dương có sự tăng cường chuyền hai rất kinh nghiệm là Lê Thị Hồng của Tiến Nông Thanh Hóa trước đây, cùng từng có một thời gian khoác áo ĐTQG bên cạnh Nguyễn Thanh Trâm, VĐV bóng chuyền bãi biển vừa giành được HCV giải VĐQG, đại hội TDTT toàn quốc 2018.
Nhiều khả năng, với chiều cao 1,75m Thanh Trâm sẽ chơi ở vị trí chủ công mà Lê Thị Hồng để lại. Năm nay 23 tuổi, quê Cam Lâm, Khánh Hòa thuộc đội bóng chuyền bãi biển Sanna Khánh Hòa, cũng là chị gái ruột của phụ công Nguyễn Thanh Phương CLB Sanest Khánh Hòa. Ở nội dung BCBB, Thanh Trâm và Nguyễn Thị Mãi hiện là cặp đôi số 1 của Việt Nam hiện nay. Cô gái trẻ được chú ý bởi khả năng bật cao thực hiện những cú đập, gõ bóng vừa khéo léo, vừa uy lực để khuất phục đối phương tại các giải đấu. Tuy nhiên, với bóng chuyền trong nhà, từ cảm giác bóng tới sơ đồ đội hình di chuyển… có nhiều điểm khác biệt. Việc Thanh Trâm có phát huy được khả năng hay không vẫn phải cần thêm rất nhiều thời gian.
Ở trận đấu chéo, Hải Dương sẽ quyết đấu với Hóa chất Đức Giang Hà Nội, nếu thắng đội bóng của HLV Đinh Văn Lẫm sẽ chính thức giành vé trụ hạng. Còn nếu để thua, Hải Dương sẽ phải đấu trận play-off với đội thua trong cặp đấu giữa Đắk Lắk và Truyền hình Vĩnh Long.
Trong lịch sử, đội bóng chuyền nữ Hải Dương từng vô địch giải quốc gia năm 1978 và 1980 với đội hình có nhiều VĐV tốt như Nguyễn Thị Thắm, Nguyễn Thị Liền, Nguyễn Thị Hằng... Gương mặt sáng giá nhất của bóng chuyền nữ Hải Dương lúc này là libero Phạm Thị Thúy.