Đội tuyển bóng chuyền U23 nam Việt Nam thi đấu khá ấn tượng tại giải U23 nam châu Á tại Myanmar khi là đội bóng có thứ hạng cao nhất ở khu vực Đông Nam Á. Thời gian tập trung không dài, nhưng qua giải đấu này đã giới thiệu được một số gương mặt trẻ, có tầm vóc, thi đấu nổi bật và được dự đoán là tương lai của bóng chuyền nam Việt Nam trong những năm tới đây.
Bóng chuyền nam Việt Nam trình làng những gương mặt triển vọng
Nguyễn Ngọc Thuân (20 tuổi, cao 1,92m)
Nổi bật nhất trong dàn VĐV trẻ là chủ công Nguyễn Ngọc Thuân đến từ CLB Biên Phòng. Tập bóng mới có 3 năm nhưng phải nói rằng Ngọc Thuân là gương mặt trẻ để lại ấn tượng nhiều nhất trong thành phần tuyển U23 Việt Nam. Có một chút thiệt thòi khi chàng trai quê Thái Bình đến với bóng chuyền khá muộn, nhưng chính ý chí nỗ lực, đời sống sinh hoạt lành mạnh, không rượu bia, ngoan lại có ý thức nên Ngọc Thuân ngày một hoàn thiện để khẳng định mình trong màu áo CLB cũng như tuyển trẻ U23 Việt Nam.
Nguyễn Ngọc Thuân (số 12) được coi là tương lai của bóng chuyền nam Việt Nam.
Với chiều cao 1,92m nhưng sức bật tốt, hệ cơ bắp đẹp, biết nhảy phát bóng tấn công, đánh cả hàng trước và hàng sau, tầm cắt bóng cao, lại có khả năng chuyền một, phòng thủ. Đây chính là ưu điểm vượt trội mà Ngọc Thuân hơn hẳn các chủ công trẻ hiện nay và cũng là điểm mấu chốt để em được cân nhắc góp mặt trong màu áo ĐTQG trong tương lai gần.
Nguyễn Văn Hiệp (19 tuổi, 1,91m)
Đối chuyền trẻ của đội tuyển U23 Việt Nam mới sinh năm 2000 nhưng lại là VĐV ghi nhiều điểm nhất ở nhiều trận đấu mà anh đánh chính. Chiều cao 1,91m nhưng sức bật tốt, sức mạnh bộc phát tốt, có khả nhảy phát bóng tấn công, cùng khả năng tấn công sau vạch 3m lợi hại, Nguyễn Văn Hiệp trở thành là mắt xích quan trọng của tuyển U23 Việt Nam.
Đối chuyền Nguyễn Văn Hiệp.
Cùng xuất phát điểm từ lò Biên Phòng giống với Ngọc Thuân, nhưng Văn Hiệp đến với bóng chuyền sớm hơn và chơi ở vị trí đối chuyền. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại dù đánh giá là có triển vọng nhưng cơ hội được tập trung ĐTQG của VĐV này là không cao bởi ngoài yếu điểm về chuyền một, thì bóng chuyền nam Việt Nam vẫn đang sở hữu rất nhiều đối chuyền xuất sắc như: Từ Thanh Thuận hay Nguyễn Văn Hạnh chưa kể tới một vài gương mặt trẻ khác. Tuy nhiên, nếu tiếp tục cố gắng, Nguyễn Văn Hiệp được sự đoán có thể còn tiến xa.
Lê Quốc Thiện (21 tuổi, 1,91m)
VĐV của CLB Sanest Khánh Hòa lần đầu tiên được khoác áo đội tuyển trẻ quốc gia cũng lần đầu tiên được giao trọng trách với vai trò đội trưởng. Ở vị trí chuyền hai, Quốc Thiện được đánh giá là triển vọng bởi khả năng nhảy chuyền, cũng như chiều cao rất tốt, rất lợi thế trong các tình huống bám chắn.
Chuyền hai Lê Quốc Thiện.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều đồng đội thì các đường chuyền của VĐV sinh năm 1998 vẫn tương đối khó đánh, không êm và chưa có được độ ổn định. Thế nhưng, cũng không thể phủ nhận tại giải Vô địch U23 nam châu Á, chàng trai người Bình Định đã chơi rất cố gắng và nỗ lực.
Cao Đức Hoàng (21 tuổi, 1,72m)
Libero của đội tuyển U23 Việt Nam xuất phát điểm từ lò đào tạo Quân Khu 4, nhưng thi đấu trong màu áo CLB Hà Tĩnh. Nhanh nhẹn, máu lửa, khả năng chuyền một, phòng thủ khá ổn định bởi vậy Đức Hoàng được lựa chọn là libero chính thức của đội tuyển trẻ Việt Nam.
Libero Cao Đức Hoàng.
Ở nhiều tình huống bóng khó, libero sinh năm 1998 vẫn thi đấu vô cùng lăn xả, bay cá để cứu bóng giúp tạo nên hưng phấn cho toàn đội. Nếu được tiếp tục đào tạo bài bản và được cọ xát nhiều giải đấu hơn nữa, chắc chắn Cao Đức Hoàng có thể trở thành libero số 1 của Việt Nam trong tương lai.
Bóng chuyền nam Việt Nam lâu nay chưa được quan tâm đúng mức, lại vô cùng thiếu thốn về cơ sở vật chất lẫn điều kiện chăm sóc dù tiềm năng và cơ hội giành lấy vị trí số 1 khu vực Đông Nam Á là rất lớn. Cũng như mọi khi, sau các cuộc hành trình, giới làm nghề luôn cảm thấy có sự nuối tiếc nhất định dành cho bóng chuyền nam, khi họ chưa được chăm chút và ưu ái được như các đồng nghiệp nữ. Ngoại trừ giải VĐQG, một số giải trẻ và mang tính chất mở rộng, bóng chuyền nam chưa có được những sân chơi quốc tế như VTV Bình Điền Cup (cấp CLB), VTV Cup (cấp đội tuyển) để giúp các VĐV cả trẻ triển vọng lẫn VĐV cứng cáp về chuyên môn được thử sức với các nền bóng chuyền mạnh trong khu vực và châu lục. Bên cạnh những đàn anh như: Từ Thanh Thuận, Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Trung Trực… đã thành danh, thì những: Ngọc Thuân, Văn Hiệp, Quốc Thiện, Đức Hoàng… được coi là tương lai của bóng chuyền Việt Nam trong một tương lai gần.