Làng bóng chuyền chuyên nghiệp Việt Nam vừa có thêm đội nữ Kinh Bắc. Trong tình cảnh rất nhiều đội bóng chuyền còn trầy trật tìm nguồn lực để duy trì giải vô địch quốc gia đang từng bước được cơ cấu rút gọn số đội, nhằm tăng tính đua tranh… thì việc ra mắt đội bóng này vừa là điều đáng mừng nhưng đồng thời cũng đặt ra không ít nỗi lo.
Vừa mừng, vừa lo
Kinh Bắc được thành lập đồng nghĩa Tiến Nông Thanh Hóa mất người.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, Giám đốc Trung tâm đào tạo bóng chuyền tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đương Bắc chia sẻ: “Từ lâu nay, tỉnh Bắc Ninh đã mong muốn và rất quyết tâm xây dựng được một đội bóng chuyền nữ, hy vọng sẽ có những kết quả tốt trong tương lai. Trước khi có đội bóng chuyền nữ, Bắc Ninh chỉ có mười môn thể thao được đầu tư để đạt thành tích cao”. Nhằm tạo cơ sở vững chắc ngay từ đầu, đáp ứng niềm tin của người hâm mộ tỉnh nhà, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh đã thuê huấn luyện viên Phạm Văn Long về làm huấn luyện viên trưởng. Sau khi huấn luyện viên Phạm Văn Long chính thức đảm nhiệm công tác mới, đã nghỉ dẫn dắt đội bóng cũ là Thông tin Liên Việt PostBank.
Điều khó khăn của thể thao nói chung và bóng chuyền nói riêng hiện nay là tìm kinh phí để duy trì bền vững. Lúc này, bóng chuyền nữ Bắc Ninh mới có 20 cầu thủ tập luyện theo tuyến trẻ và đội hình mở rộng. Để ổn định và rèn luyện chuyên môn hiệu quả, rồi dự giải hạng A toàn quốc năm 2018, chắc chắn huấn luyện viên Phạm Văn Long còn rất nhiều việc phải làm.
Trong khi đó, khi kết thúc Giải bóng chuyền hạng A toàn quốc năm 2017, có hai đội đã thăng hạng để được thi đấu ở Giải vô địch quốc gia năm 2018 là nam Bến Tre và nữ Hậu Giang. Lãnh đạo từng đội chia sẻ, khi lên chuyên nghiệp thi đấu ở giải vô địch quốc gia thì nỗi lo của họ là tìm nguồn kinh phí ổn định hơn. Được dự Giải vô địch quốc gia năm 2018 là cột mốc lịch sử lần đầu của bóng chuyền Hậu Giang, nhưng Giám đốc Trung tâm Thể dục - Thể thao Hậu Giang Nguyễn Phúc Anh cho biết: “Nguồn kinh phí của đội rất ít, lương của vận động viên chỉ khoảng ba đến bốn triệu đồng mỗi tháng. Khi lên thi đấu giải vô địch quốc gia, chúng tôi hy vọng có thêm nguồn lực tài chính”. Trước Hậu Giang, trong năm 2017, đội nữ Đác Lắc cũng bất ngờ thăng hạng chơi giải vô địch quốc gia. Gấp gáp chuẩn bị thi đấu Giải vô địch quốc gia năm 2017, đội nữ Đác Lắc đã phải mượn thêm cầu thủ để đủ quân số. 5 năm trở lại đây, bóng chuyền trong nước chứng kiến nhiều đội bóng bị giải thể, do khó khăn về kinh phí, như các đội nam: Đức Long Gia Lai, Quân khu 5, Quân khu 9; hay các đội nữ: Cao-su Phú Riềng, Hòa Phát Hưng Yên, Vietsovpetro, Xây lắp dầu khí Thái Bình Dương, Phòng không Không quân. Trường hợp đáng tiếc nhất là đội bóng chuyền nam Đức Long Gia Lai. Họ bị giải thể sau bảy năm tồn tại, dù từng vô địch quốc gia năm 2013, sở hữu đội hình mạnh nhất nước.
Theo định hướng tăng cường chuyên môn cho vận động viên trong nước, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã chấm dứt cho phép các đội thuê hoặc mượn cầu thủ ngoại thi đấu. Năm 2017 là bước ngoặt để từng đội bóng phải chủ động ứng biến, tự định hướng sẽ đấu ở hạng A hay quyết lên giải vô địch quốc gia. Nguyên do là Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam thực hiện tiến trình giảm số đội ở giải vô địch quốc gia. Hiện tại, giải này có 12 đội nam, 12 đội nữ. Từ năm nay, hai đội nam và hai đội nữ xếp cuối ở giải vô địch quốc gia bị xuống hạng A, nhưng từ hạng A giành suất thăng hạng chỉ có một đội nam, một đội nữ. Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Trần Đức Phấn từng giải thích: “Lộ trình của giải vô địch bóng chuyền quốc gia Việt Nam là đến giai đoạn năm 2020, 2021 sẽ chỉ còn tám đội nam, tám đội nữ”. Khi giải vô địch quốc gia rút gọn như vậy, tính cạnh tranh sẽ cao hơn. Tuy vậy, điều đó có thể khiến nhiều địa phương hết mặn mà đầu tư bóng chuyền, vì đội bóng của mình chỉ đủ sức chơi hạng dưới không lên được chuyên nghiệp, do thiếu nguồn lực con người lẫn tài chính.