Tiêu đề của website

Ngoại binh thật, chất lượng ảo

Ngoại binh thi đấu ra sao khi đến với các đội bóng Việt Nam? Đó luôn là điều được quan tâm hàng đầu từ giới chuyên môn. Thậm chí nhiều đội bóng phải bỏ ra khoản tiền tỉ để nhập tịch ngoại binh nhưng thực tế chất lượng còn không bằng các VĐV nội. Biết là vậy, nhưng các CLB vẫn phải làm ngơ bởi đó là thời điểm cần người nên không còn cơ hội khác để lựa chọn.


Còn nhớ cách đây vài năm, đội bóng đã giải thể là Vietsov Petro luôn đi đầu trong phong trào nhập tịch, hết Irina (Lê Kim Nhung) thì lại đến Katya (Vũ Mai Ka). Sự có mặt của VĐV này trong vai trò 1 VĐV nội ở màu áo Vietsov Petro lập tức khiến các đội “khó chịu”. Tất cả đều chỉ đăng ký với dàn cầu thủ nội “xịn”, đã bị thiệt hơn Vietsov Petro vì thực chất CLB này vẫn sở hữu một tay đập rất mạnh, chỉ khác ở mỗi cái tên. Ở nội dung của nam, bóng chuyền Việt Nam cũng chứng kiến thêm trường hợp nhập tịch nữa là của Supachai (Đinh Hoàng Trai – Tràng An Ninh Bình) và sau này là Kitsada (Nguyễn Văn Đa).

Bỏ ra khá nhiều tiền, Tràng An Ninh Bình mới có được Kitsada Somkane.

Để hô biến một ngoại binh trở thành công dân Việt Nam, cộng với số tiền lót tay, đơn cử như Kitsada Somkane thì Tràng An Ninh Bình phải bỏ ra chi phí không dưới 5 tỉ đồng. Chưa kể, khoảng thời gian sang Việt Nam thi đấu, VĐV này cũng nhận được mức lương khá cao từ 7000 – 8000USD/ tháng, gấp nhiều lần so với VĐV Việt Nam. Thế nhưng, kết quả và chất lượng của VĐV này thể hiện trên sân cũng chỉ trên mức trung bình thua xa những cái tên như Hoàng Văn Phương hay Từ Thanh Thuận.

Chưa kể, với việc bỏ ra chi phí nhập tịch cho ngoại binh quá cao, trong khi lại lơ là chăm lo đời sống cho VĐV nội dễ dẫn đến tình cảnh mất đoàn kết nội bộ. Đơn cử như tại Tràng An Ninh Bình, Giang Văn Đức hiện đang là VĐV thuộc ĐTQG, cây chuyền hai số 1 Việt Nam nhưng lại không hề có chính sách đãi ngộ đặc biệt. Bao năm nay, người đội trưởng cần mẫn của TANB luôn trong tình trạng kiệt sức vì cầy ải quá nhiều, chuyên môn không hề thua kém ngoại binh, nhưng chế độ đãi ngộ lại thua xa.

Nhiều đội bóng muốn sở hữu Từ Thanh Thuận.

Còn nhớ cách đây hơn 2 năm, Tràng An Ninh Bình từng ngã giá chủ công Từ Thanh Thuận với giá trị kỷ lục là 3 tỉ đồng với bản hợp đồng 3 năm. Nhưng Thanh Thuận từ chối để về với Sanest Khánh Hòa. Cho đến bây giờ, mức giá đó với một nội binh như Thanh Thuận vẫn là kỷ lục của làng bóng chuyền nhưng thực tế vẫn chưa thể sánh bằng một ngoại binh Thái Lan nhưng có sự hiệu quả trong thi đấu kém xa.

Bóng chuyền Việt Nam thực tế nếu đánh giá sự chuyên nghiệp vẫn ở mức rất thấp. Bởi vậy, sự thành công của một CLB phụ thuộc nhiều vào việc xây dựng dựa trên nền tảng đào tạo trẻ bài bản. Sự thành công của VTV Bình Điền Long An, Ngân hàng Công thương, Sanest Khánh Hòa, Thông tin LVPB, Thể Công… đều dựa vào tiềm năng VĐV bóng chuyền được khai thác ở khắp các vùng miền. Đó là kế sách hay, vì nó vừa giúp ổn định đội bóng vừa có thể coi như nguồn cung cấp VĐV cho bóng chuyền Việt Nam. Nhập quốc tịch cho VĐV ngoại suy cho cùng cũng chỉ là giải pháp tình thế, giúp đội bóng mạnh lên ở những thời điểm nhất định và tạm giải bài toán khát khao thành tích mà thôi, nhưng tính bền vững về lực lượng thì chưa chắc đã được duy trì. Đấy là chưa kể, cơ hội dành cho những tay đập trẻ đang lên (nếu có) trở nên hẹp hòi và dễ nảy sinh tư tưởng chán nản, buông xuôi.


Tác giả:HUY QUANGNguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều