Tiêu đề của website

Ra đời đội bóng chuyền nữ Xây lắp dầu khí Thái Bình Dương: Đích ngắm chuyên nghiệp

Làng bóng chuyền nữ Việt Nam vừa kết nạp thêm thành viên mới: đội Xây lắp dầu khí Thái Bình Dương. Ít người biết đến sự ra đời này, vì theo như lời HLV trưởng Trần Minh Khang, ông và một vài người bạn tâm huyết muốn làm âm thầm, chẳng muốn khoa trương để lấy tiếng, nhưng dứt khoát chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, đội bóng này sẽ tự tạo cho mình danh tiếng ở đấu trường quốc gia…

Làng bóng chuyền nữ Việt Nam vừa kết nạp thêm thành viên mới: đội Xây lắp dầu khí Thái Bình Dương. Ít người biết đến sự ra đời này, vì theo như lời HLV trưởng Trần Minh Khang, ông và một vài người bạn tâm huyết muốn làm âm thầm, chẳng muốn khoa trương để lấy tiếng, nhưng dứt khoát chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, đội bóng này sẽ tự tạo cho mình danh tiếng ở đấu trường quốc gia…
Có duyên với đội mới! Ai cũng biết, HLV Trần Minh Khang từng có lúc nắm 2 đội bóng nam Quân đoàn 4 và nữ Cao su Phú Riềng. Nhiều người bảo ông giỏi chịu áp lực, vì trong cảnh “một nách 2 con” như thế, sức ép về thành tích là rất lớn. “Mệt lắm chứ, nắm 2 đội bóng cùng chơi ở giải VĐQG năm rồi căng thẳng quá. Rốt cuộc tôi cũng phải xin rút lui, một phần vì nghỉ chế độ trong quân đội, phần nữa vì không tìm thấy cái mới ở đội nữ CS Phú Riềng. Tuy nhiên, tôi lại đi tìm một điều mới mẻ khác, nhưng dứt khoát phải bắt đầu từ con số 0. Nhiều đồng nghiệp nói vui rằng, tôi nghỉ hưu rồi mới làm bóng chuyền thực sự. Ngẫm ra cũng đúng. Tôi còn máu bóng chuyền ngày nào thì còn làm đến cùng”, ông Khang tâm sự.
HLV Trần Minh Khang chỉ đạo cho các học trò trong buổi tập. Ảnh: Dũng Phương
“Ông đổi mới" Nhiều đồng nghiệp gọi HLV Trần Minh Khang là “ông đổi mới”. Ngẫm cũng đúng thôi. Vài năm trước, khi đồng lương hàng tháng của các VĐV bóng chuyền cao lắm cũng chỉ độ 5-5 triệu rưỡi, ông Khang làm một cuộc cách mạng ở đội bóng mới thành lập là Cao su Phú Riềng, với lương thấp nhất trong đội ông là 5 triệu, cao nhất đến 12 triệu đồng/tháng. Cú “chơi ngông” của CSPR khiến nhiều đội bóng nữ bắt đầu cải thiện chế độ cho các đội bóng kể từ năm 2008. Kể từ đó, các “chân dài” không còn cảnh ca thán về thu nhập ít ỏi khi ra sân nữa. V.H
Thực ra ban đầu, ông Khang có ý định giúp Tập đoàn may Việt Nam thành lập đội bóng chuyền nữ. Thế nhưng do quan điểm không đồng nhất, ông đâm nản và tính nghỉ ngơi một thời gian rồi mới trở lại. Tình cờ ngồi hàn huyên với ông Đỗ Trung Thành - Tổng Giám đốc Cty cổ phần xây lắp dầu khí Thái Bình Dương (đóng tại TPHCM), vậy là ý tưởng của ông về một đội bóng mới đã sống lại. Ông Khang bảo, bây giờ tìm được người máu mê đầu tư cho bóng chuyền không dễ, nên khi quan điểm đôi bên gặp nhau, ông bắt tay vào làm liền. Kêu gọi các tay đập từng là trụ cột của VTV Bình Điền Long An như Lương Thu Phương, Trịnh Thị Thu Dung, Trần Mỹ Linh, Phạm Anh Thư… Mời chủ công Lê Thị Lan từ đội Thanh Hóa, Vũ Hoàng Yến (Hà Nội) về, cộng thêm với cuộc chuyển nhượng một lúc 8 VĐV trẻ của bóng chuyền Hà Nam (tuổi từ 15-17), vậy là ra đời đội bóng mới vào ngày 1-1-2011. “Tôi xin nói ngay, các cầu thủ trẻ này sẽ để dành cho tương lai, còn trước mắt, những vị trí chủ chốt sẽ do các VĐV dày dạn kinh nghiệm đảm nhận. Tôi muốn có một đội ngũ kế thừa đàng hoàng, không làm theo kiểu một vài mùa rồi bỏ”, HLV Trần Minh Khang bày tỏ. Ông Khang lo tất tật mọi chuyện, từ mời các trợ lý Đặng Đức Xuyên, Đỗ Thị Mỹ Linh, đến thương thảo chế độ lương, thưởng cho 16 VĐV. Cầu thủ trẻ hưởng mức 5 triệu đồng/tháng, cầu thủ dự bị là 8 triệu đồng/tháng, trong khi đội hình chính nhận từ 10-12 triệu đồng/tháng. Ngoài chuyện chế độ, HLV Trần Minh Khang đi thêm nước cờ mà nhiều người phải nể, đấy là thuyết phục nhà tài trợ khẳng định “đầu ra” cho các cầu thủ, sau khi cống hiến cho đội bóng phải có được việc làm tại Cty CP xây lắp dầu khí Thái Bình Dương: “Đầu ra sau khi một VĐV nghỉ thi đấu rất quan trọng. Chỉ khi đã yên tâm với chế độ hiện tại và công việc ở tương lai, VĐV mới dành hết sức cho cuộc chơi. Các VĐV cũng giống như con, cháu mình thôi, để chúng thất nghiệp sau khi chơi bóng chuyền thì quá buồn. Vì thế, nếu lo trước được cho mấy đứa, tôi sẽ làm hết mình”. Dứt khoát phải chuyên nghiệp! Hỏi ông Khang, vì sao trong bối cảnh làng bóng chuyền nhiều sóng gió và nhiều người bắt đầu nản với cơ quan đầu não là Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV), ông còn theo đuổi huấn luyện làm gì? Ông cười: “Kệ chuyện của VFV, việc tôi tôi cứ làm. Nói thật, vừa máu làm bóng chuyền, vừa phải kiếm đồng ra đồng vào, chứ chẳng lẽ về nghỉ rồi chờ lương hưu”.
Đội bóng XLDK Thái Bình Dương trong buổi tập chiều qua. Ảnh: D.P
Đại bản doanh của đội nữ Xây lắp dầu khí Thái Bình Dương thời gian đầu sẽ là Trung tâm HLTTQG TPHCM và chi phí cho năm đầu tiên thành lập lên đến 6,5 tỷ đồng (bao gồm cả chi phí chuyển nhượng các cầu thủ trẻ của Hà Nam), một mức đầu tư mà nhiều đội bóng khác phải thèm muốn. Năm tới, nếu sớm thăng hạng từ A1 lên đội mạnh, đội sẽ có được cơ ngơi mới ở quận Thủ Đức. “Tôi sẽ làm đội bóng này theo mô hình chuyên nghiệp. Tin hay không thì tùy, nhưng thời gian sẽ kiểm chứng chúng tôi. Dứt khoát sẽ phải như thế. Bóng chuyền Việt Nam lúc này đang tranh tối, tranh sáng, nhìn đâu cũng thấy nhàn nhạt, nên tôi quyết làm cho được, cho khác với hiện tại”, ông Khang nhấn mạnh. Hôm qua, lần đầu xem đội bóng non trẻ này tập luyện khá hào hứng, thầy trò cùng vui vẻ, không có sự cách biệt về đẳng cấp, người viết cũng dấy lên niềm tin rằng, rồi đây cái tập thể được “lắp ghép” ấy sẽ trở nên một tập thể đáng chú ý ở sân chơi quốc gia. Vạn sự khởi đầu nan, vấn đề chỉ là ông Khang và “tụi nhỏ” của ông chứng minh sự tiến bộ của mình ra sao mà thôi…

Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều