Tiêu đề của website

Vất vưởng đến bao giờ?

Động lực gì khiến đội bóng chuyền nam Long An trong tình cảnh khó khăn càng mạnh mẽ? Có ngay câu trả lời, rằng tập thể ấy không còn cách nào khác là trần lưng ra mà thi đấu, bất cứ giải nào được mời cũng tham dự để… kiếm tiền! Đấy là điều bất khả kháng.

Động lực gì khiến đội bóng chuyền nam Long An trong tình cảnh khó khăn càng mạnh mẽ? Có ngay câu trả lời, rằng tập thể ấy không còn cách nào khác là trần lưng ra mà thi đấu, bất cứ giải nào được mời cũng tham dự để… kiếm tiền! Đấy là điều bất khả kháng.
Thi đấu, nói như HLV Nguyễn Văn Hải, học trò của ông nếu đoạt giải, còn kiếm được “đồng ra, đồng vào”, bớt căng thẳng đi một chút trước cuộc sống đầy khó khăn. Thành ra, đội bóng chuyền nam mừng nhất là được mời đi thi đấu. Nếu chỉ tập chay ở nhà, vừa không có tiền, vừa sinh ra tâm lý chán nản. Có một thực tế là ngay từ lúc nhà tài trợ Hoàng Long chuyển giao về lại Sở VH-TT-DL Long An, đội bóng chuyền nam thậm chí còn rơi vào tình cảnh long đong hơn. Lương bổng thường phải chờ dài cổ mới có nhỏ giọt. Thậm chí nhiều tháng các VĐV phải tự xoay sở, xin tiền nhà để đi tập và sinh hoạt. Thế nhưng, các tay đập từ đội trưởng Phước Tiến, đến Quang Khánh, Văn Tuấn, Hoàng Huy, Thanh Tùng, Thanh Bình… không hề dám kêu ca. Ai cũng hiểu, thầy của họ - ông Nguyễn Văn Hải - đã cố hết sức để thuyết phục, chạy vạy khắp nơi, đặc biệt là ở “cửa” Sở VH-TT-DL tỉnh để kiếm tiền nuôi đội qua ngày, nhưng “nghèo vẫn hoàn nghèo”. Thành ra, các cầu thủ Long An chia sẻ với thầy mình là chính, không ai dám than trước, kêu khổ sau. Các buổi tập vẫn diễn ra đầy tiếng cười. Chỉ có điều, những tiếng cười ấy không thể che lấp đi một nỗi buồn trải dài mênh mông trong lòng đội bóng này.
Các tay đập Long An giờ đây vẫn đang… sống mòn! Ảnh: Quang Thắng
Đội bóng chuyền nam Long An vừa vô địch Siêu cúp bóng chuyền Việt Nam, lãnh được một khoản tiền thưởng kha khá. Tuy nhiên, chừng 100 triệu đồng bõ bèn gì so với nhu cầu tồn tại của cả một tập thể. Có lẽ, ngay cả khi cùng cực nhất, bóng chuyền nam Long An cũng chưa từng rơi vào trạng thái “phi trọng lượng” như lúc này. Nghĩ mà cám cảnh! Trong lúc chờ tiền lương từ ngành TDTT rót về, trong lúc đợi một nhà đầu tư nào đó nhảy vào cuộc, các cầu thủ nam Long An vẫn cứ khổ, cứ vất vưởng cái đã. Có điều kiện, Ban huấn luyện gật đầu cho cầu thủ đi đánh thuê ở giải hạng A để kiếm thêm thu nhập, ít nhất là ở thời điểm rảnh rỗi hiện nay. Giữa cái khó, có khi đấy lại là giải pháp tốt nhất cũng nên, mặc dù trong lòng mỗi cầu thủ Long An, cũng dấy lên một chút gì đó gọi là tự ái nghề nghiệp. Ở Long An có 2 đội bóng chuyền. Ngoài đội nam còn có nữ VTV Bình Điền Long An. Nhưng rõ ràng, ngay cả khi được nhà đầu tư Hoàng Long rót tiền, đội nam cũng còn lâu mới sánh bằng đồng nghiệp nữ, cả về lương lẫn thưởng. Đấy cũng là điều đáng bàn. VTV Bình Điền Long An có “ông bầu” Lê Quốc Phong máu bóng chuyền, sẵn sàng rót những khoản kinh phí lớn để duy trì đội bóng. Thưởng cũng lớn mà lương cũng không thua kém gì các đội nhà giàu khác ở làng bóng chuyền Việt Nam. Có được một ông bầu như thế chống lưng, còn gì phải lo nghĩ nữa? Trong khi đó, đến giờ này nhiều người vẫn không lý giải nổi vì sao, đội bóng chuyền nam có chuyên môn tốt thuộc diện nhất nhì Việt Nam, dàn cầu thủ tài năng như thế nhưng vẫn không tìm được nhà tài trợ nào chống lưng sau cú “đào thoát” của Tập đoàn Hoàng Long. Vẫn có những chèo kéo từ nhiều đội bóng khác đối với các tay đập xuất sắc như Quang Khánh, Văn Tuấn, Phước Tiến… Có người nói vui, đem chuyển nhượng quách những gương mặt tài năng ấy, đội bóng kiểu gì cũng bỏ túi trên 10 tỷ đồng - nguồn kinh phí đủ để duy trì ít nhất từ 2-3 mùa bóng nữa, đủ để xây dựng lại lực lượng từ dàn cầu thủ trẻ đang phát triển rất nhanh. Nếu thế thật, ngẫm cũng hơi buồn. Nhưng thà như vậy, tập thể ấy còn “cửa sống”, chứ cứ vất vưởng như lúc này, sống ấy là… sống mòn rồi còn gì!

Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều