“Tôi xin nhắc lại và đây cũng không phải lần đầu tôi nói vấn đề này. VĐV thi đấu đỉnh cao thời gian rất ngắn, đa phần chỉ được khoảng 10 năm. Thể thao nói chung và bóng chuyền nói riêng nếu là chuyên nghiệp thì không cầu thủ nào ở mãi một CLB. Thứ nhất, chuyển nhượng cầu thủ làm kích thích giải đấu hấp dẫn hơn, thứ hai VĐV có thêm thu nhập một cách lành mạnh và chính đáng. Và hơn hết, nếu là một giải bóng chuyền tổ chức chuyên nghiệp như các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kì… thì sự xuất hiện ngoại binh là bắt buộc cùng xu thế bởi nó sẽ làm tăng tính hấp dẫn và tạo nên nhiều điều bất ngờ trong chuyên môn.” Ông Đào Hữu Huyền - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Bột Giặt & Hóa Chất Đức Giang cho biết.
Lối thoát nào cho các VĐV bóng chuyền chuyên nghiệp
Ông Đào Hữu Huyền - Một ông bầu rất quan tâm và hâm mộ bóng chuyền.
Bóng đá Việt Nam có những tiêu cực, nhưng hợp đồng giữa cầu thủ và các CLB lại luôn rất minh bạch và rõ ràng. Chính vì vậy, việc một ông bầu có tài chính, có đam mê đi chiêu mộ các cầu thủ giỏi là việc làm không khó. Thế nhưng, bóng chuyền lại ở một lẽ khác, hầu hết các hợp đồng mang tính chất phiến diện một chiều có lợi cho các đơn vị chủ quản. Điển hình như câu chuyện của chủ công số 1 Việt Nam Từ Thanh Thuận, hợp đồng kết thúc, nhưng đơn vị chủ quản nhất quyết không tiến hành thanh lý hợp đồng bởi vậy mới có chuyện tay đập số 1 Việt Nam khóc dở, mếu dở phải nhờ đến báo chí và Liên đoàn BCVN can thiệp.
Bóng chuyền Việt Nam chưa thể khẳng định là môn chơi chuyên nghiệp bởi nếu là một CLB chuyên nghiệp thì họ phải đảm bảo nhiều yếu tố từ việc có NTĐ riêng, có bác sĩ chăm sóc sức khỏe, có truyền thông theo đoàn, có hệ thống đào tạo xuyên suốt từ trẻ cho đến lớn. Và hơn hết, đó còn là một giải đấu chuyên nghiệp từ cung cách tổ chức cho đến điều lệ tham dự giải… Bởi vậy với bóng chuyền Việt Nam hiện nay nhìn một cách tổng quan chưa thể đánh giá là chuyên nghiệp khi vẫn còn mang nhiều yếu tố nửa thành thị, nửa làng quê.
"Bóng đá khác bóng chuyền là mọi hợp đồng đều có thời gian thi đấu cụ thể" HLV Tạ Đức Hiếu
Với cá nhân chuyền hai Hà Thị Hoa cô cũng có những chia sẻ: “Tuổi đời VĐV thi đấu đỉnh cao không dài, bởi vậy bóng chuyền Việt Nam phải có cơ chế mở để các VĐV tài năng có nhiều cơ hội thể hiện và hơn hết họ có quyền kiếm tiền một cách chính đáng ở một môi trường phù hợp hơn với bản thân. Với cuộc sống của tôi hiện nay, thực sự tôi cảm thấy may mắn vì đã có cơ hội đến với Ngân hàng Công thương và chọn đây là bến đỗ cuối cùng trong sự nghiệp VĐV đỉnh cao của mình.”
Trường hợp của Phạm Thị Yến mới đây chia sẻ muốn về đầu quân cho Hóa chất Đức Giang Hà Nội nơi có ông bầu Đào Hữu Huyền xếp thứ 25 trong những đại gia giàu nhất Việt Nam thực tế không phải là dễ. Bởi một phần cô đang là thiếu tá quân đội, hơn hết ở Thông tin Liên Việt Postbank, muốn đầu quân cho một đội bóng khác thì các VĐV phải phục vụ đủ thời gian là 15 năm.