Từ tầm vóc con người, ý chí trong thi đấu, tới sự chuyên nghiệp, bài bản trong cách huấn luyện, chính vì vậy, trường phái bóng chuyền Nhật Bản đang được coi là sự lựa chọn tối ưu cho bóng chuyền Việt Nam thời điểm này.
Đầu tư cho tương lai
Người hâm mộ đang kỳ vọng vào sự thay đổi và cách làm của Liên đoàn BCVN.
“Ở thời điểm hiện tại, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam không đặt nặng thành tích trước mắt. Mục đích thuê chuyên gia Nhật Bản là phục vụ lâu dài công tác huấn luyện cho đội tuyển trẻ. Còn mục tiêu của chúng tôi là làm sao trong vòng 3-4 năm tới, bóng chuyền Việt Nam có được một thế hệ VĐV mới với một lỗi chơi khác so với ở thời điểm hiện tại.” TTK Lê Trí Trường cho biết.
Thật vậy, với việc nhiều cầu thủ hiện nay đã chững lại về chuyên môn. Tức là không thay đổi được lối chơi cũng như kỹ thuật cơ bản cùng tư duy về chiến thuật, việc đầu tư một chuyên gia với 6000 - 7000 USD thực tế sẽ là tốn công vô ích. Thậm chí, nhiều người còn nói rằng, nếu nói “chuyên gia Nhật Bản sang để giúp đội tuyển nữ quốc gia bảo vệ tấm HCB tại SEA Games 29” thì chắc chắn chỉ nhận được sự mỉa mai từ giới làm nghề.
Tuy nhiên, với các cầu thủ trẻ thuộc lứa U19 như hiện nay, kết hợp với những VĐV sinh năm 1997, 1998, nếu được sự hỗ trợ chuyên môn từ phía chuyên gia người Nhật Bản thì kết quả sẽ tốt hơn rất nhiều. Với nhóm VĐV này, từ kỹ thuật cơ bản, thể lực tới việc định hình lại tư duy lối chơi vẫn có thể thay đổi. Đồng nghĩa nếu chiều hướng phát triển theo hướng tích cực, việc chuyên gia đến để giúp phát triển bóng chuyền nữ Việt Nam sẽ làm thay đổi cách nhìn của người hâm mộ về Liên đoàn BCVN lâu nay.
Một vấn đề khác cũng được giới làm nghề quan tâm, rằng vị chuyên gia người Nhật Bản sẽ ở lại với bóng chuyền Việt Nam được bao lâu, bởi kinh phí đầu tư cho bóng chuyền vẫn còn phụ thuộc nhiều về phía Tổng cục TDTT cùng với đó ngay cả cách tư duy rất thời vụ và ngắn hạn của đa số những vị rất kém về chuyên môn trong VFV.
Ở những nhiệm kỳ trước, VFV từng mời nhiều thầy, hứa sẽ giữ chân thật lâu và sẽ giúp bóng chuyền Việt Nam xây dựng lại ngôi nhà theo cách thật bền vững và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, chưa một lần trong suốt hơn chục năm qua, giấc mơ đó thành hiện thực, chủ yếu vì nội bộ của VFV không đoàn kết, vài nhà quản lý quá chuyên quyền và chi phối toàn bộ hoạt động của cả bộ máy.