Tiêu đề của website

Ông Lê Quốc Phong (TGĐ Công ty CP Phân bón Bình Điền): Bóng chuyền sống nhờ các giải đấu

Ông Lê Quốc Phong nổi tiếng là doanh nhân mê thể thao, đầu tư rất nghiêm túc cho CLB VTV Bình Điền Long An, vẫn thường thông qua các hoạt động của bóng chuyền và golf để làm thiện nguyện, giúp người và giúp đời. Chính vì luôn tâm niệm “bóng chuyền tồn tại nhờ các giải đấu”, nên ông Phong và những nhà tổ chức mới duy trì Giải bóng chuyền nữ quốc tế tranh Cúp VTV Bình Điền hơn 10 mùa giải qua.


* PHÓNG VIÊN: Ông thường nói bóng chuyền là cuộc chơi thú vị và rất đáng để đầu tư. Vậy bóng chuyền đã mang lại cho ông những gì sau ngần ấy năm trăn trở?

* Ông LÊ QUỐC PHONG: Nhiều chứ, từ lâu tôi đã coi bóng chuyền như một “người tình” và không hối tiếc khi đã đầu tư cho bóng chuyền. Tôi tìm thấy sự vui vẻ, cảm giác ngọt ngào và cả phút giây hụt hẫng, tiếc nuối khi chứng kiến các VĐV thi đấu dưới sân. Bóng chuyền là môn thể thao giàu tính tập thể và rất đẹp, lôi cuốn. Doanh nghiệp của tôi hưởng lợi nhiều về hình ảnh, thương hiệu phân bón đầu trâu, được cả nước biết đến phần lớn nhờ vào danh tiếng của đội bóng VTV Bình Điền Long An.

Ông Lê Quốc Phong (giữa) trao giải tại Cúp VTV Bình Điền năm 2016. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

* Thời gian qua, không ít doanh nghiệp đã bỏ cuộc chơi, rút lui tài trợ cho bóng chuyền nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng của các giải đấu. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

* Trước hết, chúng ta phải lấy làm mừng vì đến hiện tại hầu hết các đội bóng đang chơi tại giải Vô địch quốc gia đa phần đều khoác áo doanh nghiệp. Tức là bóng chuyền đang làm rất tốt mục tiêu xã hội hóa thể thao. Tham gia đầu tư cho bóng chuyền, trước hết phải xuất phát từ cái tâm của mình, sau đến là vì sự nghiệp của cả nền bóng chuyền nước nhà thì tôi nghĩ mới bền vững. Nếu chỉ làm thương hiệu kiểu chụp giựt, tội nghiệp các địa phương, các VĐV và người hâm mộ nữa. Gần đây, đúng là có nhiều đội bóng giải thể, tôi thật sự thấy tiếc vì điều đó khiến cuộc chơi kém vui. Nhưng ngoài lý do thiếu kinh phí, thiếu sự quan tâm, tôi cho rằng nguyên nhân lớn nhất vẫn là các đội bóng không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về lực lượng, chỉ xây dựng đội để chạy đua thành tích, không đào tạo VĐV trẻ, hoặc xin, mượn VĐV từ nơi khác nên chẳng có gì chắc chắn cả, làm một thời gian thì chán và bỏ thôi.

* Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực cách tân, bóng chuyền Việt Nam thời gian gần đây cũng đã có những tín hiệu tốt đấy chứ, thưa ông?

* Tôi thì vẫn cho rằng bóng chuyền Việt Nam cần cải tổ mạnh mẽ hơn nữa trong công tác quản lý, kêu gọi đầu tư và định hướng phát triển. Trông thì có vẻ ổn, nhưng tiềm ẩn bên trong vẫn là những đợt sóng ngầm, là những trò tiểu xảo không hay và cách làm thiếu căn cơ, không mang tính hệ thống như kiểu mà Thái Lan làm, mang đến thành công ở mọi cấp độ cho họ. Nên nhớ rằng, bóng chuyền muốn tồn tại thì ngoài những yếu tố tài trợ, sự quan tâm, còn phải duy trì những sân chơi trong nước, quốc tế để giúp VĐV được thi đấu thường xuyên, nâng cao trình độ chuyên môn cũng như ý thức tuân thủ kỷ luật…

* Đấy có phải lý do ông và những nhà tổ chức giải bóng chuyền nữ quốc tế - Cúp VTV Bình Điền duy trì liên tục sân chơi này cho đến hôm nay?

* Đúng vậy. Đội bóng cần những trận đấu, VĐV phải liên tục được cọ xát với đối thủ từ tầm thấp đến trình độ cao mới tiến bộ, chứ nếu chỉ tập chay rồi chờ đến giải quốc gia đấu hai vòng tốn chừng 1 tháng thì khá sao nổi. Những nhà quản lý liên đoàn phải hiểu điều này, để luôn sát cánh cùng các doanh nghiệp, tổ chức thêm nhiều giải đấu, vừa tạo nên bầu không khí nhộn nhịp, vừa giúp VĐV Việt Nam đấu trí và đấu sức với VĐV nước ngoài. Cúp VTV Bình Điền mà chúng tôi đang làm đến mùa thứ 11 trên thực tế đã mang lại nhiều thứ cho bóng chuyền nước nhà, là hình ảnh và thương hiệu được đánh bóng, các CLB được thi đấu với nhiều đối thủ mạnh từ Nhật Bản, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Kazakhstan, Hàn Quốc, Thái Lan… thì tự khắc về lâu dài trình độ chuyên môn sẽ tiến bộ lên thôi.


Tác giả:LÊ QUANG (thực hiện)Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều