Sau khi vòng 2 giải bóng chuyền VĐQG 2017 kết thúc, cũng là lúc bức tranh tổng thể của bóng chuyền Việt Nam được vén lên một cách rõ ràng, “cái đáy thuyền” đang rò rỉ ấy thực sự thiếu hụt trầm trọng các VĐV trẻ chất lượng, lẫn HLV có chuyên môn giỏi, các trọng tài hay. Nhưng đâu đó vẫn còn những điểm sáng của những địa phương có sự quan tâm, đầu tư của các cấp lãnh đạo.
Điều quý trọng ở sự trung thành
Sự ổn định của những CLB có sự quản lý từ nhà nước hoặc đơn vị ngành luôn tạo ra sự gắn bó. Trong đó, hình ảnh HLV Nguyễn Quốc Vũ, Thái Quang Lai, Bùi Huy Sơn… tại giải đấu gần đây đã để lại những điểm nhấn. Họ là những người trung thành, khi suốt quãng thời gian làm việc chưa một lần chuyển nhượng sang CLB khác. Họ tập, thi đấu rồi lại trở thành người làm việc cho chính đơn vị chủ quản. Sự ổn định ấy, tất cả đều mong muốn.
HLV Thái Quang Lai một mực trung thành với bóng chuyền nam Khánh Hòa.
Tên tuổi, năng lực, danh dự và đạo đức của HLV Thái Quang Lai là điều mà cả làng bóng chuyền Việt Nam không có gì phải bàn cãi, khi đã tạo dựng nên một đế chế cho bóng chuyền trẻ Khánh Hòa nức tiếng Việt Nam. Thế nhưng, việc đánh cược với tất cả những gì mà mình đang có để giải cứu Hà Tĩnh theo yêu cầu của các cấp lãnh đạo tại vòng đấu chung kết ngược là điều mà không phải ai cũng có thể làm được.
Hà Tĩnh và nhiều đội bóng khác sẵn sàng trả HLV Thái Quang Lai mức lương 40 triệu đồng/ tháng và nhiều khoản trợ cấp khác chỉ để có được chữ ký. Thế nhưng, bỏ qua tất cả tiền bạc, thầy Lai vẫn quyết định trung thành với bóng chuyền Khánh Hòa dù hiện tại HLV này vẫn chỉ đóng vai trò là HLV trưởng tuyến trẻ.
HLV Nguyễn Quốc Vũ trưởng thành hơn sau 2 mùa giải nắm đội.
Tại VTV Bình Điền Long An, HLV Nguyễn Quốc Vũ cũng là một trường hợp điển hình tương tự. Xuất phát từ cái nôi của bóng chuyền nam Long An, sau khi nghỉ thi đấu đã được lãnh đạo đặc phái sang đội bóng nữ công tác. Thầy Vũ ngay từ những ngày đầu bắt tay vào công việc đã thể hiện rõ sự trung thành tuyệt đối với đơn vị chủ quản.
Từ hơn 10 năm trước, khi bắt đầu gắn bó với vai trò trợ lý, VTV Bình Điền Long An không ngán bất cứ đối thủ nào. Nhưng, thời gian với nhiều thay đổi, đội bóng này với nhiều thăng trầm và một lần nữa lãnh đạo đã đặt trọn niềm tin khi quyết định trao lĩnh ấn cho HLV Nguyễn Quốc Vũ với vai trò thuyền trưởng. Và đến thời điểm hiện tại, chí ít quyết định đó là đúng đắn khi có sự nỗ lực lớn từ cả hai phía.
HLV Bùi Huy Sơn vượt qua nhiều khó khăn sau khi nắm đội Thông tin Lienvietpostbank.
Sau khi ông Phạm Văn Long chia tay Thông tin Lienvietpostbank để đến với đội bóng mới Kinh Bắc, HLV Bùi Huy Sơn đã được chỉ định lên thay. Xuất thân từ bóng chuyền quân đội, bước qua sân đấu mới, trách nhiệm là không nhỏ. Như với HLV Bùi Huy Sơn phần nào cũng có cả áp lực. Bởi, lực lượng đội bóng áo lính khá mỏng khi đang bước vào thời kỳ chuyển giao thế hệ. Thế rồi, cái khó nào nếu nỗ lực cũng có thể vượt qua, thử thách nào nếu quyết tâm cũng có thể thực hiện và Thông tin một lần nữa đã có mặt ở trận chung kết.
Ở bóng chuyền, VĐV sau khi hết sự nghiệp chuyển qua công tác huấn luyện đã có rất nhiều trường hợp, vì thế, sự chuyển đổi không phải lạ. Tuy nhiên, trong thời điểm bóng chuyền Việt Nam đang chuyển mình lên hình thức chuyên nghiệp thì họ đáng được coi là những tấm gương cho lớp VĐV trẻ.
Trong sự chuyển mình ấy, doanh nghiệp bước vào làm bóng chuyền không hiếm. Đó là khi, tiếng gọi chuyển nhượng đã hấp dẫn hơn. Mặc dù, thực tế đã xảy tới rất nhiều “miền đất hứa” sớm tự giải thể hoặc khó khăn vì khoản đầu tư của các ông chủ không còn hiệu quả.
Vì vậy, bản thân đội bóng doanh nghiệp không bao giờ tìm được sự trung thành của cầu thủ. Thế nhưng câu chuyện của 3 HLV là Thái Quang Lai, Nguyễn Quốc Vũ, Bùi Huy Sơn tại ba đội bóng có sự hậu thuẫn của doanh nghiệp lại là những trường hợp ngoại lệ về sự trung thành.