Tiêu đề của website

Từ Chủ nhật đến Chủ nhật: GIẢ VÀ THẬT

Giải bóng chuyền Vô địch quốc gia năm nay cứ ngỡ sẽ trôi đi trong yên bình và trật tự sẽ không đổi khác vì nhóm những đội bóng hàng đầu vẫn chiếm ưu thế. Tính trung thực, những cuộc đấu trí sòng phẳng, đôi công thoải mái, không khúc mắc hoặc chơi trò tiểu xảo sẽ có dịp được thăng hoa. Song, rắc rối đã nảy sinh, và dù điều đó chưa thay đổi được cục diện của cả nội dung nam lẫn nữ, thì cũng giúp giới làm nghề cũng như người hâm mộ hình dung được bóng chuyền đang ẩn chứa những cơn sóng ngầm chực chờ trào lên…


Nhiều trận đấu bóng chuyền ở giải VĐQG giả mà như thật.

Đấy là câu chuyện sát phạt từ phi vụ cố tình “lật kèo” giữa Hà Tĩnh và Tràng An Ninh Bình. Đấy là sự việc đội bóng Tây Nguyên“vùi dập” Thanh Hóa dù theo thỏa thuận ban đầu là “chị nhường em”. Thậm chí, trận bán kết nữ giữa đội đương kim vô địch Ngân hàng Công thương gặp Thông tin LVPB từng được ví là 1 trong những “trận derby” quan trọng của làng bóng chuyền nữ Việt Nam cũng bị cho là “có mùi”. Và đấy là những phàn nàn của các HLV, VĐV về tính trung thực trong tiếng còi của một số trọng tài đang tham gia điều hành vòng 2 và Vòng chung kết năm nay tại Tây Ninh cũng như Đắk Lắk.

Giới làm nghề thì nhìn là biết ngay trận đấu nào “có vấn đề”, đội bóng nào đang “diễn kịch”, VĐV nào đang “diễn rất sâu” và trọng tài nào đang cầm còi có phần thiên lệch… Giới quản lý bóng chuyền Việt Nam, các giám sát trận đấu cũng như Ban trọng tài cũng hiểu rất rõ những lối ngang, ngõ tắt hay các trò tiểu xảo, vay-mượn ở phía hậu trường giải Vô địch quốc gia và thậm chí diễn ra ngay cả trên sân thi đấu.

Nhưng như đã đề cập nhiều lần, khi thượng tầng quản lý của bóng chuyền không đáng tin, thì dĩ nhiên “hạ tắc loạn”. Đấy là thực tế đang tồn tại ở Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV). Vai trò của ông Chủ tịch Liên đoàn, của các vị Phó Chủ tịch quá mờ nhạt (nếu không muốn nói là thiếu trách nhiệm về chính vị trí được giao phó), hoặc để một cá nhân không còn quá coi trọng giá trị tập thể điều khiển và chi phối hoạt động.

Thử hỏi ở thượng tầng như thế thì làng bóng chuyền sao không xao động và ẩn chứa những điều thật-giả lẫn lộn. Tất nhiên, chỉ tội nghiệp cho khán giả, những người yêu say đắm bóng chuyền và dành cho các đội bóng, HLV cũng như VĐV thứ tình cảm chân thật, tinh thần cổ động nhiệt tình.

Vòng 2 giải Vô địch quốc gia luôn được cho là tâm điểm của cả mùa bóng, xuất hiện khá nhiều “điểm nóng” vì đây là thời khắc quyết định danh hiệu vô địch cũng như những tấm vé trụ hạng. Thế cho nên, những đội bóng yếu thế phải vận dụng mưu lược để tồn tại. Mà muốn tồn tại thì phải nhờ vả các đội bóng mạnh hơn và dư dả về điểm số nhường cho 1-2 ván thắng.

Nhiều HLV cho biết họ từng khóc hận vì tình trạng cứu nhau xảy ra ở thời điểm mang tính quyết định của mình bóng, khiến đội bóng của họ dù chơi trung thực và đàng hoàng rốt cuộc cũng ngậm ngùi chịu rớt xuống giải hạng A. Bóng chuyền, nói như vị HLV nọ, rất dễ “làm tuồng”, bởi đôi khi chỉ cần một động tác né bóng, cố tình trượt ngã hoặc đệm bóng hụt của VĐV, kiểu thay thế các vị trí chủ lực đang đánh trên sân bằng VĐV dự bị từ HLV… là đủ để quyết định một trận đấu.

Lâu dần, người trong giới bóng chuyền bảo rằng tiểu xảo và những trò lố đã trở thành thói quen, ăn sâu và bám rễ vào tư duy của không ít người đang trực tiếp tham gia vào phong trào bóng chuyền Việt Nam. Tính trung thực vì thế đã chẳng còn được đề cao tuyệt đối ở các vòng đấu thuộc Giải Vô địch quốc gia thường niên nữa rồi…


Tác giả:LÊ HÙNGNguồn: SGGP
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều