Tiêu đề của website

Một thời để nhớ: Anh Tuấn Thái Bình

Làng thể thao cũng lắm người tài và chân lí này đã được thừa nhận từ lâu. 


Làng thể thao cũng lắm người tài và chân lí này đã được thừa nhận từ lâu. Nó được tô đậm hơn mỗi khi giới thể thao tập trung dài ngày trong một chiến dịch lớn, bởi nơi ấy sẽ là chỗ phát tiết các phẩm chất đáng yêu của những nhà thể thao chân chính và cách đây đã hơn 40 năm, tôi có may mắn tận mắt chứng kiến điều này với tư cách là một người trong cuộc.

Người đàn ông ấy có một bản trích ngang khá thú vị. Ông sinh ngày 2-12-1937 tại Tiền Hải, Thái Bình. Tuổi trẻ sôi nổi, đẹp trai yêu thể thao và nhất là bóng chuyền nên từ năm 1956 ông đã là HLV các đội phong trào ở quê hương, cho đến năm 1958 chính thức là thuyền trưởng đội bóng chuyền nữ Thái Bình-một thương hiệu của BCVN những năm sau đó. Năm 1967, HLV ấy được triệu tập lên tuyển và là HLV phó đội tuyển nam quốc gia, bên cạnh HLV trưởng Lý Đức Kim. Sau đó, ông trở về tiếp tục xây dựng phong trào bóng chuyền ở quê hương 5 tấn và có thêm 2 lần lên tuyển dẫn dắt đội nữ Việt Nam vào các năm 1972 và 1984, HLV phó là Nguyễn Ngọc Mạnh, tức Mạnh “hói”. Người con trai Thái Bình ấy là anh Phạm Tuấn, người mà hễ nhắc đến anh, tôi không sao quên được tình cảm và ấn tượng về hình ảnh mà anh đã để lại trong tôi.   

…Đó là kỳ tập huấn dài ngày của Đoàn TTVN tại Thượng Hải, Trung Quốc, với quân số hùng hậu hơn 200 con người, ở vào thời chiến mà có đến chừng ấy là rất “hoành tráng”, rải ra với nhiều môn như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, bóng rổ, bơi lội, nhảy cầu, điền kinh, bắn súng (đội này sau đó chuyển lên Bắc Kinh) và chỉ bóng rổ và bóng đá là không có nữ. Hồi đó (1967), TTVN chưa phát triển những môn võ thuật như bây giờ. Đoàn ta tập trung dài hạn, theo mục tiêu là chuẩn bị cho GANEFO II tổ chức ở Ai Cập, tuy nhiên sau này do chiến tranh mà Đại hội lần 2 các nước mới trỗi dậy đã bị hủy bỏ và ai về nhà nấy.Thời gian tập huấn có cả 2 ngày Quốc khánh của Việt Nam (2-9) và Trung Quốc (1-10), thế nên những sinh hoạt ngoại khóa được đẩy mạnh và rất thiết thực. Phần  âm nhạc, Đoàn có nhiều giọng ca hay, nhất là nam, gồm có các anh Nguyễn Ngọc Điệp, Nguyễn Năng Sơn, Lê Đình Phụng, Nguyễn Văn Nghiêm, Hoàng Vĩnh Giang, Lê Văn Đán…và tôi có may mắn đệm đàn cho họ hát say sưa và rất hay trên đại chiến hạm Thái Bình của hải quân Trung Quốc hay ở hội trường khi tổ chức lễ kỷ niệm, Đoàn cũng có nhiều tiết mục khác như hoạt cảnh Cách mạng Tháng Tám, múa Tân Cương, hề và các đơn ca hấp dẫn. Tuy nhiên, tôi muốn nhắc đến một hoạt động khác, là tờ báo tường rất đẹp và phong phú mà chúng tôi “sản xuất” ngay trên đất bạn. Người trình bày tờ báo đó là anh Phạm Tuấn, khi ấy là HLV phó đội tuyển BC nam, còn HLV trưởng là anh Lý Đức Kim.

Những kỷ niệm xưa, khi nhớ lại sao mà xúc động đến thế! Hồi ấy, sau những giờ tập luyện, bọn tôi người BC, người BR, người ĐK lại về phòng họp, chỗ đang trải rộng 2 tờ giấy rô-ki lớn rồi bắt tay làm báo tường. Anh Tuấn viết đẹp và vẽ đẹp lắm. Anh luôn có mấy hộp mầu nước đem theo, bút lông có sẵn và các kiểu ê-ke, thước, tẩy…và chúng tôi bóp đầu mãi mới ra tên tờ báo là Tiến lên. Rồi sau đó anh Tuấn đã viết 2 tiếng ấy thật trang trọng trên góc trái tờ báo tường bằng màu đỏ và xanh dương rất bắt mắt mà nếu tôi không nhầm thì sau khi kết thúc đợt tập huấn, anh Hoạt Trưởng Đoàn cho đem tờ báo ấy về treo ở phòng truyền thống Trường Huấn luyện, tiếc là khi sơ tán, tờ báo kỷ niệm đã bị thất lạc. Bây giờ mà đọc hai tiếng ấy lên sẽ có nhiều người cười nụ cho là cổ lỗ song nếu ở vào thời điểm ấy, trong bối cảnh nước bạn thì Đại cách mạng văn hóa vô sản còn trong nước là cuộc kháng chiến chống Mỹ, ta mới thấy cụm từ Tiến lên nó háo hức và ý nghĩa như thế nào, nhất là với những cán bộ chiến sỹ trên mặt trận thể dục thể thao. Tờ báo có nhiều mục, trong đó những mục nào có thể đều được rút tít và vẽ minh họa, cái này cũng là việc của anh Tuấn, thôi thì màu xanh màu đỏ hay màu vàng, anh cứ việc tô vẽ rất đa dạng. Tờ báo quả là kỷ niệm của một thời để nhớ, tuy nhiên chính từ kỷ niệm ngọt ngào ấy mà về sau này, tôi được biết rõ hơn về anh Tuấn với tư cách là một nhà thể thao chân chính, lại là một con người đôn hậu, giàu tình cảm và cũng chẳng thiếu mộng mơ.

Trong cuốn lịch sử BCVN, anh Phạm Tuấn thuộc hàng gạo cội, với kỷ lục 35 năm là thành viên BCH Hội BCVN và Liên đoàn BCVN. Anh là người thày cho cả các đội nữ và nam, khoảng 20 năm huấn luyện ở phái đẹp và 15 năm với phái mày râu, trong đó có 3 lần HLV trưởng đội tuyển nữ và chừng ấy năm lăn lộn với phong trào, anh nhận được rất

nhiều phần thưởng. Ngay khi đã về hưu năm 1994, anh Phạm Tuấn còn tham gia giúp đỡ phong trào BC cho 4 tỉnh và một số ngành, từ trung ương đến địa phương.

Cựu danh thủ Phạm Quang Tuyến, nguyên Phó chủ tịch Liên đoàn BCVN đã trân trọng nhắc đến anh Phạm Tuấn bằng những tình cảm tốt đẹp nhất. Theo ông Tuyến, anh Phạm Tuấn là người có công lớn đối với BC xứ mình, nhất là đối với phong trào của quê hương Thái Bình. Về phần mình, tôi biết anh Tuấn từ dạo ấy, lại từng xem chị Thoan vợ anh thi đấu ở trên sân mà vẫn xinh tươi điệu đàng chẳng kém ai. Chị Thoan là đội trưởng đầu tiên của đội nữ BC Thái Bình, chơi phụ công (tay chiêu) sau chuyên trách chuyền hai và đã mất từ năm ngoái. Anh chị sinh ra 3 người con trai và trưởng nam Phạm Thanh Hải nay là Trung tá Trưởng đoàn TDTT của quân chủng Phòng không Không quân, sau nhiều năm làm công tác huấn luyện đã tiếp thu những nét đẹp của cha mẹ và đang đi tiếp trên con đường mà anh Tuấn, chị Thoan để lại.

NGUYỄN LƯU


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều