Trong bài viết “Quái kiệt bóng chuyền”, nhà báo Nguyễn Lưu đã xem danh thủ Đào Hữu Uyển là nhân vật dẫn đầu trong số những danh thủ bóng chuyền mà ông biết. Tuy nhiên còn nhiều bạn trẻ chưa biết rõ về quái kiệt này, chúng tôi giới thiệu tiếp bài viết dưới đây của nhà báo Nguyễn Lưu - một pho sử sống của bóng chuyền Việt Nam.
Danh thủ Đào Hữu Uyển
Trong bài viết “Quái kiệt bóng chuyền”, nhà báo Nguyễn Lưu đã xem danh thủ Đào Hữu Uyển là nhân vật dẫn đầu trong số những danh thủ bóng chuyền mà ông biết. Tuy nhiên còn nhiều bạn trẻ chưa biết rõ về quái kiệt này, chúng tôi giới thiệu tiếp bài viết dưới đây của nhà báo Nguyễn Lưu - một pho sử sống của bóng chuyền Việt Nam.
-----
Sinh ngày 27-9-1940 tại Thái Bình, một trong những chiếc nôi của BCVN, Đào Hữu Uyển đã sớm đến với môn thể thao này và đi suốt cuộc đời cùng với bóng chuyền, để lại một sự nghiệp rất đáng tự hào, xứng đáng được xem như một huyền thoại của làng bóng chuyền Việt Nam.
Sự nghiệp của một cầu thủ lớn
Chơi bóng chuyền đỉnh cao từ năm 1959 và đến năm 1960 đã được tuyển vào Trường huấn luyện TDTT Trung ương (Nhổn) và nhanh chóng trở thành một gương mặt xuất sắc, có vai trò quan trọng của đội tuyển nam Việt Nam DCCH suốt từ đó đến cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Tham dự Đại hội Ganefo 1963 tại Jakarta, góp phần quan trọng đưa đội nhà giành hạng Tư, chỉ dưới các đội Trung Quốc, Triều Tiên, Li Băng và đứng trên nhiều nước khác. Sau đó, tại Đại hội Ganefo châu Á năm 1966 tổ chức ở Campuchia, cùng đội nam Việt Nam giành HCĐ (xếp sau 2 đội Trung Quốc và Triều Tiên), được Quốc trưởng Norodom Xihanuc đặc biệt khen ngợi, khi về nước đã cùng một số người được Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp tại Phủ Chủ tịch. Năm 1980, ông Uyển bảo vệ luận văn loại giỏi tại CHDC Đức và trở thành HLV bóng chuyền cao cấp đầu tiên ở Việt Nam, từ đó phụ trách bộ môn bóng chuyền của ngành thể thao và nhiều năm là HLV trưởng ĐTQG thi đấu tại các giải quốc tế và khu vực. Cùng với bảng thành tích vẻ vang về chuyên môn, nhà thể thao Đào Hữu Uyển còn là tác giả của bản đề án “Quy hoạch phát triển môn BCVN từ năm 1996-2005” và nhận nhiều bằng khen và huân, huy chương các loại, được bạn bè, đồng nghiệp quý mến và xem trọng. Tuy nhiên, nhắc đến Đào Hữu Uyển, đông đảo những người hâm mộ môn thể thao ấy đều không thể quên những kỷ niệm, hình ảnh và vẻ đẹp từ môn bóng chuyền mà ông đã để lại cho họ.
Số một trong các số một
Nói đến những cầu thủ cừ khôi của BCVN, người ta có thể kể đến những tên tuổi đáng tự hào như Trần Minh Khang, Lê Hồng Hảo, Ngô Văn Kiều... song nếu xét một cách toàn diện thì Đào Hữu Uyển là một trường hợp đặc biệt xuất sắc và rất khó có ai so sánh nổi. Trên sân bóng, người trai sinh ra từ quê hương 5 tấn đã chứng minh được một chân lý: Bằng ý chí, nghị lực và một tố chất tốt, người ta hoàn toàn có thể làm được mọi kỹ năng hoàn hảo và vượt qua những thời khắc gian nan nhất. Đào Hữu Uyển tấn công bằng cả 2 tay, biết đánh đủ thứ “đòn”, là người tiên phong vận dụng các kỹ năng bóng chuyền ở độ khó cao và đặc biệt là khả năng chuyền hai tuyệt hảo đến nay chưa ai sánh nổi. Tại Ganefo châu Á, do phát lực tấn công mạnh đến mức bàn tay bị toác, vết rách từ khe ngón tay vào sâu gần 10cm, máu tứa ra, đau đớn, ngất lịm đi một lúc, vậy mà cầu thủ mang số 1 của đội Việt Nam chạy vào xin ý tế băng chặt vết thương và tiếp tục ra trận, góp công đem lại trận thắng 3/2 trước đội chủ nhà mạnh mẽ. Tan trận, đích thân ngài Quốc vương Norodom Xihanuc đã ra sân bắt tay khâm phục...
Tôi nhớ như in hai kỷ niệm cùng ông Uyển. Trong một trận đấu tổ chức ở sân Hàng Đẫy (khoảng đất phía sau cầu môn) và vào một buổi chiều mùa hè giữa đội của anh Uyển và Thể Công. Sau cú phát khá ác của đội bạn, một đồng đội của ông đã đỡ bước một không tốt, chuyền hai Đào Hữu Uyển chạy vọt xuống vị trí số một, khom người chuyền ngược trái bóng lên cho đồng đội tấn công biên ở vị trí số 4, khán giả hôm ấy nhìn rõ trái bóng như đứng trên cao, trên thân bóng có in rõ mồn một hai chữ Thương Hải. Nên nhó trái bóng hồi ấy to và nặng hơn trái bóng bây giờ. Lần thứ hai là trận đấu với Bát Nhất, Trung Quốc, ông Uyển đã lớn tuối và được đi học chuyên tu tại ĐH TDTT Từ Sơn nhưng vẫn được Thể Công mời về và là thủ quân của đội bóng quân đội. Hiệp chót, chuyền hai họ Đào tung ra 3 quả đánh quyết định, trong đó có cú móc câu bằng tay trái vì bóng chuyền chưa tốt và tất cả đều trúng đích. Kết thúc trận đấu, do phấn khích và quá thán phục, lại quen biết từ trước, tôi tới gặp và hỏi ông rằng “Chơi mấy quả rất khó như thế anh có sợ không?”; người hùng của trận đấu tự tin trả lời tôi “Sợ chứ, nhưng tôi biết rằng bên kia lưới “nó” còn sợ hơn tôi”. Thật đáng nể!
Nửa thế kỷ đồng hành cùng bóng chuyền Việt Nam, “gia tài” mà ông để lại xứng đáng với danh hiệu huyền thoại bóng chuyền và ngày 29-4-2009, thừa lệnh Chủ tịch nước, Bộ trưởng Văn hóa-Thể thao-Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã trân trọng trao tấm Huân chương Lao động cho nhà thể thao tiêu biểu Đào Hữu Uyển.
Nguyễn Lưu