Tiêu đề của website

Đôi uyên ương bóng chuyền

Đại gia đình bóng chuyền Việt Nam có những cặp uyên ương đẹp, hai vợ chồng đều là tuyển thủ, song một cặp uyên ương bén duyên đến mức cùng nhau bước lên bục cao nhận HCV trong 2 kỳ Đại hội TDTT toàn quốc rồi cùng lên tuyển, sau đó nên vợ nên chồng và sinh quý tử để nối nghiệp cha mẹ thì quả là sự hiếm.


Đại gia đình bóng chuyền Việt Nam có những cặp uyên ương đẹp, hai vợ chồng đều là tuyển thủ, song một cặp uyên ương bén duyên đến mức cùng nhau bước lên bục cao nhận HCV trong 2 kỳ Đại hội TDTT toàn quốc rồi cùng lên tuyển, sau đó nên vợ nên chồng và sinh quý tử để nối nghiệp cha mẹ thì quả là sự hiếm.

Phạm Thị Rệt sinh ngày 13/4/1961 tại vùng mỏ Hà Lầm, Quảng Ninh. Vừa tự hào vừa hóm hỉnh, Phạm Thị Rệt kể rằng cha mẹ làm nghề chui lò, nhà nghèo nên từ bé đã phải giúp mẹ đi chợ. Mỗi sớm, cô bé cứ “quẩy một gánh rau nào là cải, nào là xu hào xà lách, nhà trồng đem bán lấy tiền đong gạo”. Một ngày HLV Nguyễn Thị Cẩm (khi ấy đang phụ trách CLB bóng chuyền vùng Than) phát hiện và đưa cô đến với bóng chuyền. Vậy là trung tuần tháng 12/1976, Rệt chính thức vào tập cùng với Ngọc Bích, Ái Hợi… và chỉ một năm sau, do tân binh này tiến bộ quá nhanh nên đã được đôn lên đội hình “chính thức” để bắt đầu cuộc trường chinh bất tận và tràn đầy niềm vui của cô gái vùng mỏ.

Có thể nói, trường hợp của Phạm Thị Rệt là một bất ngờ ngọt ngào, bởi chẳng bao lâu sau khi vào đội nữ vùng Than, năm 1978 cô đã được lên tuyển. Phạm Thị Rệt không sao quên được cái thời điểm đáng nhớ khi được gọi lên đội tuyển và đi Triều Tiên tập huấn.

Trên sân bãi, lúc tập luyện cũng như khi xuất trận, Phạm Thị Rệt là một mẫu vận động viên lý tưởng ở sự mạnh mẽ cả về thể chất lẫn tinh thần. Dường như phẩm chất của người thợ được thừa kế từ cha mẹ đã khiến Rệt luôn thể hiện đúng cái bản ngã của cô gái ấy trong mọi trường hợp, khi thành công cũng như lúc gian nan. Nếu Khâu Mỹ Mỹ là người tiên phong thử nghiệm thành công cú đánh nhanh từ những năm 66 - 68 của thế kỉ 20 thì sau đó, Phạm Thị Rệt, với chiều cao 1m70 lại là người đầu tiên dám đánh các quả tấn công từ sau vạch 3m, thứ vũ khí mà đến bây giờ đang được xem là thời thượng của làng bóng chuyền. Không chỉ có thế, cô gái duyên dáng với nét mặn mà của vùng biển lại thành thục nhiều thứ “võ” khác, từ đánh nhanh, trung bình cho đến động tác bỏ nhỏ điêu luyện, kể cả phong cách thi đấu lăn xả trong phòng thủ và nhìn chung thì Phạm Thị Rệt là một cầu thủ toàn diện.

Năm 1989 đánh dấu mốc son của thể thao Việt Nam khi tái hội nhập với thể thao khu vực và ngay tại SEA Games 15, tổ chức ở Kuala Lumpur, Malaysia. Đội hình thi đấu chính thức (từ số 1-số 6) gồm có: Nguyễn Thị Thúy Oanh, Nguyễn Thu Hương, Phạm Thanh Nhận (cùng của Bộ TLTT), Bùi Lan Anh, Nguyễn Thị Loan, Phạm Thị Rệt (Than Quảng Ninh). Cũng từ đó, chiếc hộ chiếu của cô gái vùng mỏ đã dày thêm tên gọi của những quốc gia mới. Từ ngày 1-4-1987, sau nhiều năm chinh chiến gần xa, Phạm Thị Rệt đã về với CLB mới, Bưu điện Hà Nội. Tại đây, cô đã cùng đồng đội lấy HCV tại 2 kỳ Đại hội TDTT toàn quốc liên tiếp 1985 và 1990 mà cuộc đời còn mở ra trước mắt danh thủ ấy những hướng đi mới.

Nữ danh thủ đất mỏ nhớ lại, khi cùng tập huấn đội tuyển quốc gia tại Khu tập huấn TDTT Trung ương (nay là Trung tâm HLTT quốc gia Hà Nội) vào năm 1980, Phạm Thị Rệt gặp tuyển thủ bóng chuyền nam Lê Thanh Sơn. Sau nhiều ngày cùng trên một chiến hào và sự đồng cảm cao, họ quyết định gắn bó cuộc đời với nhau bằng đám cưới ngọt ngào năm 1984.

Lê Thanh Sơn sinh ngày 1/4/1957 tại Gia Lộc, Hải Dương, trong một gia đình không có ai theo nghiệp thể thao. Vậy mà, Sơn đã sớm bộc lộ ham muốn chơi thể thao và trong một lần tham dự giải điền kinh học sinh phổ thông tỉnh Hải Dương, khi thi nhảy cao và ném tạ, anh đã lọt vào mắt xanh của “điệp viên” Nguyễn Nhật Hùng (Thể Công) khi ông này đi thị sát các địa phương để tìm kiếm nhân tài cho CLB Thể Công. Chẳng bao lâu sau, Lê Thanh Sơn vinh dự khoác áo CLB Thể Công lừng danh, cùng lứa với Bùi Quang Ngọc, sau này là Giám đốc trung tâm TDTT Quân đội.

Vào Thể Công, Lê Thanh Sơn được HLV tập đánh nhiều vị trí, lần lượt xếp dự bị năm 1977, đến năm 1978 lên đánh chính thức ở vị trí chủ công. Tuy vậy, từ năm 1979 đã manh nha việc thử vai chuyền hai và sau này, anh gắn bó nhiều nhất cùng vai trò tổ chức trên sân bóng. Niềm hạnh phúc lớn của Lê Thanh Sơn là anh cùng CLB đoạt danh hiệu vô địch Đại hội TDTT toàn quốc 2 lần trong 2 kỳ Đại hội 1985 và 1990. Bên cạnh đó còn là danh hiệu VĐQG trong các năm 1983-1984 và 1985. Anh đã may mắn cùng Thể Công và ĐTQG đi Liên Xô 2 lần năm 1979 và 1981, tham dự giải 3 nước Đông Dương, và Giải thể thao quân đội các nước hữu nghị (SKDA) ở Ba Lan năm 1985 và Bungaria năm 1988, trong đó lần cuối cùng anh lên tuyển là 1988. Cho đến năm 1994, anh chia tay vị trí chính thức của Thể Công và là HLV phó, sau đó từ 1995 đến 1998 anh được bổ sung cho CLB QK5 và chơi vị trí chuyền 2, bắt đầu một cuộc phiêu lưu mới.

Đến năm 1998, anh về với thể thao của quân chủng Phòng không Không quân làm HLV, sau đó được bổ nhiệm là Phó đoàn trưởng phụ trách chuyên môn. Đến tháng 9-2007, Lê Thanh Sơn trở thành HLV cho CLB Giấy Bãi Bằng và về hưu năm 2009.

Cuộc đời có lẽ bao giờ cũng chiều lòng những người đã có tài lại ưa phiêu lưu. Đầu năm 2010 này, Lê Thanh Sơn được mời về giúp đội nữ bóng chuyền Thanh Hóa, công việc xem ra khá ổn và thầy trò hạ quyết tâm lên hạng, những nhà chuyên môn và người dân xứ Thanh tràn trề hy vọng các cầu thủ thân yêu của có khả năng “trở lại mái nhà xưa”…

Con trai anh chị, cháu Lê Bình Giang cũng đến với bóng chuyền từ rất sớm. Khi 15 tuổi, Lê Bình Giang đã được tập bóng chuyền ở đội trẻ Hà Nội, do HLV Phạm Quang Tuyến huấn luyện, sau đó là chuyên gia Nga Iuri. Năm 2004, đi tập huấn Thượng Hải cùng đội trẻ Hà Nội, hiện tại cậu chàng là mũi đánh có uy lực của CLB Dầu khí Việt Nam, hiện tại là Thể Công. Cậu con trai thứ hai Lê Hoàng Nam cao 1m98 rất yêu thể thao, thường theo dõi rất kỹ các giải bóng chuyền quốc tế và đặc biệt yêu thích đội bóng chuyền nữ Nhật Bản.

Theo dõi bóng chuyền ngót nửa thế kỷ, tôi ít thấy một gia đình thể thao nào có sự lãng mạn và hóm hỉnh vui nhộn như gia đình anh chị Sơn-Rệt. Họ có tài và có tâm nên được nhiều người quý mến. Trao đổi với tôi, chủ công Thanh Hoa, nguyên là đội trưởng ĐTVN tại SEA Games 21 nói: “Tôi có may mắn nhiều năm cùng cô Rệt thi đấu trong màu áo CLB Bưu điện Hà Nội, ấn tượng nhất với lứa cầu thủ trẻ chúng tôi hồi đó là nhiệt tình và tư cách của cô Rệt. Cô chơi bóng bằng cả tâm hồn, hết mình trong tấn công và phòng thủ, lại là một cầu thủ có nhiều kỹ thuật, rất toàn diện và nhất là tâm lí tốt. Vì thế, cô luôn là tấm gương cho lớp trẻ chúng tôi noi theo...

Nguyễn Lưu

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều