Tiêu đề của website

Quản Trọng hải: Một quái kiệt (2010)

Quản Trọng Hải là dân Hà Nội gốc, thủa trai trẻ ông là tay mê thể thao và biết chơi nhiều môn, tuy nhiên năng khiếu bóng chuyền bộc lộ rõ ràng nhất.


Quản Trọng Hải là dân Hà Nội gốc, thủa trai trẻ ông là tay mê thể thao và biết chơi nhiều môn, tuy nhiên năng khiếu bóng chuyền bộc lộ rõ ràng nhất. Ngay sau khi hòa bình được lập lại, ngành TDTT bắt đầu hoạt động, các đội bóng ở Thủ đô đã hình thành và rất được ưu ái, nhất là ở 2 môn bóng đá và bóng chuyền. Đội nam Điện lực Hà Nội có cầu thủ Quản Trọng Hải và chỉ ít năm sau, ông được trung ương điều về tập trung làm nhiệm vụ quốc tế ở giải Việt-Trung-Triều-Mông và lần lượt tham dự những cuộc thi đấu khác.

Ông Quản trọng Hải (trái) và ông Nguyễn Thanh Thưởng 

Quản Trọng Hải thuộc diện có tố chất rất “siêu”, tuy chỉ cao 1m70 - thuộc diện hơi lùn so với mặt bằng bóng chuyền Việt Nam hồi bấy giờ. Bù lại, ông có sức bật thật cao và có kỹ thuật đánh bóng hết sức ghê gớm: bật cao, tầm bóng rất tốt và chuyển lực từ bả vai sang cánh tay rồi lên cổ tay để vít trái bóng thật cắm xuống sân đối phương, thế cho nên chỉ sau một thời gian, cầu thủ này được tặng ngay danh hiệu Hải “quắp”. Chuyện trái bóng của Hải “quắp” đánh xuống vạch 3m không phải sự lạ ở Hà Nội những ngày ấy. Ông có những đồng đội kỳ cựu tại đội Bưu điện Hà Nội như Quyền, Đạo, Vĩnh, Thanh… và họ đã sống với nhau như trong một gia đình.

Hải “quắp” đầu quân về Trường huấn luyện TDTT trung ương từ năm 1960 và đóng tại Nhổn. Đầu năm 1962, đi Campuchia thi đấu đợt đầu tiên. Trước ngày lên đường, Thượng tướng Hoàng Văn Thái đã trực tiếp xem đội bóng chuyền nam đấu tập và ông đã tỏ ra ngạc nhiên khi thấy sức tấn công của cầu thủ thấp nhỏ này, sau đó ông bước ra sân bắt tay Hải “quắp” ân cần động viên.

Tại Đại hội TDTT các nước mới trỗi dậy (Ganefo) năm 1963, tổ chức tại Jakarta, thủ đô Indonesia, đội tuyển nam Việt Nam DCCH xuất trận với đội hình chính thức Tín, Uyển, Phụng, Giang, Hải, Thưởng (dự bị: Lâm Dũng, Năng Sơn, Khoa…), trong đó Đào Hữu Uyển là tay chuyền hai chuyên cung cấp bóng cho Hải “quắp” lên lưới. Dáng nhanh nhẹn và kỹ thuật chơi bóng của cầu thủ thấp nhất trong đội Việt Nam được bạn bè khâm phục, nhất là khi đội Việt Nam thắng chủ nhà 3-0 ngay trên sân khách, trận thắng ấy trở thành một tiếng kèn trên quê hương vạn đảo, là niềm vinh dự cho bóng chuyền Việt Nam đến tận ngày nay.

Sau khi từ Jakarta trở về, Quản Trọng Hải còn tham dự những giải thể thao quốc tế khác và ông đều hoàn thành nhiệm vụ của một mũi tấn công có cá tính. Năm 1967, ông được bổ nhiệm là HLV phó ĐTVN đi tập huấn và thi đấu tại Thượng Hải, Trung Quốc, bên cạnh HLV trưởng Lý Đức Kim. Về nước, Hải “quắp” tiếp tục là HLV bóng chuyền tại Trường huấn luyện TDTT TW cho đến ngày nhà trường giải thể, ông về công tác tại cơ quan cũ là ngành Bưu điện, tham gia nhiều hoạt động, vừa thi đấu lại vừa là trọng tài bóng chuyền hạng A miền Bắc.

Biệt danh Hải “quắp” và “quái kiệt”?

Trong danh sách những mũi tấn công cừ của làng bóng chuyền Việt Nam, đại đa số là các cầu thủ thuộc hàng “khủng long”, từ Bùi Huy Giang, Nguyễn Văn Phụng, Nguyễn Thanh Thưởng trước đây đều cao cỡ 1m85 trở lên, và sau này là những Nguyễn Duy Quang, Thái Anh Văn, Ngô Văn Kiều, Lê Quang Khánh… lại đạt tầm cao từ 1m90 trở lên, trong khi đó Hải “quắp” chỉ cao 1m70. Vậy mà ông vẫn là một mũi chủ công lợi hại. Và những cú đánh bóng cắm đến mức dân bóng chuyền phải ngả mũ dùng từ “quắp” để mô tả cũng như chứng minh điều ấy. Trong cuốn sổ tay bóng chuyền của tôi, sau gần 50 năm theo dõi, có lẽ chỉ có không quá một bàn tay những mũi tấn công cao chỉ xấp xỉ 1m70 mà lại làm điên đảo mọi hàng chắn. Đó là Hải “quắp”, Nguyễn Văn Tư - biệt danh Tư “sông Hồng”, Lê Văn Như - tức Như “đen” của Điện lực Hà Nội, chừng mực nào là Nguyễn Năng Sơn của Hà Nội và có lẽ chỉ có thế.

Chưa hết. Biệt danh Hải “quắp” còn bắt nguồn từ kỹ năng đánh bóng của ngôi sao ấy. Hiện nay, dường như cú đánh móc câu đã bị thất truyền và không thấy xuất hiện trên sân bãi Việt Nam. Nhưng trước đây, cú móc câu là vũ khí rất lợi hại của bóng chuyền, là cú tấn công rất khó chắn bởi nó chỉ diễn ra khi bóng xa lưới, thậm chí có khi thấp hơn so với yêu cầu. Và để đánh móc câu, cầu thủ sẽ dùng cả bàn tay xòe ra ôm chặt lấy trái bóng và phát lực khiến trái bóng đi một quỹ đạo cầu vồng trước khi xuống đất, là một kỹ năng độc đáo. Nửa thế kỷ trước, tại Ganefo 1963, tuyển Việt Nam có 2 cầu thủ sử dụng thuần thục miếng đánh này, là Hải “quắp” và Đào Hữu Uyển. Với Hải “quắp”, do thấp nhỏ hơn Đào Hữu Uyển (1m80) nên trước khi bóng ra khỏi tay, Hải “quắp” thóp bụng ra đòn nom rất hấp dẫn, thoạt nhìn như con tôm, cùng là nguyên do của tên gọi kia. Tiếc là cú đánh này hiện đã không còn thấy và làm người hâm mộ đôi khi thấy thiếu thiếu…

                                                                                                                                                                                                                                                                                        Nguyễn Lưu

***

Cựu chuyền hai Lệ Bình:

“Anh Hải là trường hợp rất đặc biệt của bóng chuyền, tuy không cao nhưng bật cao và tấn công rất sắc sảo. Bây giờ rất khó tìm thấy một mẫu cầu thủ tấn công đa dạng như thế”.

Ông Bùi Huy Giang, nguyên phó giám đốc trung tâm TDTT quân đội:

“Chúng tôi là đồng đội ở Ganefo 1963. Tôi rất khâm phục anh Hải, cả về chuyên môn và lối sống. Anh Hải là mẫu cầu thủ mà các thế hệ sau cần phải học tập và noi gương.

Quản Trọng Hải có một gia đình nhỏ rất hạnh phúc và xứng đáng là gia đình thể thao kiểu mẫu, ông có 3 người con trai đều là những tài danh của bóng đá Việt Nam: Anh cả Quản Trọng Hùng là hậu vệ thép của Thể Công, từng là Giám đốc Trung tâm TDTT Quân đội; tiếp theo là Quản Quốc Hương, tiền vệ rất xuất sắc của Công an Hà Nội và của đội tuyển Việt Nam; cuối cùng là Quản Trọng Bắc, là tiền vệ vững vàng của đội Phòng không Không quân. Họ luôn tự hào với truyền thống của nền TDTT Việt Nam và truyền thồng gia đình thể thao”.


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều