Tiêu đề của website

Bóng chuyền nữ Việt Nam và nỗi lo từ vị trí chuyền hai

Sau chấn thương của Nguyễn Linh Chi, chưa lúc nào đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lại khủng hoảng vị trí chuyền hai như hiện nay. Trong đó một số thì đã lớn tuổi, những chuyền hai trẻ còn lại đa phần còn quá yếu cả về kinh nghiệm lẫn chuyên môn từ CLB lẫn ĐTQG.


Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam để lại khoảng trống khá lớn ở vị trí chuyền hai.

Với chấn thương đứt dây chằng chéo trước, Nguyễn Linh Chi sẽ phải vắng mặt ít nhất 1 năm để chữa trị và hồi phục, đồng nghĩa bóng chuyền Việt Nam sẽ phải tính tới phương án tìm ra một chuyền hai thay thế tại giải Vô địch châu Á, cũng như SEA Games 30 vào cuối năm sau. Nếu như vài năm trước, đội tuyển Việt Nam khá yên tâm với sự xuất hiện của Hồng Đào, người có trình độ tương đương với Linh Chi thì bất ngờ năm 2018, chuyền hai của VTV Bình Điền Long An chính thức giải nghệ. Một chuyền hai khác có trình độ tương đối tốt là Hà Thị Hoa giờ đã lớn tuổi, thể lực cũng không tốt lại mới trở lại sau khi sinh. Trường hợp của Lê Thị Minh Nhâm của Quảng Ninh (sinh năm 1989)  cũng tương tự khi sau vòng 1 giải VĐQG 2018 cũng chính thức nghỉ thi đấu để sinh em bé.

Ở nhóm chuyền hai còn lại đánh giá là khá yếu và thiếu kinh nghiệm. Trong đó, Phạm Thu Hà được đánh giá cao nhất hiện nay, người có thời gian ngắn được góp mặt cùng ĐTQG tuy nhiên dễ nhận thấy chuyền hai này có vấn đề về thể lực. VĐV sinh năm 1992 chỉ chơi tốt trong khoảng 1, 2 sét đấu đầu tiên và thường bị đuổi sức ở những sét đấu sau đó. Cũng có nhiều lý do, trong đó Thu Hà mới quay trở lại tập luyện từ giữa tháng 10, thời gian còn ngắn chưa kịp lấy lại thể lực và phong độ.

Với các VĐV trẻ hơn, cùng sinh năm 1998 có Thu Hoài, Lâm Oanh và Kim Thoa. Trong đó cả 3 cây chuyền hai này đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Nếu như Thu Hoài được đánh giá cao nhất với lối chơi thiên về chiến thuật, thì điểm yếu của VĐV này là chắn bóng, chuyền bóng điều chỉnh và tâm lý thi đấu. Với Đoàn Lâm Oanh dù có chiều cao tốt hơn, chuyền bóng cho các chủ công cũng ổn định hơn tuy nhiên có thể thấy VĐV này bị hạn chế ở tốc độ di chuyển, khả năng chuyền bóng chiến thuật cũng như tâm lý thi đấu không được tốt. Còn với Võ Thị Kim Thoa có thể thấy điểm nội trội hơn 2 VĐV cùng lứa chính là tâm lý thi đấu, chuyền bóng khá chắc tay, tuy nhiên điểm yếu lại nằm ở khả năng chuyền bóng chưa có nhiều đột biến, chắn bóng cũng chưa tốt do hạn chế về chiều cao.

Với thực trang của bóng chuyền nữ Việt Nam hiện nay, ở vị trí chuyền hai thực sự đang ở mức báo động khi vừa thiếu lại vừa yếu. Rất có thể, phải sau vòng 1 Giải bóng chuyền VĐQG 2019, dựa vào phong độ cá nhân của từng VĐV, vị trí chuyền hai mới được BHL đội tuyển quyết định. Thế nhưng, dù đó có là ai đảm nhiệm đi chăng nữa thì đội tuyển Việt Nam vẫn đáng lo ngại nhất lúc này chính là vị trí chuyền hai, linh hồn của một đội bóng chuyền.


Tác giả:ANH TUẤNNguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Bài viết cùng chuyên mục
Nội dung đang được cập nhật.
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều