Tiêu đề của website

Thể thao TPHCM: Đầu tư chiều sâu để hái quả ngọt

Hơn 10 năm trước, ngay cả những người bi quan nhất cũng không hình dung được thể thao TPHCM - nơi khởi nguồn của những điều tốt đẹp ở thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước - lại tuột dốc không phanh, đánh mất dáng vẻ của hình mẫu…

Hơn 10 năm trước, ngay cả những người bi quan nhất cũng không hình dung được thể thao TPHCM - nơi khởi nguồn của những điều tốt đẹp ở thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước - lại tuột dốc không phanh, đánh mất dáng vẻ của hình mẫu thể thao số 1 Việt Nam. Giờ đây, người làm thể thao nơi đây vẫn đang sống với hoài niệm của một quá khứ vàng son và hy vọng tương lai, hứa hẹn hơn sẽ đến sớm.
Khủng hoảng kéo dài Nếu đo về sự cường thịnh của thể thao, chẳng nơi đâu trên dải đất hình chữ S này sánh ngang TPHCM - vùng đất vừa giàu tiềm lực tài chính, vừa dồi dào về con người tài năng. Việt Nam có bao nhiêu môn thể thao mũi nhọn, TPHCM đều giữ lá cờ đầu, khởi nguồn cho cả một phong trào rầm rộ về sau. Bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, bơi lội, bóng bàn, cầu lông, taekwondo… đều xếp ở vị trí số 1, gần như không thể lật đổ được. Thể thao TPHCM không tìm ra đối trọng xứng tầm kể từ Hội khỏe Phù Đổng cho đến Đại hội TDTT toàn quốc và ở cả hệ thống thi đấu quốc gia. Một nửa và có lúc là quá nửa quân số của các đội tuyển quốc gia dự SEA Games, Asian Games, Olympic thuộc biên chế của thể thao TPHCM. Cả nước mê mẩn trước đoàn thể thao TPHCM mỗi lần họ xuất quân hùng hậu, trước tốc độ chiếm đoạt huy chương và trình độ chuyên môn “chuẩn không cần chỉnh” của VĐV nơi đây. Vì thế, giới HLV, VĐV và cả lãnh đạo ngành TDTT TP nở mày nở mặt khi đón đoàn học tập kinh nghiệm đến từ khắp nơi trên cả nước. TPHCM chính là “địa chỉ đỏ”, nơi chuyển giao công nghệ đào tạo HLV, VĐV đỉnh cao cho các tỉnh, thành bạn... Nhưng đấy là chuyện của quá khứ, một quá khứ đầy oai hùng. Còn giờ đây, sau hơn 10 năm suy thoái, mất thăng bằng trong đào tạo và quản lý nguồn nhân lực, tài chính và cả các công trình thi đấu, ngành thể thao TPHCM chỉ còn biết sống với hoài niệm, chưa tìm được hướng đi phù hợp để trở lại với những tháng ngày vinh quang. Nhiều môn thể thao từng là mũi nhọn số 1 của TPHCM như điền kinh, bóng chuyền, taekwondo, bơi lội, TDDC, bóng bàn… giờ đây đã nằm trong tầm kiểm soát của thể thao Hà Nội, Quân đội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình, An Giang… Nhiều VĐV tài năng của TPHCM như Trương Thanh Hằng (điền kinh), Hồ Ngọc Thuận (bóng bàn), Võ Thị Phương Phi (xe đạp), Quang Thanh, Ngọc Thanh, Phùng Công Minh, Lưu Ngọc Hùng (bóng đá)… đã ra đi tìm đường mưu sinh vì TPHCM không còn là “miền đất hứa” nữa. “Đi trước, về sau” - người trong làng thể thao Việt Nam nói vậy và giới chức thể thao TPHCM thừa nhận chính năng lực quản lý và điều hành yếu kém kéo dài của mình đã đẩy trung tâm thể thao số 1 cả nước vào cuộc khủng hoảng kéo dài đã 10 năm có lẻ, bắt đầu từ việc đánh mất vị thế ở Đại hội TDTT toàn quốc 2002, hệ thống giải thi đấu vô địch quốc gia. Hy vọng vào tương lai Sự sa sút mang tính hệ thống ở nhiều môn thể thao thế mạnh của TPHCM vô tình đã đặt giới làm nghề đứng trước một thực tế: thể thao TPHCM chủ quan trước thời cuộc, chưa năng động, nắm bắt xu thế phát triển kém và nguồn nhân lực chuẩn bị cho tương lai, từ cấp quản lý cho đến lực lượng HLV cũng như VĐV vừa thiếu lại vừa yếu. Xóa bài làm lại, đổi mới khá nhiều cả cung cách điều hành hoạt động lẫn chế độ đãi ngộ VĐV diện tài năng, thể thao TPHCM khôi phục phần nào vị thế ở những môn từng rất mạnh của mình như bơi lội, cầu lông, xe đạp, bóng đá nữ, nhưng như thế là chưa đủ để vực dậy hình ảnh tốt đẹp của quá khứ. Bóng đá đang “trắng”, điền kinh mới ở thời kỳ đầu phục hưng, taekwondo vẫn mất “số”, bóng chuyền trồi sụt thành tích dù hiện tại có đến 4 cái tên góp mặt ở giải VĐQG… là những điều khiến giới chức trăn trở. Một giai đoạn dài đầu tư dàn trải cho hàng loạt môn thể thao, ưu thế mũi nhọn và tính đột phá đã bị thui chột, giờ đây giới chức thể thao TPHCM đã nỗ lực khoanh vùng, tỉa tót cho một kế hoạch trọng điểm, có chiều sâu và thực sự kỹ lưỡng và hy vọng sẽ cho hái quả ngọt trong tương lai. Thể thao TPHCM từng kiêu hãnh với chính hình ảnh của mình, nhưng cũng từng cay đắng thừa nhận đã quá chủ quan và đi chậm lại trong xu thế phát triển chung. Và bài học xương máu từ cuộc khủng hoảng nghiêm trọng vừa qua sẽ trở thành động lực thúc đẩy thể thao TPHCM đứng dậy và vững vàng hơn cho một cuộc tái thiết. Suy cho cùng, tất cả cũng chỉ hướng đến một tương lai tốt đẹp, đến sự hưng thịnh của vùng đất từng được xem là lá cờ đầu của thể thao Việt Nam… Thời huy hoàng của thể thao TPHCM, những tên tuổi như Trương Hoàng Mỹ Linh, Nguyễn Đình Minh, Lương Tích Thiện (điền kinh), Nguyễn Kiều Oanh (bơi lội), Lê Hồng Hảo (bóng chuyền), Lý Minh Triết, Nhan Vi Quân, Trần Tuấn Anh (bóng bàn), Ôn Tấn Lực (quần vợt), Lê Huỳnh Đức, Võ Hoàng Bửu, Đỗ Văn Khải, Trần Minh Chiến (bóng đá), Trần Đăng Khánh, Hồ Nhất Thống (taekwondo)… đã thống trị sân chơi quốc gia, giữ cho TPHCM ngự trị trên đỉnh cao quốc gia nhiều năm trường.

Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều