Tiêu đề của website

Nhớ lắm bóng chuyền Bưu Điện Hà Nội

Đã khá lâu, những người yêu bóng chuyền ở Hà Nội không được thưởng thức các trận đấu luôn hấp dẫn của Giải VĐQG, nói xa xôi gì đến những giải đấu quốc tế. Có lẽ một giải đấu được tổ chức gần đây nhất ở Cung Quần Ngựa là giải Bóng chuyền nữ VĐCA cũng đã cách đây 6 năm rồi.


Đã khá lâu, những người yêu bóng chuyền ở Hà Nội không được thưởng thức các trận đấu luôn hấp dẫn của Giải VĐQG, nói xa xôi gì đến những giải đấu quốc tế. Có lẽ một giải đấu được tổ chức gần đây nhất ở Cung Quần Ngựa là giải Bóng chuyền nữ VĐCA cũng đã cách đây 6 năm rồi.

Bưu điện Hà Nội một thời hoàng kim

Chủ công Nguyễn Thị Thanh Hoa (số 9) giờ trở thành nhân viên văn thư của Liên đoàn BCVN.

Không cần điểm lại thời kỳ xa xưa hay những năm 60 của thế kỷ trước, khoảng 20 năm về trước, Thủ đô là đất phát của các đội bóng chuyền mạnh, thường xuyên cung cấp cho tuyển quốc gia những hảo thủ. Hồi đó, đội nam với tên gọi Bưu điện Hà Nội được xem như "Seaprodex Thủ đô" với những gương mặt đáng nhớ như Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Hùng Mạnh, rồi Sỹ Hòa (5), Nguyên Hòa (7), Trọng (8), Hùng Cường (9)… đã "xưng hùng" và làm mưa làm gió nhiều năm và có đến 4 cầu thủ được lên tuyển. Đội bóng chuyền phái đẹp còn oách nữa với những cái tên Hà Thu Dậu, Phạm Thị Rệt, Chu Minh Tám, Trần Thị Hương, Thu Hạnh, Thanh Hoa, Phương Lan, Đặng Thị Hồng, Thúy Nga… cũng làm điêu đứng bao đối thủ tứ xứ. Khi lên tuyển, lần lượt Thu Dậu và Thanh Hoa đã được trao băng đội trưởng, còn Nguyễn Tuấn Kiệt và Đặng Thị Hồng từng được xem là tay chuyền hai số một của hai đội tuyển bóng chuyền nam nữ Việt Nam trong nhiều năm. Năm tháng trôi đi, cả 2 đội nam nữ của Hà Nội xem như mất phiên hiệu, cầu thủ tan đàn xẻ nghé. Đa số đều đã giải nghệ, trừ mấy trường hợp hy hữu: lão tướng Thu Dậu còn gắng gỏi đánh cho Ngân hàng Công thương, Trung Thảo (đàn em của lứa cầu thủ Seaprodex) đầu quân về Tràng An - Ninh Bình, Thanh Hoa nay đã là cán bộ của Liên đoàn BCVN, còn HLV Nguyễn Mạnh Hùng sau nhiều năm phiêu bạt quay lại cắm trại ở đất Hoa Lư. "Soi" kỹ chỉ thấy một "giọt máu" của bóng chuyền Hà Nội là tay đánh Lê Bình Giang, con trai của cầu thủ Thể Công Lê Thanh Sơn và Phạm Thị Rệt, hiện đang là mũi tấn công khá ở CLB Thể Công BĐ 15, ngoài ra chẳng còn một gương mặt khả ái nào có gốc gác Hà Nội và điều này đã làm day dứt những cổ động viên bóng chuyền Thủ đô.

Làm lại từ đầu

Thời hoàng kim đã đi qua, bây giờ Hà Nội gần như điểm trắng của BC đỉnh cao và người dân ở đây chỉ còn biết chờ xem các cuộc chơi của người thiên hạ, điều này khiến các nhà quản lý bóng chuyền Thủ đô không khỏi day dứt, bao giờ Hà Nội mới tái xuất những CLB, những gương mặt VIP ở môn thể thao phổ biến này?

Các cầu thủ trẻ Bưu điện Hà Nội (áo xanh) chụp ảnh giao lưu cùng các cầu thủ trẻ Dệt Thành Công.

Về cơ sở vật chất, Hà Nội là nơi có hệ thống nhà thi đấu phong phú nhất trong cả nước, bao gồm các NTĐ Trịnh Hoài Đức, Quần Ngựa, Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Cầu Giấy, Quân đội, Hà Đông và nhiều địa điểm khác có điều kiện thích hợp cho việc đào tạo môn bóng chuyền, nhất là trung tâm huấn luyện VĐV cấp cao Hà Nội mới được xây dựng. Tuy nhiên, cái khó của bóng chuyền Hà Nội chính là thiếu nhà tài trợ khi mà Hà Nội vẫn còn tồn tại các trung tâm lớn mạnh về chuyên môn và tài chính đó chính là Ngân hàng Công thương, Thông tin Liên Việt Postbank, Thể Công hay Biên Phòng. Bởi vậy dù những người làm công tác đào tạo của bóng chuyền Hà Nội luôn duy trì và cố gắng làm lại, nhưng thực tế nó là quá khó.

Từng có ai đó nói rằng bóng chuyền Hà Nội chưa lên được vì đang trẻ hóa. Nhưng trẻ hóa là tất yếu ở môi trường TDTT đỉnh cao và tất cả những trung tâm lớn đã và đang xem trẻ hóa là nhân tố chủ yếu để phát triển. Bóng chuyền nữ Hà Nội giờ đây có nhiều cầu thủ trẻ, song nổi trội thì chưa nhiều. Ở nữ Hà Nội, gương mặt được chú ý nhiều nhất là Lê Thanh Thúy hay Đinh Thị Trà Giang cũng rứt áo ra đi để tìm cơ hội phát triển. Hai gương mặt ở lại được chú ý hơn cả hiện nay là cặp phụ công Thu Hoài và Trịnh Thị Huyền, còn ở đội nam là gương mặt trẻ được biết đến nhiều nhất hiện nay chính là chủ công Nguyễn Thanh Tùng và phụ công Vũ Ngọc Hoàng.

Theo dõi bóng chuyền Thủ đô nhiều năm qua, khát khao của người hâm mộ nơi đây chính là việc phải có sự đầu tư mạnh mẽ xây dựng lại môn chơi được quan tâm và yêu thích bậc nhất này. Mong mỏi hơn, là trong một ngày không xa bóng chuyền Hà Nội sẽ lại thấy những đại diện góp mặt tại sân chơi lớn nhất cả nước, khán giả được theo dõi các giải đấu lớn trên sân nhà sẽ trở thành hiện thực.

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều