Tiêu đề của website

Thương lắm bóng chuyền ơi!

Tuần trước, tôi vào Sài Gòn và có may mắn gặp gỡ giới cầu thủ BCVN hiện đã ngừng thi đấu trên sân. Có nhiều gương mặt xuất sắc lắm, nào Lê Hồng Hảo, Trần Đức Bảo, Tô Minh


Tuần trước, tôi vào Sài Gòn và có may mắn gặp gỡ giới cầu thủ BCVN hiện đã ngừng thi đấu trên sân. Có nhiều gương mặt xuất sắc lắm, nào Lê Hồng Hảo, Trần Đức Bảo, Tô Minh … (nam) đến Lê Hương Giang, Trần Hiền, Nhật Giang, Bùi Hương…(nữ). Thật thú vị khi “bố Lưu” được các chân dài vây quanh, được những ngôi sao một thuở quý mến chăm sóc, thậm chí khi tổ chức trận đấu vui vẻ, tôi còn cầm còi làm TT còn phạt thẻ vàng cả Trần Hiền và Lê Hồng Hào (thẻ giơ ra là chiếc CMND). Trước khi tung bóng, tôi đã khoe với các cháu là bố già vẫn biết chuyền hai đấy nhé, và cùng Lê Hồng Hảo chuyền ít phút trong tiếng vỗ tay động viên của các cầu thủ.

Nhà báo Nguyễn Lưu làm trọng tài trong một trận đấu gặp mặt giữa các cựu danh thủ.

Về lại Hà Nội, khi nhớ tới kỉ niệm kia, tôi chợt chạnh lòng. Nghĩ lại rằng mình đã 73 tuổi và nhiều bệnh tật, lại có bao giờ tập thể dục chơi thể thao gì đâu, vậy vì sao lại chuyền được trái bóng khá là dẻo như thế?

Câu trả lời thật giản đơn, chu vi của bóng tiêu chuẩn là 65 - 67cm và trọng lượng của bóng là 260 - 280g. Có thể nói là quá nhẹ để xử lý và chỉ điều này, thấy thương lớp cầu thủ xưa quá, họ không bao giờ được chơi bóng với những điều kiện tốt đến như thế này.

Trước hết là bóng, nhìn trái bóng Mikasa sang trọng và nhẹ nhàng bay bướm hôm nay là phát thèm. Nếu tôi nhớ không lầm, trái bóng chuyền khi xưa được làm không theo quy cách nào hết, tất cả do khâu tay và vỏ bóng làm bằng da, thường là da bò đã thuộc. Bên trong bóng là cái vét-xi cao su, xếp lại hình thoi 4 góc và có núm ở đầu. Vét-xi được nhét vào bóng, dùng bơm tay mà bơm cho căng, sau đó thắt nút vào rồi nhét vào bóng, ban đầu “miệng” bóng có hai hàng lỗ mỗi bên 6 lỗ và thắt lại như dây giày, sau này hiện đại hơn nên trái bóng chỉ có “miệng” là một lỗ tròn to bằng trái trứng gà, bơm vét-xi xong nhét vào, nếu không khoẻ tay thì lấy vật cứng bẹt như cái cán thìa để nhét vào. Trái bóng như thế, nặng hơn nửa kg là cái chắc, giờ có các vàng, mình cũng không thể trồ tài vặt được! Vậy mà ngày xưa, các VĐV của chúng ta chỉ có bóng ấy để tập luyện và thi đấu.

Pha phối hợp tấn công giữa Nguyễn Thúy Oanh và Phạm Thanh Nhận trong trận đấu giao hữu ngoài trời, giữa Bộ Tư Lệnh Thông Tin và Than Quảng Ninh năm 1989. 

Thứ hai là sân. Ngày trước, hầu hết là sân đất, sân xi năng chứ tìm đâu ra sân gỗ, làm gì có khái niệm đánh bóng trên thảm như bây giờ! 

Tại Trường huấn luyện TDTT TW khi xưa có câu “Bóng chuyền mỏi gối, điền kinh sói đầu” quả không sai. Thử tưởng tượng, VĐV cả ngày tập luyện và bật nhảy nhiều lần trên mặt sân đất (cứng) sẽ ra sao? THL được xem là oách nhất hồi đó cũng chỉ có 1 sân xi măng, hai đội nữ, nam thay nhau mà tập! Vậy mà khả năng phòng thủ của các VĐV hồi ấy thật tuyệt vời, một trong những trận đánh kinh hoàng nhất là Thái Bình thắng THL khi lấy vũ khi này làm sức mạnh, hôm ấy, các cô gái vùng quê 5 tấn đã “lăn-lê-bò-toài” để cứu những pha bóng tấn công sấm sét của những Thuỷ, Mùi, Liên, Oanh…đến nỗi khi lên bục nhận HCB, đa số các “liền chị” TLH đã nước mắt lưng tròng. Đã có người tìm được mối liên hệ, chính vào năm ấy các cô gái Nhật Bản đã khuất phục đội tuyển nữ Liên Xô bằng khả năng phòng thủ siêu tuyệt.

Có một sân gỗ được làm để thi đấu, tại Sân Cột Cờ, Hà Nội, thật tuyệt vời, tiếc thay do lắp ghép nhằm phục vụ thi đấu đối ngoại nên chỉ được làm trước đó có 1 ngày và 2 đội nam, nữ của chúng ta chỉ được làm quen sân này có nửa buổi!

Thứ ba là trang phục. Khi xưa, nữ mặc quần bồng, nom rất bắt mắt. Nam mặc không khác mấy bây giờ, song điều đáng nói là rất thiếu những thiết bị bảo hiểm ở đầu gối, cố tay hoặc bắp chân như bây giờ. Hồi ấy, ai may mắn có cái bọc gối là oách lắm rồi. Thế nên những vết sứt sát hay các chấn thương với VĐV bóng chuyền là rất nhiều, tôi từng ái ngại nhìn các bạn nam với đầu gối và cùi tay trầy xước, những vết sẹo để lại tới hết cả cuộc đời họ và hiểu rõ những hy sinh to lớn của cầu thủ Việt Nam ra sao. Nhưng họ đâu có nản lòng, tôi nhắc lại mấy hình ảnh dưới đây để ta cùng tham khảo.

Động tác bay người tầm thấp để cứu bóng được gọi là “cá nhảy”, được nhiều người sử dụng, tôi nhớ hồi đó có hai anh Tịnh - Tị của Bưu điện Hà Nội, trên sân xi măng mà các anh bay đi bay lại khiến chiều chiều, rất nhiều khán giả dừng bước xem họ biểu diễn khi đội tập trên sân Pasteur. Tại ASIAD 1966 ở Ph’nom penh, Campucchia, anh Đào Hữu Uyển “cá nhảy” một cú thật dài và trượt mạnh rồi chui cả vào gầm ghế, nơi có Quốc trưởng Norodom Sihanuc và phu nhân ngồi xem. Trái bóng nặng là thế mà trong trận đấu giữa VN và ở TQ trên sân Hàng Đẫy (phía sau cột gôn, người ta làm sân đất nện để thi đấu BC), từ quả bước một không tốt, trái bóng bay rất xoáy trên cao rồi rơi xuống vị trí số một (phát bóng) vậy mà Đào Hữu Uyển chạy xuống rồi chuyền ngược sau đầu, dựng trái bóng lên cho số 4 đánh biên và từ hàng ghế ngay gần đó, chúng tôi đã nhìn rõ trái bóng bay lên và như đứng ở trên không, trên thân bóng đọc thấy hai chữ THƯỢNG HẢI, ghê gớm như thế đấy! 

Những trận đấu của BCVN khi xưa, hễ có chấn thương nào đó, nếu cố được thì VĐV cứ việc hạ quyết tâm thi đấu tiếp (!), nếu sưng tấy sẽ được xoa dầu hay bóp cồn là chính, ngay việc họ được chườm đá là chuyện xa xỉ. Nhiều chấn thương loại nặng, chẳng hạn bị gãy tay hay gẫy chân sẽ được xử lý khá tự do, ít theo chế độ của ngành TDTT. Và tất nhiên, những yếu tố còn lại để hỗ trợ cho sức khoẻ và tuổi thọ của cầu thủ BCVN ngày trước là hết sức thiếu thốn. Tôi không biết đã có những cầu thủ nào phải mất nghề, mất việc vì chấn thương hay các tai nạn do thi đấu ở môn bóng chuyền và dường như điều này là không đo đếm được. Giờ cứ nghĩ đến ngày xưa sẽ lại càng thấy thương lắm những trường hợp như thế!

 

AMA LÂM


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều