Một lần nữa, câu chuyện chuyển nhượng của "tay đập" chủ công Nguyễn Hữu Hà lại khiến cả "làng bóng chuyền" Việt Nam xôn xao. Từ những bế tắc quanh nguyện vọng được thanh lý hợp đồng của anh với CLB Đức Long Gia Lai để về đầu quân cho Biên Phòng, hàng loạt vấn đề tiềm ẩn trong quy định chuyển nhượng của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đã lại được phơi bày.
Khi quy chế của VFV trở nên “việt vị”
Một lần nữa, câu chuyện chuyển nhượng của "tay đập" chủ công Nguyễn Hữu Hà lại khiến cả "làng bóng chuyền" Việt Nam xôn xao. Từ những bế tắc quanh nguyện vọng được thanh lý hợp đồng của anh với CLB Đức Long Gia Lai để về đầu quân cho Biên Phòng, hàng loạt vấn đề tiềm ẩn trong quy định chuyển nhượng của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đã lại được phơi bày.
Còn nhớ câu chuyện cách đây hơn 5 năm, ít ngày trước khi giải VĐQG bắt đầu, Hữu Hà cũng gặp rắc rối bởi lá đơn kiện từ CLB cũ Tràng An Ninh Bình (TA.NB). Khi đó Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) cũng chẳng bảo vệ cầu thủ (vấn đề này giới bóng chuyền lúc đó chỉ một số người hiểu chuyện và khi các câu chuyện nối tiếp sau này bị vỡ lở, khán giả mới sáng tỏ được nhiều điều trong mối quan hệ giữa VFV và phía TANB). Và chính TTK Trần Đức Phấn từng khẳng định: “Giữa TA.NB và Nguyễn Hữu Hà không có hợp đồng thi đấu, nên không thể giải quyết theo quy định của VĐV chuyên nghiệp”.
Hữu Hà và luật sư của anh đã nhiều lần chứng minh giữa hai bên chỉ có hợp đồng tuyển dụng làm công chức, hưởng lương theo ngạch HLV. Như vậy, Hà không phải là VĐV và anh xin nghỉ việc (chứ không xin chuyển nhượng) là xác đáng, đúng Luật Lao động. Với trường hợp của mình, Hữu Hà có quyền đầu quân cho một đội bóng khác mà chẳng phải tốn một xu tiền bồi thường. Tràng An Ninh Bình đã đuối lý và im lặng. Họ cũng trả đũa Hữu Hà, bằng cách gạch tên chủ công này khỏi danh sách đăng kí thi đấu mùa giải năm đó. Đó là lý do giải thích tại sao khi Hữu Hà đơn phương về đầu quân cho ĐLQK5 sau 45 ngày nộp đơn xin nghỉ việc, nhiều người đã coi lá đơn kiện VFV của TA.NB là hành động “không ăn được thì đạp đổ”. Cám cảnh hơn, người đứng giữa trong vụ này là VFV lại không có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của các VĐV mặc dù lẽ phải thuộc về họ và những bất cập trong hành lang pháp lý. VFV chỉ đưa ra lời giải thích: “Hữu Hà và TA.NB chưa giải quyết dứt điểm chuyện đi - ở nên Liên đoàn sẽ không giải quyết để Hà thi đấu trừ trượng hợp các bên đạt được thỏa thuận về việc này”.
Người ta có thể tự hỏi, còn bao nhiêu trường hợp bất cập khi quy định của VFV còn rất mập mờ.
Quay lại bản hợp đồng lao động của Nguyễn Hữu Hà và ĐLGL bất cứ ai đọc cũng sẽ cảm thấy choáng váng, với một điều khoản tự nguyện giải nghệ chưa từng có trong lịch sử thể thao Việt Nam. Bằng quy định "có một không hai" ấy, CLB Đức Long Gia Lai coi như đã "trói" Nguyễn Hữu Hà chặt đến mức không có lựa chọn nào, bị động và phụ thuộc hoàn toàn vào đội bóng. Và dù trên lý thuyết hợp đồng đã kết thúc vào 31-12-2014 vừa rồi, song thực chất, cựu đội trưởng đội tuyển quốc gia chỉ còn hai sự lựa chọn: Hoặc chia tay thảm đấu luôn, hoặc phải đấu thêm cho Đức Long Gia Lai thêm một năm nữa. Tất nhiên, vẫn có khả năng thứ ba: Hà được đầu quân cho đội khác. Nhưng, điều ấy chỉ có thể xảy ra nếu được chủ tịch Bùi Pháp đồng ý, và dĩ nhiên là Đức Long Gia Lai phải nhận được tiền đền bù.
Ngoài chuyện phải tự nguyện giải nghệ hay hợp đồng kéo dài thêm một năm, trong bản hợp đồng chỉ thấy các nội dung vô cùng chặt chẽ liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ của người lao động. Trong đó, nhiều nội dung mà những nguy cơ, rủi ro đều "đổ" hết lên đầu Hữu Hà. Thí dụ: đội bóng có quyền chuyển nhượng Hà cho đối tác khác và hưởng toàn bộ số phí chuyển nhượng, hay: nếu bị chấn thương kéo dài trên ba tháng, anh sẽ phải tự chịu kinh phí chữa trị chấn thương...
Vai trò của cơ quan quản lý ở đâu?
Rõ ràng, cả quá trình (từ thương thảo, ký hợp đồng đến thực thi hợp đồng) gần như chỉ là chuyện riêng của Hữu Hà với CLB Đức Long Gia Lai, chứ không theo một "chuẩn" chung nào. Thế nên, khi tranh chấp xảy ra, rất nhiều chuyện bi hài xuất hiện.
Có thể sự vụ này sẽ kết thúc khi Hữu Hà đành chấp nhận chia tay nghiệp đấu như tuyên bố, hay một trong hai bên chủ động "xuống nước" để tạo ra lối thoát. Song, sau đó, thực trạng chuyển nhượng của bóng chuyền Việt Nam vẫn sẽ không có gì khác, so với cuộc tranh chấp của chính anh cách đây hơn 5 năm. Nghĩa là, VFV luôn luôn trong tình trạng khẳng định sắp có quy chế, nhưng thực tế khâu chuyển nhượng cầu thủ vẫn đang tùy hứng, tự phát và riêng lẻ, với nguy cơ bế tắc và tranh chấp luôn thường trực. Mỗi CLB đang làm một kiểu, mà suy cho cùng cũng chỉ phục vụ cho quyền lợi cục bộ trước mắt. Trong khi đó, các cầu thủ cũng mỗi người "chạy" một cách.
Từ năm 2010, bóng chuyền Việt Nam đã có Quy chế chuyển nhượng cầu thủ, một văn bản được đánh giá là tương đối đầy đủ, chặt chẽ, bám sát điều kiện trong nước cũng như học tập kinh nghiệm quốc tế. Tiếc rằng, ngay sau khi ra đời, văn bản ấy lại rơi vào tình trạng... "việt vị", bởi muôn vàn cách "lách luật" của các nhân tố tham gia. Các CLB, cầu thủ đều không hề thực hiện Quy chế, phần nào đó còn chẳng quan tâm, trong khi cơ quan quản lý Nhà nước gần như đứng ngoài cuộc. Và "hành lang pháp lý" trở thành "ngõ cụt".
Vụ việc của Nguyễn Hữu Hà chỉ là một điểm nhấn, và được chú ý đầu tiên là bởi chính danh tiếng của anh. Người ta có thể tự hỏi, còn bao nhiêu trường hợp bất cập như cô gái trong câu chuyện đau lòng trong “giọt nước mắt từ giấc mơ bóng chuyền” của đội bóng tỉnh lẻ Nghệ An, hay câu chuyện hết hợp đồng nhưng CLB Vĩnh Phúc không chịu thanh lý cho Vũ Thị Lập khiến cô giờ đây trở thành VĐV tự do nhưng không có một chế độ gì đảm bảo… hay còn rất nhiều VĐV như thế chưa được nêu đích danh. Và đến khi nào, chuyển nhượng cầu thủ mới thật sự trở thành một dòng chảy lành mạnh, bảo đảm lợi ích công bằng cho tất cả các bên, góp phần tích cực vào sự phát triển của bóng chuyền nước nhà, khi vẫn thiếu vắng một tinh thần thượng tôn pháp luật, cũng như những sự triển khai đồng bộ, toàn diện, tự giác, hướng đến lợi ích chung lâu dài...?