Tiêu đề của website

Đằng sau cuộc chia tay

Giới làm nghề bóng chuyền hầu như thông tỏ các “chiêu thức” lôi kéo một VĐV giỏi về với mình, có thể “đi đêm” và cũng có thể làm việc trực tiếp với đơn vị chủ quản. Nhưng khi quy chế chuyển nhượng VĐV bóng chuyền vẫn còn khá lờ mờ và nhiều lỗ hổng, VĐV đôi lúc giống như những… món hàng.


Giới làm nghề bóng chuyền hầu như thông tỏ các “chiêu thức” lôi kéo một VĐV giỏi về với mình, có thể “đi đêm” và cũng có thể làm việc trực tiếp với đơn vị chủ quản. Nhưng khi quy chế chuyển nhượng VĐV bóng chuyền vẫn còn khá lờ mờ và nhiều lỗ hổng, VĐV đôi lúc giống như những… món hàng.

Nhân chuyện một số VĐV của đội bóng chuyền nữ Vietsov Petro vừa giải thể tìm được CLB để đầu quân, tạm thoát khỏi tình trạng thất nghiệp, người trong giới mới thừa nhận tin đồn từ trước khi xảy ra vụ chuyển giao đội bóng này cho Bia Sài Gòn - Thái Bình Dương là thật. Tức là một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ chuyển giao đổ vỡ xuất phát từ phía hậu trường đã xảy ra tình trạng “đi đêm” lôi kéo VĐV; đã có thỏa thuận ngầm đội bóng mới với người trung gian để hướng sự việc theo đúng mục đích của mình…

Trong làng bóng chuyền Việt Nam không hiếm những chuyện như vậy. Khi còn ngoại binh xuất hiện ở giải VĐQG, nhiều đội bóng phải khổ sở lao đầu vào cuộc chạy đua vừa tốn kém tiền của, vừa mệt mỏi với những đòi hỏi của người giới thiệu. VĐV ngoại thậm chí còn được bàn giao ngay tại sân bay cho đội bóng cần, sau khi họ đặt chân đến Việt Nam.

Nhưng không phải lúc nào các đội bóng cũng nhận được VĐV tốt, vì chưa tận mắt chứng kiến VĐV thi đấu, không được thẩm định năng lực qua các trận đấu, chỉ có thể nói “có” hoặc “không” để chốt lại thương lượng cho kịp ngày khởi tranh giải. Ép đội này phải lấy quân kém hơn, để nhường người tốt cho đội bóng thân quen là chuyện thường gặp. Điều đó đã góp phần gây nên tình trạng hỗn loạn ở làng bóng chuyền Việt Nam trong một thời gian dài, trước khi Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam quyết định cấm thuê ngoại binh ở những giải đấu chính thức.

VĐV rốt cuộc vẫn là đối tượng thụ động nhất, đặc biệt là VĐV trong nước. Vì nắm luật không kỹ, vì dễ dàng xao động trước lời mời chào kèm theo khoản tiền lót tay lớn… VĐV có thể chia tay đội bóng mình từng gắn bó nhiều năm để gia nhập đội bóng mới được hứa hẹn sẽ hưởng chế độ thù lao cao hơn.

Sự nghiệp cầu thủ nữ khá ngắn ngủi khiến nhiều VĐV phải lo toan cho cuộc sống sau này, từ khi còn khoác áo thi đấu. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đời VĐV kéo dài không lâu, thi đấu đỉnh cao chưa đầy 10 năm, nhưng sa sút phong độ một chút hoặc “cứng” tuổi phải lập gia đình, bộn bề trăm thứ phải lo toan thì rất dễ mất việc, hoặc rơi vào hoàn cảnh bị đưa đẩy từ đội này đến khoác áo CLB khác.

Các VĐV của đội bóng Thông tin LVPostbank như Phạm Thị Yến, Đào Thị Huyền, Phạm Thu Trang, Trần Thu Trang và trước đây là Phạm Kim Huệ khi bước vào cuộc chơi, buộc phải chấp nhận thỏa thuận cống hiến cho đội hơn 10 năm, kể cả khi đứng tuổi và lập gia đình, nếu muốn thi đấu tiếp thì tạm dừng ý định… sinh con (!?).

o0o

Trong vòng xoáy chuyển nhượng còn lắm nhiêu khê ở làng bóng chuyền, nhiều VĐV đã phải ngậm ngùi ra đi, dù chuyên môn vẫn rất ổn. Nguyên nhân là do không phù hợp với kế hoạch dùng người của HLV, hoặc vì quá thẳng thắn khi tranh cãi chuyên môn với thầy mình… Có VĐV tâm sự, nếu ngoan ngoãn thì tiếp tục tồn tại, còn ngược lại chỉ có nước ngậm ngùi ra đi, bất kể VĐV đó đang là ngôi sao của đội bóng. Giờ đây, giữa thời buổi khó khăn, “sảy nhà ra thất nghiệp” khi nhà đầu tư bất ngờ tuyên bố bỏ cuộc chơi, như trường hợp của 3 đội bóng dầu khí (nam Tập đoàn Dầu khí quốc gia, nữ Vietsov Petro, nữ Bia Sài Gòn - Thái Bình Dương, nam Đức Long - QK5…).

Quen chơi bóng chuyền, từng chọn đấy là nghề mưu sinh, bẵng đi chuyện học hành, nên khi rơi vào nghịch cảnh mất việc, nhiều VĐV phải làm lại tất cả với nghề mới: học làm trang điểm cô dâu hay thậm chí là… ở nhà phụ giúp việc gia đình!

 

Lê Hùng - Sài Gòn Giải Phóng

 


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều