Tiêu đề của website

Chuyện bi hài của ĐTQG bóng chuyền nữ: Bỏ ASIAD để dự giải châu Á

Những người có trách nhiệm càng lý giải, người ta càng không hiểu thực chất lý do môn bóng chuyền, cụ thể là ĐTQG nữ lại không dự tranh ASIAD. Trong khi, ASIAD phải ở nhà vì đó là một sân chơi quá tầm thì đội nữ lại tham dự cúp châu Á mà như đánh giá của người trong cuộc là cuộc đấu của 8 đội hàng đầu châu lục.


Những người có trách nhiệm càng lý giải, người ta càng không hiểu thực chất lý do môn bóng chuyền, cụ thể là ĐTQG nữ lại không dự tranh ASIAD. Trong khi, ASIAD phải ở nhà vì đó là một sân chơi quá tầm thì đội nữ lại tham dự cúp châu Á mà như đánh giá của người trong cuộc là cuộc đấu của 8 đội hàng đầu châu lục.

Vừa mới đây, bộ môn và Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đã tổ chức lễ gặp mặt để khích lệ động viên ĐTQG nữ chuẩn bị lên đường tham dự cúp châu Á từ 6/9 đến 12/9 tại Trung Quốc. Đây là một động thái tuyệt vời mà hiếm ĐTQG nào có được, nhất là khi ngoài tinh thần, Liên đoàn cùng nhà tài trợ đã trao tặng số tiền 100 triệu đồng. Những người có trách nhiệm cũng nêu rõ, giải sẽ là một cơ hội học hỏi, cọ xát, nâng cao trình độ, bên cạnh các đối thủ hàng đầu châu lục. Tại giải, Việt Nam nằm chung bảng đấu với Trung Quốc, Hàn Quốc và Iran.

Việc ĐTQG nữ dự cúp châu Á cùng động thái của các nhà quản lý càng khiến giới chuyên môn, người hâm mộ phải kinh ngạc không hiểu tại sao mà bóng chuyền Việt Nam lại phải “sợ” ASIAD đến vậy. Đến mức đội nữ dù được tập trung vẫn cứ phải ở nhà tại ASIAD  và điều đáng nói ngành thể thao mặc nhiên coi đó là việc làm đúng đắn, sáng suốt, tiết kiệm và hiệu quả.

Có thể chất lượng đỉnh cao của Cúp châu Á không bằng ASIAD  song rõ ràng cách biệt là rất nhỏ ở cùng tầm mức châu châu lục. Chưa kể, so với ASIAD, thậm chí cúp châu Á còn mang tính tập trung, tinh gọn hơn hẳn. Vậy thì, vẫn chạm trán những Trung Quốc, Hàn Quốc, dù có thể tại ASIAD được tăng cường  về lực lượng, Việt Nam có thể dự cúp châu Á lại bỏ qua ASIAD.

Càng khôi hài hơn, ngành thể thao cứ một mực cho rằng không cử ĐTQG bóng chuyền nữ tới ASIAD để thực hiện chủ trương cắt giảm kinh phí tối đa song thực tế lại rơi vào sự lãng phí ghê gớm. Đơn giản, đội nữ được tập trung để chuẩn bị, thi đấu cúp châu Á rồi giải tán trước ASIAD chỉ khoảng 1 tuần. Thử hỏi khi ấy, đội dự thêm luôn hay bỏ ASIAD sẽ tiết kiệm, hiệu quả hơn. Theo cách tiếp cận của những người có trách nhiệm, có lẽ đội nữ khỏi cần tập huấn và dự cúp châu Á mới là giải pháp trọn vẹn nhất, vừa không tốn một đồng kinh phí vừa không phải lo thành tích, áp lực.

Không phải ngành thể thao, mà chính giới chuyên môn, người hâm mộ đều coi bóng chuyền nữ là ĐTQG số 2 của thể thao Việt Nam. Và cứ căn cứ vào viện dẫn, giống như bóng chuyền nữ,  chắc cũng nên cho ĐT bóng đá nam nghỉ  luôn, khỏi cần tính đến vị thế riêng của môn đại chúng hàng đầu, hay đáp ứng nhu cầu và tình yêu của số đông. Bởi thực chất chỉ tiêu huy chương, đặc biệt Vàng, đặt vào 17 môn khác, chứ đâu có thể trông cậy được gì ở bóng đá nam, bóng đá nữ hay bóng chuyền nữ.

Chưa biết thể thao Việt Nam sẽ thành bại như thế nào tại ASIAD 2014, tuy nhiên từ trường hợp điển hình của bóng chuyền nữ đã chứng tỏ cách nhìn nhận, chuẩn bị của ngành thể thao cho Đại hội bị sai lệch ngay từ đầu.

Càng khốn khổ hơn, thay vì lắng nghe một cách nghiêm túc những thông tin phản biện, ngành thể thao lại cứ khẳng định chắc nịch mình đang làm đúng, thậm chí còn quy kết các ý kiến khác là làm khó, hay không vì mục tiêu phát triển. 

Nhiệm kỳ thất bại của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam

Tính đến thời điểm này, nhiệm kỳ đã kéo dài gần 6 năm của tổ chức xã hội nghề nghiệp cao nhất bóng chuyền Việt Nam đã thực sự gây thất vọng lớn. Dù được thừa hưởng một nền tảng vững chắc của các khóa trước, từ hệ thống giải đấu, quan hệ quốc tế, vị thế xã hội cho đến kinh phí, song Liên đoàn chẳng những không đột phá mà nhiệm kỳ hiện tại đang tụt hậu thảm hại.

Điều đó được minh chứng rõ nhất ở việc chăm lo, đầu tư cho các ĐTQG- vốn luôn được coi là đỉnh cao và bộ mặt của bất cứ môn thể thao nào.

Trong nhiệm kỳ hiện tại, tính ngay ở đấu trường SEA Games, ĐTQG nam có tới hai lần bị văng ra khỏi nhóm có huy chương, và trầy trật mới tái chiếm được HCĐ ở kỳ Đại hội 2013, cho dù trước đó đội đã đoạt ngôi Á quân. ĐTQG nữ vẫn tiếp tục phải cam chịu “phận Bạc”, với khoảng cách ngày một tụt lại so với thái Lan. Lên tới ASIAD, tình cảnh của môn này càng thảm. Bóng chuyền nữ hai lần liền không tham dự, bóng chuyền nam lần này cũng bị cho ở nhà nhưng cách đây 4 năm từng gây ra thảm họa khi toàn thua 7 trận đúng nghĩa… không đỡ nổi.

Khi tổng kết bóng chuyền cũng như việc thực thi nhiệm vụ của Liên đoàn, ngành thể thao cần phải xuất phát từ những gốc rễ kể trên, chứ không nên chăm chăm vào một vài thành tích, kiểu như chức vô địch VTV Cup 2014- một giải không chính thức, và phụ thuộc quá nhiều vào chất lượng của các khách mời.

 

HÀ THẢO - Báo Thể Thao 24h


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều