Tiêu đề của website

Môn bóng chuyền không tham dự Asiad 2014: Công bằng không phải là "cào bằng" !

Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm từ người hâm mộ.


Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm từ người hâm mộ.

Sau bóng bàn, cũng với lý do hướng đến tính tiết kiệm và hiệu quả, ngành thể thao Việt Nam tiếp tục loại bóng chuyền và quần vợt khỏi danh sách tham dự ASIAD 2014. Tuy nhiên, nếu như trường hợp các môn bóng bàn và quần vợt nhận được sự đồng thuận rất cao, thì giới chuyên môn cũng như người hâm mộ lại đang thể hiện sự phản đối quyết liệt khi các đội tuyển bóng chuyền phải "ở nhà".

Oan uổng và nghiệt ngã

Có quá nhiều điểm hoàn toàn khác biệt khi so sánh bóng chuyền với bóng bàn hay quần vợt, trong thực trạng nền thể thao Việt Nam hiện tại. Về mặt vị thế, bóng chuyền vẫn được mặc nhiên coi là môn thể thao số hai, chỉ xếp sau bóng đá nam, góp phần tạo nên bộ mặt cùng sức hút đặc biệt cho Đoàn thể thao Việt Nam khi tham dự bất cứ kỳ đại hội nào.

Điểm nhấn này dường như đã không được những người có trách nhiệm nhìn nhận thấu đáo. Rõ ràng, không thể và không nên xem xét việc cử các đội tuyển bóng chuyền, đặc biệt là bóng chuyền nữ, tham dự một kỳ SEA Games hay ASIAD với góc nhìn thuần túy từ vấn đề kinh phí hay thành tích. Thậm chí, nếu muốn thúc đẩy sự phát triển của các môn thể thao đại chúng hàng đầu này nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn của người hâm mộ, chuyện ưu tiên đầu tư phải là... đương nhiên.

Về kinh phí, bóng chuyền lại cũng không nằm trong nhóm đáng phải cân nhắc, dù từ nguồn kinh phí của Nhà nước hay "tự chủ". Với khả năng xã hội hóa đã được kiểm chứng trong thực tế, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam dư sức bảo đảm các điều kiện tham gia thi đấu cho cả hai đội tuyển. Mà nếu nhìn nhận mọi chuyện từ khía cạnh này, lại có một nghịch lý đang được phơi bày: Đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia cũng mới vừa được triệu tập để chuẩn bị dự tranh Cúp châu Á (tranh tài từ ngày 4 đến 12-9 tại Trung Quốc, tức là kết thúc trước ASIAD chỉ đúng một tuần). Chẳng nhẽ, đến lúc đó, việc giải tán đội tuyển lại là "tiết kiệm và hiệu quả"?

Về thành tích, thật bất ngờ khi các nhà quản lý có vẻ như lo lắng quá nhiều và quá xa. Thứ nhất, với một đội hình đang trẻ hóa mạnh mẽ và đúng hướng, gây được tiếng vang cũng như thu hút được rất nhiều sự quan tâm của giới mộ điệu từ một năm trở lại đây, sẽ chẳng ai tạo sức ép thứ hạng hay đòi hỏi những kết quả quá tầm. Quan trọng hơn, đội hình trong quá trình "thay máu" ấy đang rất cần được thử thách và cọ xát tại một đấu trường lớn bốn năm mới có một lần như ASIAD. Rất nhiều chuyên gia tin tưởng rằng: Một đội hình với những Ngọc Hoa, Đỗ Thị Minh... làm nòng cốt cho các tài năng trẻ đang lên, hoàn toàn có thể có một màn trình diễn tốt. Cũng đáng lưu ý: Tại ASIAD, một số đội yếu hơn rất nhiều so với bóng chuyền Việt Nam vẫn đăng ký tham dự như thường.

Suy xét từ nhiều mặt, rõ ràng bóng chuyền nữ đã phải nhận một quyết định khá oan uổng và nghiệt ngã. Bên cạnh họ, bóng chuyền nam cũng đang bị tước mất cơ hội "sửa sai" cho cuộc hành trình thảm bại (bảy trận toàn thua) ở kỳ Á vận hội 2010.

"An toàn" là trên hết?

Xin nhắc lại, sự vắng mặt của một môn thể thao đại chúng giàu sức hút như bóng chuyền, cụ thể là một ĐTQG được yêu mến bậc nhất như bóng chuyền nữ, chẳng những sẽ là thiệt thòi cho phong trào, sức vươn của từng môn mà còn ảnh hưởng đến cả nền thể thao Việt Nam nói chung.

Ngành thể thao đã hành động hợp lý khi tỏ ra nghiêm khắc với sự thụ động trong khâu xã hội hóa của môn bóng bàn. Song, cùng một kiểu suy nghĩ như vậy áp đặt lên bóng chuyền lại trở thành cực đoan và "đánh đồng" đáng tiếc, theo kiểu "cào bằng". Có gì đó thật lạ lùng trong cách tư duy ở đây. Phải chăng, cứ không chuẩn bị tốt, không nhiều khả năng có thành tích cao thì tốt nhất là... không tham dự, để cho... an toàn, bất kể mọi yếu tố tiềm năng về các phương diện trong tương lai?

Kể ra, như thế thì cũng "nhàn" cho người quản lý. Chỉ có những khán giả theo dõi không sót trận đấu nào của hai đội tuyển, tại các giải bóng chuyền quốc tế, là "bận tâm bận trí" thôi...

***

Tổng cục phó Tổng cục Thể dục Thể thao Lâm Quang Thành

"Phải thay đổi hẳn cách chuẩn bị cho ASIAD!"

Đúng là nhìn ở mặt này mặt khác, việc một môn đại chúng như bóng chuyền không dự ASIAD cũng là điều đáng tiếc và thiệt thòi. Nhưng, quan điểm của chúng tôi là phải làm lại và làm khác. Bóng chuyền xứng đáng được ưu tiên đầu tư phát triển, chỉ có điều riêng ở kỳ ASIAD này, chúng ta đã không có sự chuẩn bị tốt, không có sự sẵn sàng. Nhìn lại cả quá trình, bóng chuyền Việt Nam không có điểm khác biệt nào để có thể coi là nhắm đến ASIAD. Và trách nhiệm trực tiếp ở đây thuộc về bộ môn cùng Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, và phải nhìn nhận lại nghiêm khắc. Mà không chỉ bóng chuyền đâu, rất nhiều môn từ nay sẽ phải thay đổi hẳn cách chuẩn bị cho ASIAD - giờ đã trở thành mục tiêu chính của thể thao Việt Nam, không thể giống như SEA Games.

***

Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Trần Đức Phấn

"Chúng tôi đã chủ động đề xuất!"

Sau khi cân nhắc, chính bộ môn và Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã chủ động đề xuất hai ĐTQG bóng chuyền nam, nữ không dự ASIAD. Đội nam rõ ràng đang thua kém một khoảng xa so với mặt bằng châu lục, trong khi đội nữ đang trong giai đoạn trẻ hóa, nếu cố gắng tham dự cũng rất khó khăn về mọi mặt, thậm chí có thể dẫn đến những hệ lụy tiêu cực về sau.

Rút kinh nghiệm, trong nhiệm kỳ tới của Liên đoàn chuẩn bị tiến hành Đại hội, chúng tôi sẽ đưa mục tiêu châu Á thành một nội dung trọng tâm để đầu tư quyết liệt và toàn diện. Trong đó, riêng đội nữ sẽ phấn đấu lọt vào Top 5 châu lục.

***

Đội trưởng ĐTQG nữ Nguyễn Thị Ngọc Hoa

"Quá thiếu tự tin!"

Bản thân tôi cũng không tham dự ASIAD 2010 bởi lần trước bóng chuyền nữ cũng vắng mặt, cho nên cũng không khỏi có phần buồn và tiếc. Dù ĐTQG có nhiều giải đấu song một đấu trường ASIAD bốn năm mới có một lần vẫn là một cơ hội trải nghiệm, nâng cao trình độ, vượt lên chính mình hoàn toàn khác.

Tôi nghĩ chúng ta đã quá thiếu tự tin khi không cử đội nữ tới ASIAD. Hãy nhìn ngay tại Giải quốc tế VTV Cup mới đây, bóng chuyền nữ Việt Nam vẫn có thể đoạt ngôi vô địch bằng một đội hình đang trẻ hóa, chính nhờ có niềm tin, khát vọng và chuẩn bị tốt, dù quỹ thời gian chỉ có một tháng.

***

Đội trưởng ĐTQG nam Nguyễn Hữu Hà

"Bệnh thành tích và sợ trách nhiệm!"

Tôi xin nói thẳng: Việc cả hai đội bóng chuyền nam - nữ không được dự ASIAD phần nào đó là biểu hiện của bệnh thành tích và sự sợ trách nhiệm. Thử hỏi trong thời gian dài vừa qua, đơn cử ngay trong năm 2014, hai đội đâu có được đầu tư hay chuẩn bị gì đúng nghĩa cho ASIAD đâu, mà giờ chúng tôi lại phải gánh chịu hậu quả?

Với đội nữ còn đỡ nhưng với đội nam, đây thật sự là một thảm họa. Kể từ sau SEA Games 27, đội chưa một lần được triệu tập, và không dự ASIAD, đồng nghĩa với việc đội sẽ bị "treo tay" tới gần hai năm, chờ đến SEA Games 28.

 

ĐẶNG CƯỜNG - PHƯƠNG HOA - Báo Nhân Dân


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều