Tiêu đề của website

Đã đến lúc bóng chuyền nên trả lại cho người làm bóng chuyền.

Chưa bao giờ cách điều hành bóng chuyền Việt Nam lại khiến giới chuyên môn và người hâm mộ dậy sóng như trong thời gian gần đây.


Chưa bao giờ cách điều hành bóng chuyền Việt Nam lại khiến giới chuyên môn và người hâm mộ dậy sóng như trong thời gian gần đây. Từ vấn đề truyền thông yếu kém tại giải VĐQG cách đây ít lâu, đến vấn đề tập trung đào tạo hời hợt của đội tuyển trẻ và nổi cộm hơn cả là hai đội tuyển bóng chuyền nam nữ không được tham dự Asiad 2014.

Tuy nhiên điều này không có gì là bất ngờ, bởi câu chuyện kiểu như trên đã kéo dài suốt thời gian vừa qua. Nhìn lại cả một nhiệm kỳ qua của ông Trần Đức Phấn có thể coi là sự thất bại lớn về nhiều mặt.

Bóng chuyền nam Việt Nam với ấn tượng đẹp tại SEA Games 2013.

Đầu tiên phải kể đến vấn đề nhà tài trợ. Ông Trần Đức Phấn thật sự may mắn khi trúng cử chức TTK đúng thời điểm bóng chuyền Việt Nam bước vào giai đoạn lên hương. Cả xã hội đều có sự quan tâm đặc biệt dành cho bóng chuyền, đặc biệt là bóng chuyền nữ. Nhìn thì hoành tráng như vậy, nhưng thực chất vấn đề đầu tư, đặc biệt là chế độ của VĐV lên tuyển không hề có sự tăng lên. Ngoài số tiền đầu tư nhiều tỉ của ông chủ tịch Lê Minh Hồng, thì hàng năm VFV cũng có rất nhiều khoản thu. Đơn cử như việc để đăng cai 1 bảng đấu của giải bóng chuyền VĐQG, đơn vị đăng cai cũng phải trả cho VFV 300 triệu đồng, như vậy trung bình 1 năm VFV cũng thu về con số lên tới 1,2 tỷ đồng, chưa kể các giải đấu khác. Vậy số tiền lớn như vậy liên đoàn BCVN đã chi tiêu và sử dụng thế nào ? Tại sao bóng chuyền Việt Nam mãi vẫn không có chuyên gia ? Tại sao chế độ trả cho VĐV lên tuyển vẫn rất bèo bọt ? Có lẽ ông Trần Đức Phấn và liên đoàn BCVN sẽ là người có câu trả lời rõ nhất cho câu hỏi này.

Vấn đề thứ hai liên quan đến công tác truyền thông  của VFV. Có tiền tài trợ, lại được sự ủng hộ và đón nhận của rất nhiều khán giả trên cả nước nhưng rất nhiều giải đấu lớn mang cấp độ Quốc gia hay châu lục được tổ chức tại Việt Nam như cúp bóng chuyền nam vô địch châu Á 2012, hay mới đây là giải VĐQG công tác truyền thông đều thật sự yếu kém. Không tường thuật trực tiếp đã đành, nhiều khi ngay cả người dân tại địa phương cũng không biết có giải bóng chuyền đang được tổ chức tại nơi họ sinh sống. Một mặt nó chính là hành động giết chết tình yêu của rất nhiều khán giả yêu mến bóng chuyền, mặt khác nó chính là hành động đuổi khéo những ông bầu, những doanh nghiệp đang đổ tiền tỉ vào việc đầu tư và xây dựng. Bởi yêu bóng chuyền là một phần, nhưng phần khác họ cũng cần phải quảng bá thương hiệu đến đông đảo khán giả, để doanh nghiệp họ mới có thể sống, mới có thể sinh lợi nhuận, mới có thể tiếp tục đầu tư vào bóng chuyền.

Vấn đề thứ ba, mang tính nổi cộm hơn cả đó chính là vấn đề về chuyên môn. Cũng dễ hiểu bởi ông Trần Đức Phấn chưa bao giờ được coi là người có chuyên môn trong giới bóng chuyền. Bởi ông cũng chỉ là sinh viên đại học TDTT Từ Sơn, chưa bao giờ được thi đấu và tập luyện trong môi trường bóng chuyền đỉnh cao, nên việc non kém về chuyên môn âu cũng là điều dễ hiểu. Đặc biệt việc rút môn bóng chuyền tại Asiad 17 tới đây, không cần thông qua ban chuyên môn mà chính ông và bộ môn lại tự ý quyết định. Mà ai cũng biết, trưởng bộ môn bóng chuyền là ông Trần Phú Đằng thực chất cũng không am hiểu về bóng chuyền. Ông này từng nhiều lần phát biểu một cách hồn nhiên, khiến khán giả truyền hình cũng không nhịn nổi cười. Bởi vậy dù bản thân những người có chuyên môn nổi trội như Hữu Hà hay Ngọc Hoa vẫn muốn được tham dự, nhưng những người lãnh đạo không biết, hoặc cố tình không biết tâm tư, nguyện vọng của VĐV cần gì thì sẽ không thể nào có thể phát huy được hết khả năng của họ.

Ở tuổi ngoài 20, liệu đội tuyển bóng chuyền nữ có được coi là quá trẻ ?

Ngoài quan đểm có hay không bóng chuyền thi đấu tại Asiad, thì nhìn lại cả một nhiệm kỳ qua, đó là cả một sự thất bại lớn về chuyên môn. Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam gần như không có một vai trò gì trong việc phát hiện và đào tạo các tay đập mới cho bóng chuyền Việt Nam, công việc này gần như phó mặc cho các CLB tự lo liệu và quản lý. Nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn từ cách đây 4 năm đã đề xuất tập trung đào tạo trẻ là bắt buộc và bức thiết phải có chuyên gia huấn luyện và đào tạo. Nhưng cuối cùng những người đứng đầu VFV vẫn lờ đi một cách đầy khó hiểu. Ngay cả mới đây tập trung đội tuyển trẻ cũng còn nhiều vấn đề đáng nói, từ vấn đề không có chuyên gia, thành phần BHL không có chuyên môn, bài tập, điều hành đến cách quản lý.

Dù nhiệm kỳ TTK của ông Trần Đức Phấn đã kết thúc khá lâu, nhưng với lý do chưa có chủ tịch để trì hoãn đại hội thì quả thật không thể chấp nhận được. Và như vậy, chưa có đại hội đồng nghĩa với việc ông Trần Đức Phấn vẫn phải kiêm nhiệm chức TTK dù công việc đang trong tình trạng quá tải. Tuy nhiên, muộn còn hơn không, ban chấp hành bóng chuyền Việt Nam lúc này phải cùng nhau ngồi lại, bàn bạc để các ủy viên chỉ định ra chức vụ TTK tạm thời, một người có tâm, có tầm để có thể cheo lái con thuyền bóng chuyền Việt Nam đang trong thời kỳ loạn lạc. Như vậy, đó cũng là cách để giải thoát gánh nặng cho ông Trần Đức Phấn, cũng là cách để cứu dỗi nền bóng chuyền đang dần trở nên sa lầy. Đã đến lúc, bóng chuyền nên trả lại cho người làm bóng chuyền.

 

DUY HẢI


Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều