Tiêu đề của website

Thêm một đội bóng chuyền mới được thành lập

Thực tế kể từ khi bóng chuyền Việt Nam chuyển mình sang hình thức chuyên nghiệp hóa cách đây 10 năm, những đội bóng - doanh nghiệp bắt đầu xuất hiện với tần suất ngày một nhiều ở mỗi mùa giải. Chỉ tính riêng ở Giải VĐQG, theo thống kê, đã có trên dưới 10 CLB tuyên bố chuyển sang mô hình chuyên nghiệp. Nghĩa là công ty, tập đoàn, doanh nghiệp tiếp quản quyền quản lý, bỏ tiền đầu tư, phát triển và đổi lại, tên của họ được xuất hiện trong tên của đội bóng đó.


Đinh thị Trà Giang, gương mặt hot trên thị trường chuyển nhượng.

Tất nhiên, việc các đội bóng lựa chọn mô hình kể trên là điều tất yếu trong xu thế xã hội hóa bóng chuyền. Đồng nghĩa, muốn phát triển, muốn trở thành một quyền lực, các CLB không thể chờ đợi nguồn kinh phí có hạn từ lãnh đạo địa phương. Họ cần những “bầu sữa” lớn từ các ông bầu vốn là doanh nghiệp hay tập đoàn kinh tế nhằm trả quỹ lương và phát triển đội bóng từ hệ thống đào tạo trẻ hay xây dựng lực lượng.

Tuy vậy không phải đội bóng nào cũng may mắn khi tìm đối tác. Không ít những thương vụ chỉ tồn tại chóng vánh trong vòng một vài mùa giải, thậm chí “đứt gánh giữa đường” vì nhiều lý do, có thể từ phía CLB và cũng có thể từ phía các nhà đầu tư, những người đến với bóng chuyền nhằm đánh bóng tên tuổi cá nhân hay công ty; vì mục đích ngắn hạn nào chứ không phải là vì niềm đam mê bóng chuyền hay nhiệt tâm muốn xây dựng bóng chuyền nước nhà.

Mới đây, làng bóng chuyền Việt Nam lại xôn xao với thông tin có thêm một đội bóng chuyền sắp chuẩn bị ra mắt đóng quân tại Từ Sơn, Bắc Ninh. Đội bóng này theo giới thiệu sơ bộ sẽ do ông Phạm Văn Long (Thông tin Lienvietpostbank) làm HLV trưởng cùng 2 nữ phó tướng là Phạm Ngọc Anh (PKKQ) và Nguyễn Thị Minh Thư (Hà Nam). Hiện tại, đội bóng này đã chiêu mộ được một số cái tên như chuyền hai Lê Thị Minh Nhâm, phụ công Đinh Thị Trà Giang… cùng với đó là việc quăng tiền mua về một số gương mặt hot trong làng bóng chuyền.

Với những động thái trong thời gian gần đây, nhiều đội bóng đã bắt đầu tính đến phương án giữ quân bởi việc đào tạo được một VĐV đẳng cấp là việc không hề dễ. Bên cạnh những đội bóng bị loạn tên tuổi, bóng chuyền Việt Nam vẫn chứng kiến nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư nghiêm túc và thực sự có tâm với đội bóng. VTV Bình Điền Long An, Sanet Khánh Hòa, Ngân hàng Công thương, Thông tin Lienvietpostbank… là một trong những đội bóng tiên phong đi theo mô hình chuyên nghiệp.


Tác giả:HUY QUANGNguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều