Tiêu đề của website

Xây dựng nông thôn mới ở Hà Mòn

Là một trong 22 xã được tỉnh Kon Tum chọn làm điểm để triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2015. Chưa đầy 3 năm kể từ ngày triển khai thực hiện, xã Hà Mòn, huyện Đắk Hà đã hoàn…

Là một trong 22 xã được tỉnh Kon Tum chọn làm điểm để triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2015. Chưa đầy 3 năm kể từ ngày triển khai thực hiện, xã Hà Mòn, huyện Đắk Hà đã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Hiện nay, Hà Mòn đã hoàn tất hồ sơ trình các cấp và đang chờ để được công nhận xã NTM đầu tiên của tỉnh Kon Tum và cũng là xã NTM đầu tiên của Tây Nguyên vào thời điểm này.
Một góc khu trung tâm xã Hà Mòn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Kế Trường, Chủ tịch UBND xã Hà Mòn cho biết: “Ngay từ những ngày đầu triển khai, chúng tôi xác định xây dựng NTM là một chủ trương lớn cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Xây dựng NTM sẽ giải quyết được ba vấn đề lớn, đó là: Nâng cao hiệu quả phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, văn minh. Xây dựng NTM, người được hưởng lợi chính là nhân dân. Vì vậy, việc trước tiên là phải nâng cao ý thức của người dân. Trên cơ sở đó, để đạt được các Mục tiêu đề ra, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn. Trên cơ sở đó, UBND xây dựng kế hoạch trình HĐND xã thông qua; đồng thời thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng NTM từ cấp xã đến cấp thôn và thành lập Ban giám sát cộng đồng tại các thôn để theo dõi, báo cáo từng phần việc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện”. Ông Trường cho biết thêm, chúng tôi luôn xác định ở Hà Mòn, công tác tuyên truyền xây dựng NTM được coi là khâu đột phá, phát huy tối đa vai trò của Mặt trận và các đoàn thể xã hội. Thông qua việc tổ chức họp dân vừa thực hiện công tác tuyên truyền, vừa gợi ý cho bà con bàn bạc, thống nhất từng nội dung thực hiện các đề án, đồ án xây dựng NTM của xã. Từ chỗ hiểu được mục đích, ý nghĩa của xây dựng NTM, đã tạo được sự chuyển biến nhận thức trong nhân dân và huy động được sức dân, chung sức, chung lòng xây dựng NTM. Bên cạnh đó, UBND xã còn thực hiện tốt tư tưởng chỉ đạo của các cấp, đó là phát huy nội lực của địa phương là chính, thông qua tinh thần tự nguyện của nhân dân như việc hiến đất đai, cây cối, hoa màu, ngày công... để giải phóng mặt bằng xây dựng. Đồng thời, huy động các nguồn lực, quản lý, sử dụng các nguồn vốn hiệu quả, chặt chẽ đã góp phần hoàn thành các tiêu chí. Trong tổng nguồn vốn huy động đầu tư xây dựng NTM của xã trên 80 tỷ đồng, người dân trên địa bàn đã đóng góp trên 26 tỷ đồng (chiếm 33%), doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn đóng góp trên 5 tỷ đồng (chiếm 6%). Phần còn lại là vốn ngân sách Trung ương đầu tư trực tiếp (chiếm 9%), ngân sách địa phương 15% và vốn tín dụng 35%... Chúng tôi dạo thăm một vòng, xuống tận đường làng, ngõ xóm trong xã, cảm nhận được một thực tế là xóm làng đâu đâu cũng tinh tươm, sạch sẽ. Nhà mới, nhà cũ của người dân đều có cổng, ngõ, tường rào và được chỉnh trang một cách kỹ lưỡng. Mỗi thôn đều có đội vệ sinh, có nhà văn hóa, có khu vui chơi giải trí. Nước sạch đến từng nhà. Các đường ngang ngõ tắt đều có điện chiếu sáng, chẳng khác gì phố thị. Ngoài trục đường chính còn có 100% đường liên thôn, hơn 72% đường liên gia được bê tông hóa... Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, hiện toàn xã không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ giàu, khá chiếm gần 70%, thu nhập bình quân đạt gần 35,5 triệu đồng/người/năm. 9/9 thôn đạt chuẩn văn hóa, mỗi thôn đều có đội bóng chuyền nam, bóng chuyền nữ, đội bóng đá thiếu niên nhi đồng, đội văn nghệ, trong đó đội bóng đá nữ và đội văn nghệ của xã nhiều năm liền đoạt ngôi quán quân trong các giải phong trào do tỉnh Kon Tum tổ chức. 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường. Cả 3 trường, Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở đều đạt chuẩn quốc gia. Xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục đến cấp Trung học cơ sở. Trạm Y tế đã đạt chuẩn quốc gia. Xã đã tổ chức mở lớp đào tạo nghề cho trên 2.000 lao động, góp phần chuyển đổi ngành nghề, nâng cao thu nhập người dân... Chủ tịch xã Nguyễn Kế Trường tự hào: “Có được như thế này là cả một quá trình. Sự thành công nhất của chúng tôi, trước hết là sự đồng thuận cao của lòng dân. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, chúng tôi đã biết dựa vào dân để tạo nên sức mạnh tổng hợp, dù có khó mấy cũng thành công”. Xuân Hoàng
Email Print Góp ý

Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều