Tiêu đề của website

Đội bóng chuyền Đức Long Gia Lai: Ông Bùi Pháp và những trăn trở

Nếu Đức Long Gia Lai (ĐLGL) đoạt ngôi vô địch quốc gia năm 2012, lúc đó họ sẽ đi vào lịch sử: đội bóng chuyền đầu tiên đoạt Cúp vàng ngay trong mùa đầu thăng hạng. Tiếc rằng điều đó đã không đến, dẫu sao chăng nữa, ngôi vị á quân…

Nếu Đức Long Gia Lai (ĐLGL) đoạt ngôi vô địch quốc gia năm 2012, lúc đó họ sẽ đi vào lịch sử: đội bóng chuyền đầu tiên đoạt Cúp vàng ngay trong mùa đầu thăng hạng. Tiếc rằng điều đó đã không đến, dẫu sao chăng nữa, ngôi vị á quân vừa có được, đây cũng là một thành tích tuyệt vời đối với đội bóng này.
Tuy nhiên, riêng bản thân ông Bùi Pháp (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn ĐLGL) lại có nhiều điều trăn trở muốn chia sẻ với Thể Thao...
Ông Bùi Pháp (áo sọc) theo dõi một trận bóng chuyền
- Ông nhìn nhận về ngôi vị á quân mà đội bóng chuyền ĐLGL mới đoạt được như thế nào? Theo tôi, nếu nhìn một cách toàn cục của cả mùa giải năm nay, thì việc thầy trò ông Bùi Quang Ngọc mang về chiếc huy chương bạc, đó là một thành công vượt ngoài mong đợi. Bởi mục tiêu ban đầu mà chúng tôi đặt ra, đó là lọt vào tốp 4 đội mạnh nhất giải vô địch quốc gia năm 2012. Tuy nhiên nếu chỉ tách riêng trận chung kết, thì đây là một thất bại đáng tiếc vô cùng, khi mà ĐLGL ở trong tình cảnh cầm vàng mà để vàng rơi. Bởi vậy bản thân tôi, cảm giác buồn, vui lẫn lộn. Chỉ có điều, nỗi buồn về chuyên môn trên sân bóng thì ít, còn buồn vì những chuyện khác lại nhiều hơn... - Chuyện khác đó là gì, xin ông nói rõ hơn? Doanh nghiệp bỏ tiền ra làm bóng chuyền, trước tiên là vì đam mê môn thể thao này, sau đó là làm thương hiệu. Tiếc rằng, trong mùa giải năm nay, công tác quảng bá thương hiệu ở môn bóng chuyền không được tốt. Tôi lấy ví dụ, vòng 2 tổ chức vào giữa tháng 11 diễn ra ở Đắk Lắk (bảng B), khán giả đến sân ít ỏi đến mức tôi không thể tưởng tượng nổi. Trận đấu giữa ĐLGL gặp S.Khánh Hòa tranh ngôi đầu bảng vào bán kết, nhưng chỉ có chưa tới 100 khán giả đến sân xem. Khi tìm hiểu ra mới biết, công tác quảng bá thông qua loa phóng thanh, hệ thống băng-rôn, áp phích cho giải đấu này tại Buôn Ma Thuột quá kém cỏi.. - Khán giả đến sân ít, có lẽ người hâm mộ Buôn Ma Thuột đã bão hòa với bóng chuyền. Hoặc trong thời buổi kinh tế khó khăn, họ chọn giải pháp ở nhà xem tivi tiện lợi hơn? Vòng 2 bảng B tại Đắk Lắk đang vào thời điểm chạy đua nước rút, nhưng chẳng có nhà đài nào đến truyền hình trực tiếp về giải đấu này. Thậm chí ngay cả trận bán kết giữa ĐLGL gặp Thể công-Binh đoàn 15 cách đây vài ngày tại TPHCM, tôi đang đi công tác ở Hà Nội, lùng sục khắp 6-8 khách sạn lớn nhỏ, nhưng chẳng có kênh nào để xem bóng chuyền trực tiếp. Mãi đến khi chạy ra cửa hàng bán đồ điện tử, tôi phải chữa cháy bằng cách mua một đầu kỹ thuật số, thuê tivi của chủ quán gắn vào mới có thể xem được. - Vậy ông đề xuất với Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) như thế nào? Trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp chia sẻ với nhà nước về đồng vốn trong kinh doanh. Và cho dù khó khăn bộn bề nhưng doanh nghiệp vẫn gồng mình nuôi đội bóng. Vậy nhưng VFV đã chia sẽ với doanh nghiệp làm bóng chuyền hay chưa? Họ tự biết. Theo tôi, VFV cần phải tăng cường làm thương hiệu cho môn thể thao này, bằng cách mời giới truyền thông vào cuộc mạnh mẽ, đưa tin, viết bài, tường thuật trực tiếp để bóng chuyền được phổ biến rộng rãi đến người hâm mộ. Như vậy là chia sẻ với doanh nghiệp. Đằng này, báo hình ít quan tâm, báo giấy chỉ đưa tin vài dòng, trong khi đó hầu như bất kể chuyện gì ở môn bóng đá cũng được giới truyền thông quan tâm đến tận đường tơ kẻ tóc... Thậm chí, ngay cả trang web của VFV đưa tin vừa chậm rì, vừa hết sức sơ sài... VFV, việc của mình mà làm chưa tốt, thử hỏi việc của các đội bóng, họ quan tâm sao nổi. - Xin hỏi ông câu cuối. Trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, đã có ông bầu, doanh nghiệp bỏ bóng đá... Còn ĐLGL của ông thì sao? Ngẫm người mà nghĩ đến ta. Bản thân tôi và các cầu thủ cảm thấy rất tủi thân trong trận chung kết mới qua. Trong khi về phía Tràng An-Ninh Bình, có một số vị lãnh đạo ngành lặn lội, vượt khoảng 2 ngàn cây số, vào TPHCM xem, tặng hoa, động viên tinh thần cho đội bóng của mình. Chính đây là một trong những động lực rất lớn, giúp cầu thủ họ thực hiện lội ngược dòng thành công. Còn đội ĐLGL thì sao? Thì ngược lại. Nói tóm lại, làm bóng chuyền, mỗi năm bỏ ra không dưới 15 tỷ đồng để thỏa niềm đam mê, làm thương hiệu cho doanh nghiệp, cho ngành và cho cả địa phương... Nhưng khi mà khán giả đang quay lưng lại với môn thể thao này, giới truyền thông lạt lẽo với bóng chuyền, ngành thể dục thể thao ít quan tâm đến đội bóng... Nếu các bạn là ông chủ của một đội bóng, thử hỏi các bạn có còn tâm huyết để tiếp tục nuôi đội bóng nữa hay không?! - Xin cảm ơn ông.

Nguồn: THỂ THAO VIỆT NAM
Thông tin

Nội dung đang cập nhật...

Tiêu điểm
Xem nhiều